(Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa báo cáo Bộ Nội vụ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Theo đó, Vĩnh Phúc dự kiến sắp xếp 28/136 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Vĩnh Phúc sẽ sáp nhập 28 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới. |
Căn cứ các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kế hoạch của Chính phủ; Thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, ngày 17/11/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Phương án số 9526/PA-UBND báo cáo Bộ Nội vụ về tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, giai đoạn 2023-2025, Vĩnh Phúc không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp và khuyến khích giữ nguyên 9 huyện, thành phố; sắp xếp 28/136 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Sau sắp xếp, Vĩnh Phúc còn 121 đơn vị hành chính cấp xã gồm 88 xã, 15 phường và 18 thị trấn, giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Huyện Vĩnh Tường sáp nhập xã Tân Tiến và xã Đại Đồng thành xã mới mang tên Đồng Tiến; sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường thành xã Lý An; sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương thành xã Lương Điền; xã Vĩnh Ninh sáp nhập với xã Phú Đa thành xã mới Vĩnh Phú; sáp nhập 3 xã Việt Xuân, Bồ Sao, Cao Đại thành xã mới Mộ Chu. Sáp nhập xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang, mang tên thị trấn Thổ Tang; xã Tam Phúc sáp nhập vào thị trấn Vĩnh Tường, mang tên thị trấn Vĩnh Tường.
Huyện Yên Lạc sáp nhập xã Hồng Châu và xã Hồng Phương thành xã mới mang tên Hồng Châu. Huyện Sông Lô sáp nhập xã Bạch Lưu và Hải Lựu thành xã Hải Lựu; sáp nhập xã Nhạo Sơn, xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Tam Sơn. Huyện Lập Thạch sáp nhập xã Đình Chu và xã Triệu Đề thành xã Tây Sơn. Huyện Tam Dương sáp nhập xã Vân Hội và Hợp Thịnh thành xã Hội Thịnh. Thành phố Phúc Yên sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị thành phường mới Hai Bà Trưng.
Theo lộ trình sắp xếp, năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính, phù hợp với thực tiễn để tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, hoạt động của cơ quan, tổ chức và đời sống của nhân dân.
Năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp. Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Năm 2025, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người dôi dư sau Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030; hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị; triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sơ kết việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo chỉ đạo của Trung ương.
Bích Huệ
Theo