- Người mua nhà tại 8B Lê Trực: Xin một lời giải đáp thoả đáng!
- Vụ 8B Lê Trực: “Cấp phép sai và hành vi gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, doanh nghiệp có thể bị khởi tố hình sự”
- Vụ 8B Lê Trực: Người dân kỳ vọng gì ở phương án xử lý của các cấp chính quyền?
- Người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực: Đội mưa “đòi nhà”
(Xây dựng) – Sau 4 năm mòn mỏi đi tìm công lý, người dân mua nhà tại Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa có ngày được “danh chính ngôn thuận” trở về căn hộ mình đã bỏ tiền mua. Một số người vẫn hàng ngày kiên trì đến cầu cứu “cửa quan” còn một số đã bỏ cuộc, thậm chí mất hẳn niềm tin vào phía chính quyền.
Công trình 8B Lê Trực, sau 4 năm vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
4 năm đợi chờ, niềm tin đã mất!
Công trình 8B Lê Trực sau nhiều năm Hà Nội hô vang khẩu hiệu “kiên quyết xử lý”, đến nay vẫn đứng đó như người chờ “phán xử”, chưa có phương án chính thức nào được đưa ra.
UBND TP Hà Nội cũng nhiều lần yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình xem xét phương án xử lý, các đơn vị này sau đó cũng lần lượt báo cáo, kiến nghị. Thế nhưng, sự việc cũng dừng lại ở việc “trên dưới” chờ nhau, “quả bóng” trách nhiệm tiếp tục bị đá đi, đá lại.
Theo tìm hiểu, công trình 8B Lê Trực được Hà Nội thực hiện phá dỡ giai đoạn 1 gồm phầm tum, thang và tầng 19 từ tháng 11/2015 cho đến cuối tháng 10/2016 hoàn thành. Công trình sau đó tiếp tục được yêu cầu phá dỡ, tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phá dỡ giai đoạn 2 có nguy cơ gây mất an toàn vì có thể phá bỏ cả tòa nhà.
Nhận rõ điều này, Cty CP Hạ tầng Phương Bắc – Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị chịu trách nhiệm phá dỡ giai đoạn 1) đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến các ban, ngành chức năng đề xuất phương án xử lý đối với giai đoạn 2 nhưng hiện vẫn chưa có phương án chính thức nào được Hà Nội đưa ra.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại cửa phòng tiếp dân của UBND quận Ba Đình, anh Vũ Hải Đường - chủ căn hộ 1006 cho biết: “Sau 4 năm đợi chờ, người dân chúng tôi đã mất quá nhiều thứ: Tiền bạc, sức khỏe, thời gian, nhiều người còn bị ảnh hưởng đến cả hạnh phúc gia đình. Nếu như trước đây với số đông người dân kéo đến các trụ sở công quyền thì bây giờ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, chúng tôi đã nản quá rồi”.
Ông Duyên, bản thân là một thương binh, chủ một căn hộ tại tầng 18 cũng chia sẻ: “Đồ đạc gia đình tôi đã chuyển hết lên rồi nhưng tòa nhà ngày đêm có người canh gác, không cho về ở. 4 năm phải đi thuê nhà, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn”.
“Đảng và Nhà nước đã nói “dứt điểm” thì phải cụ thể, chứ công trình để đó 4 năm rồi vẫn không giải quyết, vậy thì chính quyền vì dân là đâu? Bây giờ đòi tiền chủ đầu tư không được, mà dân thì dựa vào chính quyền, nếu chính quyền không xử lý, chúng tôi còn biết kêu ai? Đề nghị TP Hà Nội nhanh chóng xử lý dứt điểm trong tháng 4 này, một là đập hẳn, nếu không đập được thì có phương án giải quyết cụ thể”, ông Lê Quang Lung, người mua nhà tại dự án bức xúc kiến nghị.
Trả lời các hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực vào sáng 28/3, đại diện UBND quận Ba Đình cho biết: Ngày 27/3, UBND quận Ba Đình đã có Văn bản số 490/UBND-QLĐT gửi UBND thành phố và Sở Xây dựng, trong đó nêu rõ các phương án xử lý đối với công trình 8B Lê Trực.
Cụ thể, nội dung văn bản đề xuất 2 phương án xử lý đối với công trình này: “Phương án 1: Do quá trình phá dỡ phát sinh nhiều tải trọng tác động ảnh hưởng đến kết cấu mà không thể lường trước nên để đảm bảo an toàn cho con người và công trình, kiến nghị giữ nguyên hiện trạng dùng giải pháp kiến trúc xây bịt tầng 17, 18 không cho sử dụng hoặc kiến nghị sử dụng các chức năng khác do cơ quan có thẩm quyền quy định như vấn đề lối thoát hiểm lên phía sân thượng và tầng mái. Phương án này đảm bảo an toàn thống nhất cho công trình hiện hữu cũng như con người sử dụng sau này nhưng đáp ứng được yêu cầu công trình sai phạm không sử dụng.
Phương án 2 là tiến hành chống đỡ, dầm chuyển tầng 3 vào khu vực giữa dầm, sau đó phá dỡ lần lượt 2 tầng 18 và 17. Tiếp theo thi công dầm treo ở sàn tầng 17, mái tầng 16 có kích thước theo kích thước tính toán cụ thể đảm bảo cho an toàn chịu lực, sau khi bê tông đạt cường độ yêu cầu, tháo dỡ hệ thống chống đỡ dầm chuyển sau khi phá dỡ có khả năng phải gia cường dầm chuyển tầng 3 và các dầm biên của các tầng trên do dầm này đã bị nứt và phải chịu thêm tải trọng của các tác động phát sinh khác trong quá trình phá dỡ”.
Đại diện phía UBND quận Ba Đình cũng cho biết, văn bản này sẽ được gửi kèm theo chi tiết kết quả báo cáo khảo sát và kiểm tra hiện trạng của công trình.
Chưa làm tròn trách nhiệm
Đây là câu hỏi được dư luận đặt ra sau 4 năm Hà Nội không thể xử lý dứt điểm được vụ việc 8B Lê Trực. Tình trạng một công trình bị “canh giữ” giống như “tội đồ”, đến nay không ai biết đến khi nào mới có thể xử lý được.
Trách nhiệm về vấn đề này cũng đã được mổ xẻ và lên án tại phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng của HĐND thành phố mới đây.
Theo báo cáo của Thường trực HĐND thành phố, trong năm 2018, Hà Nội không xử lý được một công trình sai phạm nào trong số 80 công trình sai phạm tồn đọng từ trước năm 2018.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận do không đẩy nhanh tốc độ xử lý nên số lượng công trình vi phạm tồn đọng còn nhiều. Trước năm 2018, từ 413 công trình còn tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, việc để 80 công trình vi phạm cũ của 7 quận, huyện đến nay chưa có nhúc nhích là do Chủ tịch một số quận, huyện, xã phường buông lỏng quản lý, làm chưa nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng yêu cầu phải nhanh chóng chấn chỉnh, xử lý nghiêm và “không châm trước cho bất cứ trường hợp nào”.
Như vậy, vấn đề ở đây là “trách nhiệm”, là “lãnh đạo làm chưa nghiêm”, phải chăng đây chính là lý do khiến cho việc xử lý vi phạm tại dự án 8B Lê Trực nói riêng và các công trình vi phạm TTXD trên địa bàn TP Hà Nội nói chung không xử lý được.
Nếu đúng như báo cáo của HĐND thành phố thì lãnh đạo thành phố và các cơ quan chuyên ngành của Hà Nội đã làm gì trong suốt năm qua? Kỷ cương pháp luật đã quy định rõ, tại sao những người cầm quyền lại không thực hiện?
Theo dư luận thì việc một số công trình bị xử lý gặp khó khăn, nguyên nhân chính vẫn là quy hoạch chi tiết 1/500 ở khu vực đó chưa có hoặc chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy không đủ căn cứ pháp luật để xử lý công trình khi dân khiếu kiện.
Mặt khác, theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3 về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính”.
Như vậy, việc xử lý công trình vi phạm không chỉ có biện pháp phá dỡ mà còn có biện pháp thu hồi số tiền “bất hợp pháp” do hành vi xây dựng gây ra. Có lẽ chính quyền thành phố cũng nên lựa chọn một cách xử lý tốt nhất vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc vừa đảm bảo thực thi pháp luật một cách có hiệu quả.
Kim Thoa
Theo