(Xây dựng) – Là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, do đó ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Thế đã gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao, cùng sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, phong trào xây dựng nông thôn mới tại đây đã bước đầu thu được những kết quả đáng tự hào.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Yên Thế. |
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Yên Thế là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 303km2; giáp các tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn. Nhắc đến Yên Thế là nhắc đến một trong những địa danh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc với cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống lại thực dân Pháp của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám (Đề Thám). Đây được đánh giá là một trong những cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, bền bỉ nhất trong phong trào vũ trang chống Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đến đầu thế kỷ XX.
Trong những năm qua, cùng với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Thế diễn ra vô cùng sôi nổi, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy vậy, do điều kiện tự nhiên phức tạp, cùng xuất phát điểm thấp nên việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã gặp vô vàn khó khăn.
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Thế cho biết, xuất phát điểm khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là tương đối thấp, bình quân toàn huyện chỉ đạt 5, 6 tiêu chí năm 2010. Đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, trong khi đó số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhiều; mục tiêu của tiêu chí lớn; thời gian để hoàn thành ngắn. Kết cấu hạ tầng nông thôn như: Giao thông, thủy lợi, điện, trường, văn hóa... còn bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; nguồn lực địa phương còn nhiều hạn chế, đối ứng, thu nhập của người dân còn thấp.
Bên cạnh đó, ban đầu nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về thực hiện chương trình chưa đầy đủ, triển khai chỉ chú trọng đến nội dung cơ sở hạ tầng mà chưa tập trung nhiều về nội dung văn hóa, xã hội, môi trường, phát triển sản xuất.
Ngoài ra, việc huy động vốn của các doanh nghiệp, tổ chức trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế; nguồn vốn đối ứng từ ngân sách huyện và xã thực hiện Chương trình còn thấp và gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn là vậy, nhưng ngay từ khi triển khai, Huyện ủy, UBND huyện Yên Thế luôn xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, là chìa khóa mở ra sự chuyển đổi lớn lao, loại bỏ những tập quán làm ăn lạc hậu, xua tan đói nghèo trong nhân dân nên cần phải huy động cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, với phương châm: Dễ làm trước, khó làm sau, từng bước hoàn thành các tiêu chí trong thời gian sớm nhất. Nhờ đó, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Thế đã đạt được những thành quả đáng tự hào, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Thành quả xứng đáng
Sau hơn 10 năm, diện mạo nông thôn miền núi đã thay đổi đáng kể; kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể của nhân dân được phát huy; an ninh chính trị, trật tự xã hội được tăng cường và đảm bảo; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên.
Kết quả đến hết năm 2021, toàn huyện đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 38 thôn, bản nông thôn mới (trong đó có 5 thôn nông thôn mới kiểu mẫu); bình quân các xã đạt 15,6/19 tiêu chí (tăng 3,4 tiêu chí so với năm 2015).
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường; các mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24% năm 2010 xuống còn 12,5% năm 2015 và 4,91% năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 40 triệu đồng/người/năm tăng 15,03 triệu đồng/người/năm so với năm 2015; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ bình quân tiêu chí đạt chuẩn/xã đến đạt 15,06 tiêu chí/xã (hết năm 2022), tăng 3 tiêu chí so với năm 2015, đến nay không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã giúp huyện Yên Thế tiến gần hơn tới đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Năm 2022, huyện dự kiến đạt chuẩn 2 xã nông thôn mới, 8 thôn kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 8 xã và 13 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân các xã đạt 15,06/19 tiêu chí.
Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, thời gian tới, huyện Yên thế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân; tiếp tục xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ và quy mô hơn; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa…
Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng tới công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, tập trung chỉnh trang nông thôn theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Con đường phía trước vẫn còn dài, nhưng với quyết tâm và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, có thể tin tưởng rằng huyện Yên Thế sẽ có những bước phát triển đột phá trong tương lai, qua đó sớm về đích nông thôn mới.
Thân Nam
Theo