(Xây dựng) - Theo xu hướng chung của thế giới, các doanh nghiệp và nhà đầu tư ngày càng chú trọng đến ESG (môi trường - xã hội - quản trị), đặc biệt là việc phát triển văn phòng xanh để hướng tới mục tiêu bền vững, cải thiện sức khỏe người lao động và tối ưu hóa chi phí vận hành dài hạn.
Capital Place là một trong những tòa nhà văn phòng đầu tiên tại Hà Nội đạt chứng chỉ LEED GOLD bắt kịp xu hướng không gian làm việc xanh, thân thiện môi trường trên thế giới. |
Việt Nam bắt đầu phát triển các tòa văn phòng xanh từ năm 2019. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các tòa nhà văn phòng hạng A mới được đầu tư theo quy chuẩn của tòa nhà xanh; hay các tòa hạng A cũ cũng được nâng cấp sửa chữa và bổ sung dịch vụ tiện ích theo tiêu chuẩn của các tòa nhà xanh… đã cho thấy các chủ đầu tư đang coi trọng việc phát triển dự án xanh trên thị trường.
Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia Savills Hà Nội để hiểu hơn về sự phát triển của phân khúc thị trường văn phòng xanh tại Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, cũng như những nguyên tắc quản lý vận hành hiệu quả tòa nhà có chứng chỉ công trình xanh – văn phòng xanh.
Văn phòng xanh được các doanh nghiệp ưu tiên
PV: Văn phòng xanh hiện nay có vai trò như thế nào trong môi trường làm việc, thưa bà? Tòa nhà đạt tiêu chuẩn xanh mang lại lợi ích gì trong quản lý vận hành?
Chuyên gia Hoàng Nguyệt Minh: Theo xu hướng về cam kết “Net Zero” của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như nước ngoài, việc lựa chọn văn phòng xanh là phương án ưu tiên của các doanh nghiệp khi tìm thuê văn phòng mới. Nhiều doanh nghiệp cũng đưa tiêu chuẩn vận hành hướng tới “Net Zero” cho chính bản thân văn phòng của mình chứ không chỉ từ tòa nhà.
Đối với việc vận hành tòa nhà, các dự án được xây theo tiêu chuẩn xanh sẽ đảm bảo được tính bền vững, vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tòa nhà tuân thủ cam kết về tiết kiệm điện và nước, sẽ giảm thiểu chi phí quản lý vận hành về dài hạn. Các tòa nhà có chứng chỉ xanh cũng đang đạt được giá thuê cao hơn so với các tòa không có chứng chỉ xanh.
Về dài hạn, khi số lượng các tòa văn phòng xanh gia tăng, tỷ lệ chênh lệch về giá giữa các tòa có chứng chỉ xanh và không có chứng chỉ xanh càng lớn, do các tòa nhà sẽ buộc phải giảm giá để cạnh tranh với các tòa mới.
Chuyên gia Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội. |
PV: Theo nhận định của chuyên gia, để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của tòa nhà xanh, chủ đầu tư cần đáp ứng những điều kiện gì khi xây dựng, thiết kế?
Chuyên gia Hoàng Nguyệt Minh: Các chứng chỉ xanh khác nhau sẽ có các tiêu chí và tiêu chuẩn khác nhau từ khâu thiết kế, xây dựng đến quản lý vận hành. Hiện nay ở Việt Nam đang được các chủ đầu tư ưa chuộng nhất gồm có: LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam; LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ; EDGE của Tổ chức tài chính ngân hàng thế giới (IFC-Worldbank); Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore... Các chủ đầu tư nên làm việc với các đơn vị chuyên tư vấn về chứng chỉ xanh trước khi xây dựng để lên phương án ngân sách phù hợp với từng dự án.
PV: Văn phòng xanh là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc tập trung phát triển phân khúc này có phần chậm nhưng cũng được các chủ đầu tư nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để bắt kịp xu hướng toàn cầu. Bà có nhận định về thực trạng này?
Chuyên gia Hoàng Nguyệt Minh: Tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội mới bắt đầu xu hướng phát triển các tòa văn phòng xanh từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Savills ghi nhận các tòa nhà văn phòng hạng A mới, đều được đầu tư theo quy chuẩn của tòa nhà xanh. Thêm vào đó, các tòa hạng A cũ cũng được nâng cấp sửa chữa và bổ sung dịch vụ tiện ích theo tiêu chuẩn của các tòa nhà xanh để cạnh tranh với thị trường.
PV: Vậy đâu là khó khăn khiến cho phân khúc văn phòng xanh chưa phát triển như kỳ vọng?
Chuyên gia Hoàng Nguyệt Minh: Năm 2019, Hà Nội có tòa văn phòng xanh đầu tiên, tính đến nay đã có 8 tòa văn phòng xanh và dự kiến có thêm 9 tòa văn phòng xanh vào năm 2025. Đây rõ ràng là 1 tín hiệu tích cực cho thấy các chủ đầu tư đang coi trọng việc phát triển dự án xanh trên thị trường. Mặc dù con số này vẫn rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực và thị trường sẽ thay đổi rất lớn trong 3-5 năm tới tại Việt Nam. Quan ngại lớn nhất của các chủ đầu tư và khách thuê hiện tại bây giờ, là câu chuyện về giá. Bởi việc phát triển tòa văn phòng xanh sẽ khiến chi phí xây dựng tăng cao, trong khi giá thuê trong 3-5 năm tới khó có thể tăng vượt trội để đáp ứng yêu cầu về giá của chủ đầu tư.
Nguyên tắc khi quản lý vận hành tòa nhà xanh
Chuyên gia Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội. |
PV: Là một đơn vị vận hành chuyên nghiệp, bà có thể chia sẻ những nguyên tắc khi quản lý vận hành tòa nhà có chứng chỉ công trình xanh – văn phòng xanh?
Chuyên gia Vũ Kiều Hạnh: Khi quản lý vận hành tòa nhà có chứng chỉ công trình xanh, chúng tôi phải luôn tuân thủ các quy định về kiểm soát năng lượng, môi trường sinh hoạt và làm việc của khách hàng/người dân trong tòa nhà luôn thoải mái, tối ưu năng lượng sử dụng và năng lượng tái tạo trong tòa nhà.
Ví dụ như vòi rửa tay công cộng phải nhỏ hơn mức tiêu chuẩn (2 lít/phút), phải có sục khí, tự động tắt. Bồn cầu phải có 2 chế độ xả hoặc 1 chế độ xả hiệu quả, tiết kiệm. Phải có thông số lưu lượng xả cho bồn cầu. Khuyến khích sử dụng cây trồng chịu hạn và hệ thống tưới nước hiệu quả, tái sử dụng nước mưa cho tưới tiêu. Đảm bảo tuân thủ các chính sách vệ sinh xanh như: Thực hiện mua sắm, vệ sinh đảm bảo chất lượng không khí trong nhà (Mua các sản phẩm, hóa chất có nguồn gốc sinh học, chứng nhận môi trường; có kế hoạch vệ sinh hợp lý; có kế hoạch đào tạo nhân viên bảo trì, vệ sinh hợp lý)…
PV: Đối với các tòa nhà đã đi vào vận hành nhưng muốn chuyển đổi sang tòa nhà xanh, chủ đầu tư cần chú trọng đến các điều kiện gì, thưa bà?
Chuyên gia Vũ Kiều Hạnh: Trong các chỉ tiêu đánh giá cấp chứng chỉ công trình xanh như LEED, LOTUS hay EDGE đều có các tiêu chuẩn tương ứng với từng cấp độ và loại chứng chỉ xanh, các tòa nhà cần đánh giá thực trạng đối chiếu từng tiêu chí, từ đó thấy được sự chênh lệch với tiêu chuẩn xanh mà tòa nhà hướng tới. Sau đó, cần có lộ trình nâng cấp cải tạo để đạt được các tiêu chuẩn xanh của từng hạng mục, rồi lại đánh giá lại sau khi cải tạo nâng cấp, cho đến khi nào các tiêu chí đạt chuẩn thì sẽ nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ công trình xanh.
Việc chuyển đổi sang công trình xanh đối với các tòa nhà đã và đang hoạt động cần có một quá trình, tùy thuộc vào hiện trạng của tòa nhà và kế hoạch nâng cấp cải tạo được các chủ đầu tư phê duyệt triển khai, bao gồm cả các chi phí cho việc nâng cấp cải tạo tòa nhà. Savills cũng đã từng đồng hành cùng chủ đầu tư trong việc triển khai nâng cấp tòa nhà đang hoạt động để đủ điều kiện cấp chứng chỉ công trình xanh “LEED Premium” tại Hà Nội, chúng tôi hiểu đó là một quá trình và cần phải có sự đồng hành của chủ đầu tư và đơn vị quản lý hướng đến xu hướng môi trường xanh vì cộng đồng và tiện nghi cho các khách hàng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã tham gia cuộc phỏng vấn!
Các chứng chỉ công trình xanh tại Việt Nam LEED: Viết tắt của Leadership in Energy & Environmental Design là hệ thống chứng nhận công trình xanh toàn diện, được phát triển tại Hoa Kỳ. Các yêu cầu của LEED chủ yếu thích hợp với các thị trường xây dựng tại các nước phát triển hơn và phù hợp cho các dự án hướng tới nhận diện thương hiệu quốc tế. LOTUS: Là hệ thống tiêu chí công trình xanh toàn diện được phát triển cho thị trường xây dựng tại Việt Nam. Được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) - là dự án phi lợi nhuận của Green Cities Fund (California, Hoa Kỳ). Ở Việt Nam, Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Công trình xanh Việt Nam - là đại diện của VGBC - được thành lập để đánh giá các dự án LOTUS và các chương trình đào tạo liên quan. EDGE: Là hệ thống tiêu chuẩn công trình xanh và hệ thống chứng thực công trình xanh quốc tế được sử dụng tại hơn 100 quốc gia. Hệ thống chứng nhận tập trung vào các tiêu chí năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa của vật liệu, phù hợp với các dự án có mục tiêu tối thiểu hóa mức tiêu thụ tài nguyên. Green Mark: Là hệ thống tiêu chí công trình xanh được Bộ Xây dựng Singapore ban hành năm 2005 cho ngành Xây dựng tại Singapore. Green Mark gồm nhiều hạng mục như: Năng lượng, nước, vật liệu, chất lượng môi trường trong nhà... Tùy thuộc vào tổng số điểm dự án đạt được, công trình đó có thể đạt được cấp chứng nhận: Gold, Gold Plus, Platinum. |
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Ngọc Hà
Theo