(Xây dựng) – Ngày 21/8/2023, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 21/2023/QĐ-UBND quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Yên Bái ban hành các quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai (Ảnh: TL). |
Trong đó quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo quy định tại khoản 2 Điều 18a, Luật Phòng, chống thiên tai (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020).
Đối tượng áp dụng là các hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Cơ quan, tổ chức, các cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân.
Đối với công trình, nhà ở trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ, lũ quét (ven sông, hồ, suối; khu vực có địa hình, địa chất không an toàn đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, khuyến cáo) nếu có xây dựng công trình, nhà ở phải đảm bảo an toàn; có biện pháp gia cố, giằng chống, xây dựng kè chắn đất tại các vị trí mái taluy có độ dốc lớn tại khu vực trên. Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt: Công trình, nhà ở phải được thiết kế xây dựng theo tiêu chí nhà kiên cố hoặc bán kiên cố đảm bảo an toàn chống lũ, ngập lụt.
Đối với công trình, nhà ở đang thi công xây dựng: Phải lập và thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác bảo đảm an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.
Đối với công trình, nhà ở hiện có, chủ sở hữu công trình, nhà ở thường xuyên kiểm tra, theo dõi biến dạng của công trình, nhà ở; kiểm tra hệ thống điện và đánh giá chất lượng công trình, bộ phận công trình, nhà ở; có biện pháp gia cố, giằng chống, đồng thời cắt, tỉa cây xanh để bảo đảm an toàn khi xảy ra các loại hình thiên tai như bão, lốc, sét, đặc biệt là nhà ở, công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao; chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình bảo đảm an toàn; định kỳ tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước xung quanh khu vực nhà ở, công trình. Trước mùa mưa lũ phải kiểm tra, rà soát và có biện pháp khắc phục sự cố kịp thời; có phương án sơ tán người, tài sản khi xảy ra thiên tai; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ của mỗi hộ gia đình, cá nhân “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các khu vực thường xuyên xảy ra sét, đối với công trình đã lắp đặt hệ thống chống sét cần thường xuyên kiểm tra để đảm bảo kết cấu, điện trở thu sét; Đối với công trình chưa thực hiện lắp đặt hệ thống chống sét cần tiến hành lắp đặt phù hợp với công trình, nhà ở đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Thảo Phương
Theo