(Xây dựng) – Khói bụi, ồn ào, đường giao thông bị phá nát, nhà cửa nứt toác… là thực trạng mà hàng trăm hộ dân tại thị trấn Yên Bình (Yên Bình – Yên Bái) phải đối mặt từ hàng chục năm nay, do ảnh hưởng từ hoạt động của hàng loạt các công ty xi măng, nhà máy nghiền bột đá.
Bức tường của nhà ông Nguyễn Hải An nứt toác do ảnh hưởng của hàng trăm chuyến xe chở vật liệu chạy qua mỗi ngày.
Gồng mình sống trong ô nhiễm
Gia đình ông Nguyễn Hải An (tổ dân phố 3 thị trấn Yên Bình) có một ngôi nhà 2 tầng nằm ngay tại ngã ba Km10, đoạn rẽ vào Nhà máy xi măng Yên Bình. Nhìn từ xa, ngôi nhà có vẻ kiên cố, vững chãi. Nhưng lại gần mới thấy, ngôi nhà không những bong tróc, nứt nẻ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sụp đổ, mất an toàn. Những vết nứt lớn bẻ ngang tường, chạy ngoằn nghèo trên trần nhà. Nền gạch thì bong tróc, trồi sụt. Toàn bộ đồ vật trong nhà bị phủ kín bởi lớp bụi dày màu trắng đục.
“Hàng chục năm nay, khói bụi, tiếng ồn cứ nã suốt ngày đêm. Đặc biệt, từ lúc con đường vào nhà máy xi măng được mở rộng và cải tạo lại, mặt đường nối liền với nền nhà tôi không hề có cống rãnh hay phần ngăn cách. Mặt đường chạy qua có một cống thoát nước nên lồi cao hơn hẳn. Các xe chở xi măng và vật liệu cứ đến đây lại dừng lấy đà tăng ga, khiến mặt đường, nhà cửa rung lắc rất mạnh. Nhà tôi xây kiên cố như vậy mà còn nứt toác, không biết vài năm nữa sẽ ra sao”, ông Nguyễn Hải An lo lắng.
Không chỉ riêng nhà ông An, hàng trăm hộ dân ở khu vực tổ 3 thị trấn Yên Bình cũng đang ngày đêm phải sống chung với ô nhiễm. Bà Phạm Thị Hồng – tổ trưởng tổ dân phố số 3 bức xúc: “Hàng chục năm nay, chúng tôi phải sống trong ồn ào, khói bụi nhưng cũng đành chấp nhận. Thế nhưng việc đường xá hư hỏng nặng nề, nước mưa và nước thải tràn lan do không có cống rãnh thoát nước gây ngập úng, nhà cửa thì nghiêng lún, nứt nẻ rồi tai nạn giao thông ngày càng nhiều thì chúng tôi không thể gánh chịu mãi được. Bao nhiêu lần phản ánh, kiến nghị đến chính quyền và HĐND mà có được giải quyết đâu”.
“Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chúng tôi buộc phải đội đơn đi các nơi kêu cứu, không thể vì hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp mà để người dân hứng chịu hậu quả thế này”, bà Hồng nói.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, không chỉ riêng người dân khu vực tổ 3 thị trấn Yên Bình bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, mà cách đó khoảng 5km, tại tổ dân phố số 13 với 3 nhà máy nghiền bột đá, cũng đang khiến cho đời sống của hơn 200 hộ dân nơi đây rơi vào tình cảnh lao đao. Nguy hiểm hơn là khói bụi đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Con đường từ Km10 thị trấn Yên Bình vào nhà máy xi măng Yên Bình đang xuống cấp trầm trọng.
“Từ người già đến trẻ nhỏ, đã sống ở đây hầu hết đều bị các bệnh về hô hấp như ho mãn tính, viêm xoang, viêm phổi. Ngay cạnh đây mới có 3 người chết vì ung thư phổi và vòm họng. Còn từ trước đến nay thì nhiều lắm rồi”, bà Nguyễn Thị Thìn, một người dân sinh sống tại tổ dân phố 13 chia sẻ.
Bà Thìn cũng cho biết: “Nếu không ngày ngày ăn bụi, uống bụi, đi ngủ hít bụi thì người dân nơi đây sẽ không bệnh tật mà chết nhiều đến vậy đâu”.
Trước phản ánh của người dân, khảo sát tại khu vực tổ dân phố 13 cho thấy, khu vực dân cư nằm ngay gần Cảng Hương Lý, nơi tập trung một số nhà máy sản xuất và chế biến đá có quy mô lớn như: Cty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Cty TNHH Khoáng sản Vstar, Cty TNHH Đồng Tiến và một số doanh nghiệp tư nhân khác.
Theo quan sát, các xe chuyên chở vật liệu có tải trọng lớn đi lại liên tục, bụi đất, đá lúc nào cũng bay mù mịt, phủ trắng cây cối và nhà cửa 2 bên đường. Mặt đường nhiều chỗ đã hư hỏng, nhiều đoạn lún sâu gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Cần giải pháp đồng bộ và lâu dài
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đồng chí Đoàn Hữu Phung – Bí thư Huyện ủy Yên Bình xác nhận: “Tại thị trấn Yên Bình hiện có 2 nhà máy xi măng và 3 nhà máy nghiền bột đá, đặc biệt là các nhà máy nghiền đang hoạt động gây khói bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Huyện cũng đã kiến nghị với tỉnh có quan trắc để đánh giá tác động và kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp phải khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Về mặt hình thức, các doanh nghiệp này cơ bản có đầy đủ các thủ tục, giấy phép, cam kết đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, họ có hoạt động đúng theo cam kết và quy định hay không thì rất khó để đánh giá và xác định.
Nhà máy nghiền bột đá của Cty TNHH Khoáng sản V-star nằm ngay ven hồ Thác Bà.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cũng cho biết thêm: “Đối với 2 nhà máy xi măng, khoảng 3 năm trở lại đây, họ cũng đã tích cực đầu tư để cải tạo hệ thống lọc bụi nên tình trạng bụi đã được cải thiện rất nhiều. Về phía tỉnh cũng đã yêu cầu cả 2 nhà máy xi măng phải lắp hệ thống quan trắc khí thải tự động để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng và kiểm soát mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, đúng là lượng bụi tăng lên bất thường, huyện đang chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra để có cơ sở làm việc với các nhà máy”.
Vị này cũng cho biết: Về mặt tích cực, phải ghi nhận các nhà máy này đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có đóng góp cho ngân sách Nhà nước và góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, về mặt an sinh xã hội, việc các nhà máy này hoạt động ngay trong khu vực đông dân cư, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân địa phương, vô hình chung khiến chất lượng cuộc sống của người dân bị giảm đáng kể. Chưa kể, các nhà máy này đều nằm tiếp giáp với mặt hồ Thác Bà, danh thắng đầy tiềm năng để khai thác và phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng trên bản đồ du lịch tỉnh Yên Bái. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hồ và xử lý chất thải nếu không được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên.
Không gian sống của hơn 200 hộ dân tổ dân phố 13 thị trấn Yên Bình luôn chìm trong khói bụi.
Trên cơ sở điều kiện và tình hình thực tiễn của địa phương, đại diện lãnh đạo huyện Yên Bình đề xuất giải pháp: “Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ hoạt động của các nhà máy này, chỉ có cách là di dời các nhà máy này ra khu công nghiệp phía Nam của tỉnh. Huyện cũng đang làm đề xuất với tỉnh xây dựng lộ trình để từng bước di dời một cách thuận lợi nhất. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được môi trường sống trong lành và an toàn cho người dân, đồng thời cũng tạo điều kiện để thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có”.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Mai Thu
Theo