(Xây dựng) - Dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016 nhưng đến nay, tỉnh Bắc Kạn vẫn phải giải quyết nhiều hậu quả do sai phạm trong quá trình triển khai đầu tư.
Dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. |
Công trình Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, có quy mô 500 giường bệnh, bao gồm: Nhà trung tâm kỹ thuật cao, nhà hành chính, nhà khám và điều trị ngoại trú - cấp cứu, nhà bệnh nhân nội trú… với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại.
Là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, công trình Bệnh viện Đa khoa được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể hết sức quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do có nhiều sai phạm trong tổ chức đấu thầu, lập dự án, công trình đã phải tạm dừng thi công một thời gian dài.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (12/2016), tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo Ban Quản lý dự án, đơn vị giám sát, thi công hoàn thành kịp tiến độ.
Mặc dù Dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khá lâu nhưng đến nay, tỉnh Bắc Kạn vẫn phải giải quyết nhiều hậu quả do sai phạm trong quá trình triển khai đầu tư.
Nhà thầu xây dựng đòi nợ
Tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, gói thầu số 05:EPC-thiết kế và xây lắp công trình có tổng mức đầu tư hơn 683 tỷ đồng thực hiện theo hình thức: Tổng thầu thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị, xây dựng do nhà thầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (gọi tắt là UDIC) thực hiện.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án có nhiều vướng mắc về thủ tục hồ sơ từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn đấu thầu. Do đó, đến năm 2013, dự án phải dừng triển khai thực hiện để chốt khối lượng công việc đã hoàn thành của gói thầu số 05, phần khối lượng còn lại chưa thi công được tổ chức đấu thầu theo quy định.
Việc dừng thực hiện gói thầu theo hình thức EPC vào thời điểm nhà thầu đã thi công được khối lượng hơn 89 tỷ đồng được xác định không phải lỗi do nhà thầu.
Dự toán giá trị khối lượng hoàn thành và các khoản chi phí khác của gói thầu số 05 đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra và được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt vào ngày 11/9/2017, với giá trị hơn 89 tỷ đồng, trong đó có hơn 4,2 tỷ đồng là chi phí khác, gồm: Chi phí xây dựng nhà điều hành, lán, trại tạm, bãi đúc cọc, trạm biến áp, tiền lương cho Ban chỉ huy công trình trong thời gian tạm ngừng thi công, vận chuyển dàn giáo….
UDIC đã liên tục có văn bản gửi tỉnh Bắc Kạn, xác định đây là những sai sót không mong muốn nhưng đề nghị tỉnh Bắc Kạn cần sớm thanh toán đủ khoản chi phí khác hơn 4,2 tỷ đồng đã được Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra. Việc dừng hợp đồng đã ký kết khiến UDIC thiệt hại hơn 4 tỷ đồng lãi chậm trả và hơn 27 tỷ đồng lợi nhuận.
UDIC khẳng định, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thanh lý hợp đồng gói thầu số 05-EPC, nhưng đã đấu thầu những phần việc còn lại là vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý hoạt động xây dựng của Chính phủ.
Nhà thầu thiết bị y tế dọa… kiện
Ngày 11/3/2019, đại diện Công ty Cổ phần Thương mại kỹ thuật Việt Nam đã có văn bản gửi tỉnh Bắc Kạn đề nghị chủ đầu tư thanh toán số tiền còn lại của Hợp đồng 11/2016/HĐCC-LĐTB (giữa Ban Quản lý dự án và Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại kỹ thuật Việt Nam – Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát – Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm) về gói thầu số 32: Cung cấp, lắp đặt thiết bị y tế dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn với số tiền là gần 30 tỷ đồng.
Điều đáng nói là: Được đầu tư giá trị bằng gần 50% ngân sách địa phương, nhưng sau khi lắp đặt, tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bắc Kạn vẫn còn hai thiết bị y tế hiện đại là hệ thống chụp mạch Angio một bình diện cảm biến phẳng và hệ thống chụp cộng hưởng từ có giá trị nhiều chục tỷ đồng phải cất trong kho dẫn đến hỏng hóc và đã hết cả thời gian bảo hành.
Câu chuyện gay cấn hơn bởi tình tiết rất khó lý giải: Vì sao chỉ có hai thiết bị đắt tiền nhất nằm trong cùng gói thiết bị y tế được lắp đặt tại cùng thời điểm, cùng gói thầu lại bị chủ đầu tư loại riêng ra, không ký nghiệm thu?
Nhà thầu thậm chí dọa sẽ kiện chủ đầu tư vì việc chậm thanh toán này.
Trước vụ việc trên, ngày 19/3/2020, ông Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký Công văn yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc đầu tư, mua sắm hai thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Thế nhưng, cũng giống như việc xem xét kỷ luật cá nhân sai phạm tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, những cán bộ liên quan như: Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội đồng thẩm định trang thiết bị y tế Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Phó Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá trang thiết bị Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh, chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh… đều không bị xem xét kỷ luật dù được xác định là “gây dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong thực thi công vụ” do hết thời hiệu xử lý?
Còn vướng
Để thanh khoản các khoản nợ nói trên, vấn đề khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn hiện nay là lấy kinh phí từ nguồn nào cho hợp lý và hợp pháp.
Chẳng hạn: Để quyết toán khối lượng gói thầu số 05 đã thi công, tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho cơ chế thanh toán, quyết toán và được Chính phủ chấp thuận nguyên tắc thanh quyết toán theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng đã hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Kạn bố trí vốn và chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn thanh toán, quyết toán theo nguyên tắc: “Phần chi phí khác gồm: Các chi phí hợp lý, hợp pháp về hao phí vật tư, vật liệu, tiền lương, lán trại, chi phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng… do chấm dứt hợp đồng EPC thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 40 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng là: Thanh, quyết toán theo giá trị thực tế mà nhà thầu chi trả, trên cơ sở các tài liệu nhà thầu cung cấp như bảng thanh toán tiền lương, biên lai nhận tiền của người thụ hưởng và khối lượng thực hiện được chủ đầu tư và nhà thầu xác nhận, đơn giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố, hóa đơn chứng từ đầu vào của nhà thầu”.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, số chi phí 4,2 tỷ đồng này là chi phí hợp lý, hợp lệ của nhà thầu khi phải chấm dứt hợp đồng nhưng không thuộc khối lượng thực hiện của hợp đồng và hồ sơ thiết kế đã được duyệt. Vì vậy, các chi phí này được hiểu là khoản bồi thường thiệt hại cho nhà thầu do việc chấm dứt hợp đồng của gói thầu số 05. Để được bố trí vốn đầu tư công và thanh quyết toán số chi phí bồi thường này thì cần bổ sung vào tổng mức đầu tư dự án.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về chi phí quản lý đầu tư xây dựng thì trong tổng mức đầu tư không có khoản mục nào quy định về chi phí bồi thường thiệt hại cho nhà thầu do việc chấm dứt hợp đồng.
Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Vì vậy, chưa đủ cơ sở pháp lý để sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thanh toán khoản bồi thường hơn 4,2 tỷ đồng nói trên.
Tương tự, ở khoản nợ gần 30 tỷ đồng đối với nhóm thiết bị y tế do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010 - 2015 còn hơn 45 tỷ đồng đã hết hạn thanh toán. Theo Luật Ngân sách thì các khoản chi phí trên cũng không nằm trong nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương.
Và, giờ đây câu chuyện lại tiếp tục với việc tìm giải pháp xử lý. Theo đó, các sở, ngành chuyên môn tham mưu báo cáo, xin ý kiến Bộ, ngành Trung ương để giải quyết kiến nghị của nhà thầu; còn những người có trách nhiệm tại địa phương, liên quan trực tiếp đến các lùm xùm này thì một số chuẩn bị nghỉ hưu, phần còn lại chuyển công tác khác…
Liệu những cá nhân sai phạm có thể “hạ cánh an toàn”? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết tới đây.
Thái Nguyên Nhân
Theo