Trong diễn trình lịch sử của Biên Hòa - Đồng Nai, Thành cổ Biên Hòa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử: Cuộc khai phá đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn, nhà Nguyễn dẹp cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi, cuộc chiến đấu chống quân Pháp lần thứ nhất vào nửa cuối thế kỷ 19, cũng như giai đoạn chống Mỹ sau này. Vậy nhưng, hiện nay những gì còn lại của Thành cổ Biên Hòa thật khiến người ta phải xót xa...
Di tích nhà cổ phía Tây tại Thành Biên Hòa.
Thành Biên Hòa là thành trì cổ duy nhất của triều Nguyễn ở xứ Nam bộ còn sót lại, đồng thời là công trình kiến trúc quân sự đặc sắc sớm nhất ở Đồng Nai và các vùng phụ cận. Trải qua thời gian tồn tại và những thăng trầm của lịch sử, Thành đã trở thành minh chứng cho tinh thần bất khuất, quật cường trong việc khai hoang mở cõi; đồng thời ghi dấu ấn lịch sử hào hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tô đẹp thêm trang sử oai hùng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), ngày 21/8/2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định công nhận di tích Thành Biên Hòa là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tiếp đó, ngày 21/8/2009, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho Ban quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai trực tiếp quản lý và lập dự án trùng tu, tôn tạo Thành từ cuối năm 2009. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện |
Thế nhưng hiện nay, Thành lâm vào tình trạng bị rêu phong, đổ nát, hoang phế và bị chiếm dụng làm chốn để xe, tập kết vật liệu xây dựng. Khảo sát cho thấy Thành chỉ còn lại những bức tường bằng đá ong liên kết với nhau bao quanh diện tích 10.816,5m2; cùng một số hạng mục, công trình bên trong Thành: 2 ngôi biệt thự (tòa hướng Tây - Bắc, tòa hướng Tây - Nam), 2 lô cốt (phía Đông và phía Bắc thành), các đoạn tường thành và móng thành, nhưng phần lớn đang trong tình trạng bị xâm chiếm và xuống cấp trầm trọng.
Các bức tường hầu như đã bị nứt và bong tróc, nhiều chỗ bị ẩm mốc. Rễ cây cổ thụ đã ăn xuyên qua tường làm nứt mạch xây và tách vữa trát. Sàn gạch của tòa nhà trong thành đã bị han rỉ làm bong các lớp vữa, khiến khối gạch nằm giữa tụt khỏi khuôn, làm thủng sàn.
Ngổn ngang vật liệu xây dựng...
Ngoài ra, giàn mái cũng như các cửa trên mái lấy gió, ống khói hầu như đã hư hỏng nặng, dẫn đến tình trạng thấm dột trầm trọng. Các cửa tầng áp mái đã mất cánh tạo chỗ cho dơi, chim, chuột sinh sống... Có nhiều đoạn tường đã bị sụp, cổng thành đã mất... Hệ thống phòng thủ trong Thành hiện cũng đã bị sập đổ. Khuôn viên của khu di tích Thành đang bị người dân chiếm dụng để xe, tập kết vật liệu xây dựng...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Thành Biên Hòa không được coi sóc, bảo quản trong một thời gian dài cả trăm năm cộng với việc sử dụng không đúng mục đích và cải tạo không phù hợp. Theo thẩm định của cơ quan chức năng thì mức độ tổn thất của tường thành là 70%, còn nội thất trang thiết bị của nhà cổ phía tây đã bị tổn thất hoàn toàn, thang và cửa hỏng 90%...
... và rác thải
Để cứu lấy di tích lịch sử Thành Biên Hòa, chính quyền địa phương cần nhanh chóng lập dự án phục hồi các hạng mục trên, thực hiện ngay các công đoạn trùng tu, tôn tạo di tích trước khi công trình này chỉ còn là... đống đổ nát.
* “Thành Biên Hòa là một di sản hiếm có, mang nhiều ý nghĩa lịch sử - văn hóa - quốc phòng của dân tộc”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu * “Thành Biên Hòa là một chứng tích lịch sử quan trọng về nhiều mặt, chưa từng được nghiên cứu, thám sát kỹ càng. Riêng về ngôi thành và những người liên quan có thể viết thành một cuốn sách đồ sộ”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Yên Tri * “Thành Biên Hòa là một di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, độc đáo, một thành trì văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống và phát huy các giá trị di sản văn hóa”. PGS.TS.Nguyễn Phan Quang |
Thu Hồng (PL)
Theo baoxaydung.com.vn