Thứ tư 01/05/2024 07:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Phúc: Huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

19:19 | 17/02/2024

(Xây dựng) - Với vai trò “đi trước mở đường”, Vĩnh Phúc đang huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch được duyệt. Từ đó, kết nối đô thị tỉnh với các vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực được dần hoàn thiện.

Vĩnh Phúc: Huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông
Dự án cầu vượt Nguyễn Tất Thành đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào hoạt động.

Thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ vai trò “mạch máu” của nền kinh tế, là một đột phá chiến lược, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được hình thành, nâng cấp và mở rộng với cả 3 loại hình đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, Vĩnh Phúc đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các hình thức đóng góp của nhân dân, các thành phần kinh tế, huy động vốn từ các tổ chức quốc tế, khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO, PPP... đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng đồng bộ, hoàn thiện.

Điều này được thể hiện rõ khi tuyến Quốc lộ 2A đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên được đầu tư bằng hình thức BOT qua nhiều năm khai thác đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2019 - 2023, UBND tỉnh phê duyệt đầu tư 38 dự án giao thông do cấp tỉnh quản lý, với tổng mức đầu tư trên 13.180 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều dự án lớn, trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh (tuyến đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô và đoạn tuyến ven chân núi Tam Đảo kết nối giữa tuyến đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang); cầu Vĩnh Phú qua sông Lô kết nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, thành phố Vĩnh Yên; cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên; các nút giao IC2 và IC5 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh; đường vành đai 4 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đoạn từ Quốc lộ 2 (Vĩnh Tường) đi ĐT.305…

Một số dự án, công trình giao thông lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dự án cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên là một trong những dự án trọng điểm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 12/2022.

Sau hơn 1 năm thi công, đến nay nhà thầu đã hoàn thành các hạng mục móng cọc khoan nhồi, bệ, thân mố, trụ cầu, 5/6 nhịp dầm bê tông; hoàn thành lắp đặt 100% trụ tháp dây văng và đang thi công kết cấu nhịp dẫn hai bên. Công trình tạo điểm nhấn cho không gian đô thị này dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết: Năm 2024, tỉnh bố trí gần 1.400 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, trong đó có 6 công trình giao thông như hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh; mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh; cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên…

Các công trình giao thông trọng điểm sau khi bàn giao, đi vào sử dụng sẽ góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội giữa Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Thực hiện mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh, nhất là đối với các tuyến giao thông có tính chất đối ngoại, kết nối liên vùng, tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Chuẩn bị các điều kiện khởi công một số dự án giao thông lớn, trọng điểm trong năm 2024 như: Dự án tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc với đường sắt Hà Nội - Lào Cai; Dự án đường Vành đai 4 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đoạn từ Quốc lộ 2 đi ĐT.305…

Đồng thời, tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư các dự án giao thông, tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc được phép đầu tư mở rộng một số tuyến quốc lộ trọng yếu qua địa bàn, thúc đẩy chương trình xây dựng Vĩnh Phúc thành đô thị hiện đại, văn minh, xứng tầm trong khu vực và cả nước.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load