Thứ năm 16/05/2024 02:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Ninh: Đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP – nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới

08:00 | 21/10/2023

(Xây dựng) – Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình OCOP được xem là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh. Trong những năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa sản phẩm OCOP trở thành một trong những chủ lực phát triển du lịch, góp phần nâng cao kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn.

Bắc Ninh: Đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP – nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới
Bắc Ninh là địa phương có nền văn hóa đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch.

Sản phẩm OCOP du lịch đặc trưng

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Song song đó, chương trình còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Bắc Ninh: Đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP – nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới
Chùa Phật Tích nằm ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Bắc Ninh là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống văn hóa, khoa bảng, xứ sở của lễ hội, quê hương của nhiều thủy tổ, nơi có 4 di sản văn hóa của nhân loại được UNESCO vinh danh. Nơi đây còn được gọi là vùng đất trăm nghề với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng nghề gốm Phù Lãng, làng tranh dân gian Đông Hồ, làng nghề mây tre đan Xuân Hội, làng nghề đúc đồng Đại Bái… Bên cạnh đó, có 2 con sông lớn chảy qua đó là sông Cầu và sông Đuống, cung cấp lượng phù sa lớn, hình thành bãi bồi rộng hàng nghìn hecta vô cùng màu mỡ, tạo nên những vùng trồng cây ăn quả, những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng… Từ những điều kiện thuận lợi được thiên nhiên ban tặng, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái…

Toàn tỉnh hiện có 65 làng nghề, gồm: 41 làng nghề truyền thống, 24 làng nghề mới, tập trung ở các huyện Yên Phong, Thuận Thành, Thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh. Hoạt động sản xuất của các làng nghề rất phong phú, đa dạng và hoạt động ở hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu từ việc chế biến nông sản, thực phẩm làm các món ăn đặc sản đến sản xuất các vật dụng gia đình, chế tạo công cụ sản xuất nông nghiệp, làm các mặt hàng mỹ nghệ, các sản phẩm nghệ thuật...Trong số các nghề và làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh có một số nghề và làng nghề có lợi thế để thu hút khách du lịch, có thể khai thác với vai trò là điểm du lịch trọng tâm.

Hàng năm, Bắc Ninh đón một lượng khách tương đối lớn, tăng dần qua các năm, cao nhất là năm 2019 với gần 1,6 triệu du khách. Thế nhưng, những năm sau đó do chịu tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến Bắc Ninh giảm đáng kể, chủ yếu là khách tham quan, lễ hội, nghiên cứu các di tích lịch sử - văn hóa đình, đền, chùa…và tập trung đông nhất vào mùa lễ hội (hội xuân, hội thu): như lễ hội chùa Phật Tích, lễ hội Lim, đền Bà Chúa Kho, chùa Bút Tháp, đền Đô, chùa Dâu...Trong những năm gần đây, nhu cầu của khách du lịch đang có xu hướng mở rộng thêm về tìm hiểu và thưởng thức di sản dân ca quan họ, khách công vụ, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu thị trường kinh doanh, mở rộng đầu tư, tìm kiếm đối tác…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Ðáp cho biết: Với lợi thế về vị trí địa lý, sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống, văn hóa, lễ hội của tỉnh thì việc phát triển các sản phẩm OCOP về du lịch với các loại hình như: du lịch cộng đồng, làng nghề, văn hóa, lễ hội, nông nghiệp, sinh thái…sẽ phát triển mạnh mẽ, hình thành được nhiều sản phẩm OCOP về du lịch để góp phần quảng bá hình ảnh, còn người Bắc Ninh.

Triển khai thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Bắc Ninh đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trên cả nước. Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn; góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh; đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp và dịch vụ du lịch; hình thành những sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một đại sứ chuyển tải câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn vùng miền, thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế cho người dân bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 93 sản phẩm OCOP của 38 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: 34 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 36,6%), 59 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm: 63,4%); có 63 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 67,7%), có 17 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí (chiếm 18,3%), có 7 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 7,5%), còn lại là các sản phẩm khác.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả lâu dài, bền vững Chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh Bắc Ninh đang triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”. Theo đó, tổ chức xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại 3 địa phương gồm: Làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và làng Quan họ cổ Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh).

Theo thiết kế của Đề án, tại điểm Viêm Xá, khu vực ven đê sông Cầu, khu vực bãi cỏ được quy hoạch, chỉnh trang để hình thành khu vực vui chơi, giải trí, check-in cho du khách; phục dựng các phiên chợ vào ngày mồng 4 và ngày mồng 6 tháng Giêng ở làng Diềm; khu vực cho du khách trải nghiệm, thực hành nghi lễ và hoạt động khác của Quan họ. Còn tại làng gốm Phù Lãng, tổ chức địa điểm để trưng bày, giới thiệu lịch sử trải nghiệm làm gốm Phù Lãng nói riêng và gốm Việt Nam nói chung. Số hóa 3D, tranh ảnh, hiện vật,…về nghề gốm Phù Lãng qua các thời kỳ; khu vực bãi cỏ ven sông được quy hoạch, chỉnh trang thành các khu vực cắm trại, dã ngoại ngoài trời; vận động các hộ dân trong làng chuyển đổi một số diện tích trồng lúa thuần hiện nay sang trồng lúa nghệ thuật tạo thành các bức tranh trên đồng lúa – đây là sản phẩm du lịch mới lạ, có nguồn gốc từ Nhật Bản, có thể thay đổi chủ đề mỗi năm, hiện được nhiều nước trong khu vực ứng dụng và thành công. Đối với làng tranh Đông Hồ, sẽ bố trí các khu vực trải nghiệm khác nhau cho du khách liên quan đến nghề làm tranh truyền thống (tạo màu, in tranh, phơi tranh, chợ,…); tái hiện các hình ảnh (phơi tranh, chợ tranh Tết,…) đã được nhà thơ Hoàng Cầm đề cập đến trong bài thơ “Bên thơ kia sông Đuống”; chỉnh trang, trồng hoa, cây cảnh tạo không gian, cảnh quan cho du khách tham quan, check in; hình thành các tour khám phá lịch sử, cuộc sống cư dân hai bờ sông Đuống.

Bắc Ninh: Đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP – nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới
Nghề làm tranh tại làng tranh Đông Hồ có bề dày lịch sử hơn 400 năm tuổi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - người dân sinh sống tại xã Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Làng tranh Đông Hồ có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ mai một; giữ gìn, tôn vinh, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là công việc vô cùng cần thiết. Khi biết tỉnh thực hiện thí điểm gắn sản phẩm OCOP với du lịch tại làng nghề, nhân dân rất vui mừng và phấn khởi, bởi vì đây sẽ là những giải pháp thiết thực, hiệu quả để bảo tồn, giữ gìn và quảng bá rộng rãi nghề làm tranh truyền thống này.

Đánh giá tác động của Đề án đối với các điểm du lịch OCOP, ông Ðặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Việc triển khai Ðề án không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, du lịch văn hóa, mà còn bảo tồn, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Ðề án nói chung, phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng ở Bắc Ninh nói riêng, thì rất cần sự chủ động, đồng thuận của người dân trong việc đưa văn hóa bản địa vào các sản phẩm OCOP, tạo giá trị kinh tế bền vững trong không gian du lịch đặc trưng của địa phương.

Khánh Hòa - Ảnh Tuấn Nghĩa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load