Thứ sáu 26/04/2024 15:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

An Giang: Năm 2021-2025 cần gần 47.000 tỷ đồng đầu tư Chương trình phát triển nhà ở

16:57 | 05/10/2021

(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vừa ký ban hành Quyết định số 2142/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định này, năm 2021-2025, An Giang cần gần 47.000 tỷ đồng để đầu tư Chương trình phát triển nhà ở.

an giang nam 2021 2025 can gan 47000 ty dong dau tu chuong trinh phat trien nha o
Một góc thành phố Long Xuyên.

Nhu cầu nhà ở nhiều…

Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết, đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 534.050 căn nhà với tổng diện tích sàn là 38.852.453m2 sàn. Trong đó, khu vực đô thị là 174.351 căn nhà, tổng diện tích là 13.090.065m2 sàn; khu vực nông thôn là 359.699 căn nhà, tổng diện tích là 25.762.387m2 sàn. Theo kết quả điều tra năm 2020 tổng số hộ trên địa bàn tỉnh An Giang là 525.656 hộ, trong đó hộ có nhà ở là 525.565 hộ, hộ không có nhà ở 91 hộ; nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 78,04%, nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ 21,96%. Sở Xây dựng An Giang dự báo, nhu cầu nhà ở sẽ tăng cao trong vòng 5-10 năm tới. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu và định hướng phát triển nhà ở trong tương lai, ngày 01/9/2021, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã ký Tờ trình số 2910/TTr-SXD phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 gửi Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Đến trung tuần tháng 9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 sẽ phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 22,3 m2/người (trong đó, tại khu vực đô thị là 25,3 m2/người; tại khu vực nông thôn 20,8 m2/người); diện tích nhà ở tối thiểu 10 m2 sàn/người.

Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm khoảng 6.013.898m2 sàn. Trong đó: Nhà ở thương mại tăng thêm khoảng 532.226m2 sàn, với 4.435 căn; Nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 175.500m2 sàn với 3.510 căn (Nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp là 125.000m2 sàn với 2.500 căn, Nhà ở xã hội dành cho công nhân trong khu công nghiệp 40.000m2 sàn với 800 căn, Nhà ở xã hội cho sinh viên, học sinh là 10.500m2 sàn với 210 căn); Nhà tái định cư cho các hộ có nhà ở ven sông, kênh, rạch, sạt lở khoảng 64.000m2 sàn với 2.000 căn; Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 5.242.172m2 sàn với 58.246 căn.

Phấn đấu nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 87,2%; nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ giảm xuống con 12,8%. Dự kiến nhu cầu quỹ đất phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 là 3.042,6ha; trong đó cần khoảng 1.893,1ha để phát triển nhà ở thương mại và khoảng 35,5ha để phát triển nhà ở xã hội (chưa bao gồm 20% quỹ đất nhà ở xã hội theo quy định pháp luật).

Giai đoạn 2026 – 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 24,3 m2/người (tại khu vực đô thị là 29,2 m2/người; tại khu vực nông thôn 21,9 m2/người); diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người. Tổng diện tích sàn nhà ở tăng lên khoảng 6.383.600m2 sàn. Trong đó, nhà ở thương mại tăng thêm khoảng 813.728m2 sàn với 6.781 căn; nhà ở xã hội tăng khoảng 265.500m2 sàn với 5.310 căn (nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp là 195.000m2 sàn với 3.900 căn, nhà ở xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp 60.000m2 sàn với 1.200 căn, nhà ở xã hội cho học sinh, sinh viên là 10.500m2 sàn với 210 căn); nhà ở công vụ sẽ đầu tư xây dựng khoảng 900m2 sàn (mỗi huyện khoảng 01 căn) để phục vụ công tác điều động, luân chuyển cán bộ cấp ủy với tiêu chuẩn căn nhà loại 1 khu vực nông thôn có diện tích sử dụng 90m2; nhà tái định cư cho các hộ có nhà ở ven sông, kênh, rạch, sạt lở khoảng 192.000m2 sàn với 6.000 căn; nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 5.111.472m2 sàn với 51.115 căn.

Phấn đấu nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 93,3%; nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ giảm xuống con 6,7%. Dự kiến nhu cầu quỹ đất phát triển nhà ở giai đoạn 2026 - 2030 là 1.849,4ha; trong đó: cần khoảng 750ha để phát triển nhà ở thương mại và khoảng 53,5ha để phát triển nhà ở xã hội (chưa bao gồm 20% quỹ đất nhà ở xã hội theo quy định pháp luật).

Sở Xây dựng An Giang dự báo nguồn vốn phát triển nhà ở các giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn An Giang sẽ là 46.947.611 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách 79.275 triệu đồng, doanh nghiệp 7.289.937 triệu đồng, người dân 39.578.399 triệu đồng. Giai đoạn 2026 – 2030 cần 50.307.896 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 86.070 triệu đồng, doanh nghiệp 11.630.212 triệu đồng và người dân 38.591.614 triệu đồng.

Quyết định UBND tỉnh An Giang cho biết, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch tỉnh một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhà ở phải lồng ghép các chương trình mục tiêu của Trung ương và địa phương để phát triển và hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở; đa dạng hoá sản phẩm nhà ở để phù hợp với nhu cầu của mọi đối tượng trong xã hội, khuyến khích xây dựng nhà ở để cho thuê mua, nhà ở bán trả dần; phát triển nhà ở phải kết hợp giữa xây mới và cải tạo, giữa hiện đại với giữ gìn bản sắc địa phương. Phát triển nhà ở trên cơ sở sử dụng tiết kiệm các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên đất đai; phải bảo đảm an toàn và đáp ứng các điều kiện về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và môi trường; đảm bảo thực hiện kỷ luật, kỷ cương về công tác quản lý trật tự xây dựng nhà ở.

Những giải pháp phát triển nhà ở

Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã đưa ra nhiều giải pháp Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách như tạo điều kiện để cá nhân, hộ gia đình xây dựng nhà ở và khuyến khích xã hội hoá trong đầu tư phát triển nhà ở; quy định cơ chế công khai quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch các dự án nhà ở và khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn. Công khai các thủ tục trong cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; cơ chế thu phí, lệ phí liên quan đến nhà ở.

Triển khai thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở, các Nghị định liên quan; khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây nhà ở xã hội. Chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở theo dự án (cơ chế ưu đãi về đất đai, tài chính và các cơ chế khác).

Chính sách quản lý kiến trúc nhà ở và quản lý xây dựng nhà ở theo quy hoạch sẽ ban hành Quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo mọi hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở tại đô thị phải tuân thủ theo kiến trúc và quy hoạch được duyệt phù hợp với quy định của Luật Nhà ở, Luật Xây dựng.

Chính sách về đất ở và đất phát triển các dự án nhà ở và dự án khu đô thị mới theo hướng chủ động điều chỉnh các cơ chế về đất đã được ban hành phù hợp cơ chế chính sách mới; đồng thời, ban hành cơ chế ưu đãi về tài chính đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công vụ. Đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương; công khai minh bạch các chính sách xây dựng nhà ở để bán, cho thuê và thuê mua phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với đất ở sẽ tập trung khai thác có hiệu quả nguồn lực về đất đai để huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở; quy hoạch phát triển nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới phù hợp với các loại hình nhà ở. Tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc bổ sung quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; thu hồi quỹ đất thuộc các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã giao cho các chủ đầu tư nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã được phê duyệt.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 02ha tại các đô thị loại I và nhỏ hơn 05ha tại đô thị loại II, III thì chủ đầu tư có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai. Khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, xem xét xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Về kiến trúc quy hoạch, sẽ đẩy mạnh công tác lập quy hoạch phân khu các đô thị, tăng cường công tác công bố, công khai quy hoạch và quảng bá hình ảnh phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư. Ban hành các thiết kế mẫu nhà ở phù hợp với tập quán sinh hoạt, điều kiện sản xuất và truyền thống văn hóa, có khả năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu để người dân tham khảo, áp dụng. Đối với khu vực trung tâm đô thị, các khu vực có yêu cầu cao về quản lý cảnh quan phát triển nhà ở theo dự án đảm bảo chất lượng về không gian kiến trúc; đối với các khu vực nông thôn phát triển nhà ở gắn với bảo tồn và phát huy đặc trưng kiến trúc nhà ở nông thôn.

Về vốn ngân sách Nhà nước, sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung đô thị và một số công trình công cộng cấp đô thị; xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê, bố trí tái định đối với những trường hợp bị thu hồi nhà ở khi Nhà nước triển khai các dự án chỉnh trang đô thị không đủ điều kiện bồi thường đất ở; xây dựng nhà ở công vụ.

Sẽ đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa phát triển các khu đô thị, khu nhà ở, các công trình công cộng phục vụ các khu nhà ở. Ủy thác nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện, ưu tiên cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, công trình hạ tầng, thủ tục hành chính để huy động nhanh nguồn vốn từ nhân dân, doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng, tài chính khác.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách từ các chủ đầu tư dự án nhà thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 02ha tại các đô thị loại I và nhỏ hơn 05ha tại đô thị loại II, III, thực hiện phương thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (20% đất ở) để phát triển nhà ở xã hội.

Đối với nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, sẽ ban hành cơ chế ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân của chính doanh nghiệp thông qua các chính sách; miễn tiền sử dụng đất khi giao đất để xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; miễn thuế cho hoạt động xây dựng nhà ở cho công nhân; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người thu nhập thấp, đặc biệt là quỹ đất vùng ven đô thị; Hỗ trợ trực tiếp: cho vay ưu đãi hoặc bảo lãnh về vốn đối với người mua hoặc thuê nhà; Hỗ trợ gián tiếp: ưu đãi thuế, phí,… cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở đi đôi với việc khống chế các tiêu chuẩn về căn hộ, về giá cho thuê; Nhà nước trực tiếp đầu tư để tạo lập Quỹ nhà ở nhằm giải quyết các nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội theo hình thức bán trả dần hoặc cho thuê.

Giải pháp phát triển nhà ở vùng ngập lũ, sạt lở là chủ động kiểm tra, rà soát, thống kê các điểm, khu vực sạt lở phát sinh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức di dời người dân; thực hiện giải tỏa, di dời đối với một số khu vực nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ. Kết hợp, lồng ghép việc bố trí tái định cư cho các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt với các Chương trình quốc gia, Đề án của Chính phủ như Quy hoạch vùng, liên vùng, chương trình chống sạt lở ven sông, kênh, rạch để giữ đất, xây dựng cụm tuyến dân cư.

an giang nam 2021 2025 can gan 47000 ty dong dau tu chuong trinh phat trien nha o
Thành phố Châu Đốc phát triển nhà theo hướng đô thị thông minh và hiện đại

UBND tỉnh An Giang giao Sở Xây dụng An Giang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nhà hàng năm và năm (05) năm; Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở; hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp vượt thẩm quyền; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện đến UBND tỉnh theo định kỳ hàng năm.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Quy định về quản lý dự án nhà ở sau đầu tư xây dựng; soạn thảo tham mưu UBND tỉnh các văn bản theo quy định của pháp luật về nhà ở phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương để các đơn vị và nhân dân tham khảo, áp dụng. Chủ trì phối hợp các ngành liên quan, UBND cấp huyện hướng dẫn lập kế hoạch thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng các khu nhà ở và thực hiện thiết kế đô thị trong đó nêu rõ lộ trình thực hiện, nhu cầu, giải pháp tài chính trình UBND tỉnh tổ chức thực hiện, trước hết tập trung vào các khu vực có xu hướng phát triển nhanh…

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load