(Xây dựng) - Ngày 27/4, kỷ niệm 1 năm khánh thành, đưa cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào khai thác vận hành.
Phục vụ 23 nghìn lượt xe mỗi ngày
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối là nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè). Tuyến đường được đưa vào khai thác, sử dụng chính thức ngày 30/4/2022, miễn phí trong 100 ngày đầu tiên vận hành.
Theo số liệu từ xí nghiệp quản lý vận hành, từ ngày 30/4/2022 đến nay, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận phục vụ cho hơn 8,3 triệu lượt xe, trung bình 23 nghìn lượt xe mỗi ngày. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, lưu lượng trên tuyến tăng cao đột biến, ngày cao điểm nhất dịp Tết Nguyên đán 2023 ghi nhận 39 nghìn lượt xe qua tuyến.
Lưu lượng xe cộ rất lớn nhưng giao thông qua cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn thông suốt. Trên tuyến bố trí các trạm thu phí gồm: Thân Cửu Nghĩa, Cai Lậy, Cái Bè và An Thái Trung. Tất cả các trạm đều đã được lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua trạm trung bình mỗi xe chỉ mất khoảng 3 giây.
Theo quy trình quản lý vận hành, bảo trì, Xí nghiệp QLVH thực hiện bảo dưỡng thường xuyên như vệ sinh mặt đường và hệ thống taluy, cống thoát nước, hành lang an toàn giao thông; Kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống camera; thiết bị phân tích giao thông và phát hiện sự cố, hệ thống đèn điện chiếu sáng, hệ thống ITS, thiết bị trạm thu phí…
Đặc thù tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận có 45/51km đi qua vùng địa chất yếu, do đó công tác duy tu, bảo dưỡng kiểm tra định kỳ thường xuyên được thực hiện, nhất là theo dõi, quan trắc mặt đường và các hạng mục cầu, cống… để kịp thời phát hiện, sửa chữa hư hỏng, lún, nếu có.
Có thể thấy, việc đưa tuyến đường vào vận hành giúp giảm áp lực lưu lượng cho tuyến QL1A, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, có ý nghĩ rất lớn đối với việc đẩy mạnh kết nối liên vùng, góp phần tạo động lực, không gian để phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
3 năm “hồi sinh” dự án
Nhớ lại quá trình thi công đầy khó khăn của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Dự án được khởi công lần đầu vào tháng 11/2009, dự kiến hoàn thành vào quý II/2013 nhưng do nhiều lý do nên dự án vẫn không triển khai được. Đến năm 2015 dự án được tái khởi động với mục tiêu hoàn thành vào quý II/2020, nhưng tiếp tục trì trệ nhiều năm. Đến tháng 3/2019, khối lượng công việc lúc này mới chỉ được khoảng 10%.
Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ giao cho UBND tỉnh Tiền Giang làm đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dự án thay cho Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời chủ trì giải quyết những tồn đọng và chịu trách nhiệm thi công dự án, đưa dự án bứt tốc tiến độ.
Năm 2021, khi dự án bước vào giai đoạn nước rút cũng là lúc khó khăn bủa vây: Dịch Covid-19 đạt đỉnh, nguyên vật liệu khan hiếm và tăng giá đột biến, việc vận chuyển cũng gặp khó khăn. Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện nhiều biện pháp, từng bước tháo gỡ vướng mắc và tăng nhịp độ thi công với tinh thần quyết tâm, làm việc “3 xuyên”: “Xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch” và đưa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến đúng theo cam kết với Chính phủ sau 3 năm tiếp nhận.
Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công hơn 1 thập kỷ vẫn ì ạch, nhưng với sự vào cuộc của Chính phủ, bộ ngành, các bên liên quan và cách tổ chức thi công khoa học, dự án đã hoàn thành chỉ trong gần 3 năm.
Cùng với các dự án cao tốc khác đã và đang hình thành, Trung Lương – Mỹ Thuận góp phần đánh thức vùng Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn và nhiều tiềm năng, đưa đất Chín Rồng “bay” lên cùng cả nước.
Nguyễn Nga – Lê Cương
Theo