(Xây dựng) – Có thể nói thị trường bất động sản năm 2024 để lại một dấu ấn không thể quên đối với giới địa ốc, một bước ngoặt lịch sử khi phải chứng kiến hàng loạt thay đổi về chính sách pháp luật, một cuộc thanh lọc chưa từng xảy ra đối với các doanh nghiệp yếu kém và chính nhờ những thay đổi kịp thời trong cơ chế thì cho đến nay, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã tháo gỡ được 34/64 dự án, triển khai 622 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn, đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn…
Bất động sản 2024 là bước đệm vững chắc của sự ổn định và minh bạch trong thời gian tới. |
Thay đổi chính sách cần có thời gian để thích ứng
Ba đạo Luật được thông qua và có hiệu lực, có nhiều điểm đổi mới và được đánh giá là sẽ tạo không gian cho sự phát triển của thị trường bất động sản, đồng thời giải quyết các vấn đề khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay. Ngoài những sửa đổi của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 còn giúp luật hóa một số nội dung quan trọng, tạo ra cơ chế thực hiện rõ ràng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho thị trường nhà đất, cảnh quan và phát triển đô thị.
Cụ thể hơn, các quy định mới về yêu cầu cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới, và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; trường hợp giao dịch bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải ghi đúng giá giao dịch thực tế vào trong hợp đồng; chịu trách nhiệm về việc ghi giá giao dịch trong hợp đồng không đúng với giá giao dịch thực tế…
Đối với Luật Nhà ở 2023, các giai đoạn của dự án được quy định rõ, gồm: Giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng dự án, giai đoạn đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Luật Đất đai 2024 được xây dựng dựa trên cơ sở chính trị là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng, với mục tiêu tổng quát: "Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả".
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, các vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản thì 70% liên quan đến pháp lý. Có thể kể đến như: Xác định tiền sử dụng đất, phê duyệt đầu tư dự án, đấu thầu dự án... Chính vì vậy, các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan cần phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì có thể xử lý được nhiều “vướng mắc pháp lý” của dự án bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, hiện nay các bộ luật đã chính thức có hiệu lực và đã tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu liên quan đến pháp lý trong suốt thời gian vừa qua, tuy nhiên các đạo luật sửa đổi, bổ sung cần một khoảng thời gian để các bên liên quan hiểu và nắm vững các quy định mới. "Thứ nhất, cần có thời gian để toàn bộ thị trường nắm bắt và tuân thủ. Thứ hai, các bên chịu ảnh hưởng của luật cần được tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ. Thứ ba, để thực hiện tốt các quy định của luật, cần phải có thêm các thông tư và nghị định chi tiết nhằm giải quyết các tình huống cụ thể. Do đó, từ khi luật có hiệu lực đến khi thực tế tạo ra ảnh hưởng, sẽ có một khoảng thời gian độ trễ nhất định".
Thanh lọc thị trường để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Thị trường bất động sản đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đặc biệt là các sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp, những lỗ hổng pháp lý và những hành động lạm quyền của cán bộ quản lý nhà nước gây thất thoát và thiệt hại lớn chưa từng có từ trước đến nay. Không những vậy mà còn gây mất niềm tin và uy tín đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ngay tức khắc chúng ta đã được chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự sát sao của các Bộ, ban, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế chính sách, xử lý nhiều sai phạm lớn nhất từ trước đến nay, thanh lọc những doanh nghiệp không đủ năng lực, kinh nghiệm và loại bỏ những cán bộ quản lý Nhà nước lạm chức, lạm quyền để nhận hội lộ và tham ô gây thất thoát cho Nhà nước.
Đồng thời, dần mang lại một thị trường bất động sản ổn định, bền vững, công bằng và minh bạch tuy thị trường địa ốc cần thêm thời gian để hòa hợp các đạo luật, nghị định, thông tư… Hơn thế nữa, đã kịp thời lấy lại uy tín và niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài và được minh chứng khi đến cuối năm 2024, Việt Nam liên tục ký kết các hợp tác, cho đến nay là 9 đối tác chiến lược toàn diện và 17 hiệp định thương mại tự do trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhờ vào sự ổn định của cả hệ thống chính trị, Việt Nam tiếp tục thu hút các dư án FDI, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: Google, Qualcomm, Samsung, LG, AIchip và Tập đoàn NVIDIA… Với sự xuất hiện của các Tập đoàn lớn trên thế giới và các hiệp định đã ký kết thì chắc chắn rằng các đạo luật cần phải hết sức chặt chẽ, đồng bộ và minh bạch, tạo một môi trường công bằng và sử dụng đất đai một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Kiến Tài
Theo