Quy hoạch Thủ đô xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá để phát triển Thủ đô giai đoạn tới đều có nội dung về hạ tầng giao thông. Mục tiêu quy hoạch giao thông vận tải hướng đến mạng lưới đa phương thức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại".
Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh: Quang Thái |
Nhiều “điểm nghẽn” về hạ tầng
Những năm qua, hệ thống giao thông vận tải của thành phố Hà Nội đã có sự đột phá về phát triển đồng bộ, kết cấu hạ tầng hiện đại, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), các chỉ tiêu quan trọng chưa đạt so với quy hoạch và tiêu chuẩn (tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng…).
Mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đầy đủ, đồng bộ như quy hoạch. Cụ thể là Vành đai 3 chưa khép kín ở khu vực phía Bắc; Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5 triển khai từng đoạn; Vành đai 4 mới bắt đầu xây dựng. Hệ thống các tuyến đường hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu khai thác trên hệ thống quốc lộ hiện có. Hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đuống kết nối khu vực hai bên sông còn thiếu so với nhu cầu. Cùng với đó, tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị rất chậm (hiện mới có 2 tuyến, trong đó 1 tuyến đã hoàn thành, 1 tuyến mới chỉ hoạt động một phần)...
Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm trong bối cảnh dân số tăng nhanh; hệ thống vận tải hành khách công cộng kết nối đa phương thức chưa hiệu quả; số lượng xe cá nhân tăng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng được yêu cầu, gây ùn tắc kéo dài và ô nhiễm môi trường. Phát thải từ giao thông chiếm tới 28% trên tổng lượng phát thải nhà kính toàn thành phố, chỉ sau hoạt động tiêu dùng điện năng.
Ngoài ra, chỉ số ô nhiễm bụi của thành phố liên tục nằm trong khoảng ô nhiễm cao, đặc biệt tại các nút giao Vành đai 3 - Giải Phóng, cầu Thanh Trì - đường Vành đai 3 trên cao, Vành đai 2 (phần đường Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy)… Đó là những “điểm nghẽn” chính của hệ thống giao thông vận tải Thủ đô được Tiến sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) chỉ ra.
Tập trung hoàn thành đường sắt đô thị, đường vành đai
“Giải pháp cốt lõi, đột phá là phải chuyển đổi nhanh sang đường sắt đô thị mới đáp ứng được vận tải khối lượng lớn, khắc phục nhanh vấn đề hạ tầng không theo kịp nhu cầu. Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt… nhằm hỗ trợ và gom khách cho hệ thống đường sắt đô thị”, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng nhấn mạnh khi tham góp ý kiến cho phát triển hệ thống giao thông vận tải Thủ đô.
Để quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Thủ đô xanh, bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng khuyến nghị, thành phố cần quy hoạch các tuyến đường dành riêng cho giao thông phi cơ giới, bao gồm xe đạp và người đi bộ; quan tâm quy hoạch hạ tầng giao thông tĩnh, trong đó có cả các khu vực trông giữ xe máy, xe đạp cho người dân tại các ga tàu điện, bến xe buýt để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Đi đôi với đó, thành phố có chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt tại khu vực trung tâm. Có thể áp dụng các biện pháp như thu phí vào nội đô hoặc hạn chế số lượng xe vào giờ cao điểm để giảm ùn tắc và khí thải; tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong điều hành giao thông, phát triển giao thông công cộng…
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định phương án phát triển mạng lưới giao thông.
Phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại", là cực tăng trưởng khu vực phía Bắc và cả nước, là động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố cả nước và thế giới. Đồng thời, phương án phát triển giao thông của Thủ đô đáp ứng định hướng phát triển gắn với 3 chuyển đổi: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn.
"Quy hoạch Thủ đô xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá để phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới đều có nội dung về hạ tầng giao thông. Theo đó, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng bằng các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Giao thông công cộng được phát triển, trong đó cơ bản hoàn thành đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035, giải quyết căn bản tình hình ùn tắc. Mục tiêu quy hoạch giao thông vận tải hướng đến mạng lưới đa phương thức", ông Đỗ Việt Hải nhấn mạnh.
Theo Tuấn Lương/hanoimoi.vn