Thứ ba 05/11/2024 05:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Việt Yên (Bắc Giang): Việc xây dựng chùa Ích Minh và khu vực Đàn tế Thiên cần được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về xây dựng

05:45 | 28/11/2022

(Xây dựng) – Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các quy định pháp luật đã quy định rõ, công trình tôn giáo chỉ được xây dựng trên đất tôn giáo đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xây dựng ngoài giấy phép được cấp như trường hợp chùa Ích Minh, xã Hương Mai và các công trình thuộc Đàn tế Thiên trên đỉnh núi Voi, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cần phải được xử lý theo đúng quy định pháp luật về xây dựng.

Việt Yên (Bắc Giang): Việc xây dựng chùa Ích Minh và khu vực Đàn tế Thiên cần được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về xây dựng
Một số hạng mục công trình chùa Ích Minh xây dựng ngoài phạm vi giấy phép được cấp.

Công trình tôn giáo chỉ được xây dựng trên đất tôn giáo đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đây là khẳng định của Luật sư Lương Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis. Tại buổi trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, Luật sư Lương Thành Đạt cho biết: Việc cải tạo, xây mới các công trình tôn giáo đã được quy định cụ thể trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Luật Xây dựng 2014 và Luật Di sản văn hóa.

Cụ thể, Điều 58 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo. Theo đó: “1. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng. 2. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng. 3. Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng”.

Như vậy, tùy thuộc từng trường hợp xây mới công trình tôn giáo, công trình phụ trợ mà sẽ áp dụng theo các quy định điều chỉnh pháp luật khác nhau từ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa.

Từ cơ sở trên, Luật sư Lương Thành Đạt khẳng định: Một công trình tôn giáo được xây dựng mới phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng. Cụ thể, Điều 89 Luật Xây dựng quy định chung về cấp giấy phép xây dựng “1. Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

Ngoài ra, việc xây dựng mới công trình tôn giáo phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Xây dựng 2014.

Công trình tôn giáo xây dựng sai phép được xử lý như thế nào?

Trong những năm qua, công tác tôn tạo, tu bổ, nâng cấp các công trình tôn giáo luôn được các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang quan tâm. Đây là việc làm hết sức thiết thực, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn mang tính nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng mới đối với bất kỳ công trình nào cũng cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Tại Việt Yên, Bắc Giang, việc xây dựng mới công trình văn hóa tâm linh chùa Ích Minh thời gian qua đã cho thấy tính thiết thực, góp phần tạo cảnh quan, danh lam thắng cảnh, là nơi tâm linh cho các phật tự về hội tụ. Tuy nhiên, thực tế, việc xây dựng một số hạng mục phụ trợ quanh chùa chưa đảm bảo đúng như giấy phép xây dựng được cấp.

Theo hồ sơ tìm hiểu được biết, năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giao 3.000,0m2 đất cho chùa Ích Minh để xây dựng mở rộng tại thôn Đồng Ích, xã Hương Mai, huyện Việt Yên. Ngày 25/7/2014, chùa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích nêu trên. Tiếp đến, ngày 19/11/2014, chùa được Sở Xây dựng Bắc Giang cấp giấy phép xây dựng số 1484/GPXD. Theo giấy phép này, chùa được xây dựng 04 công trình gồm: Nhà chính điện, 01 tầng, diện tích 818,2m2, chiều cao 14,45m; Nhà tổ, 01 tầng, diện tích 223,3m2, cao 8,4m; Thiền phòng, 01 tầng, diện tích 57,3m2, cao 6,6m; Nhà ăn, 01 tầng, diện tích 57,3m2, cao 6,6m.

Tuy nhiên thực tế, việc xây dựng lại được thực hiện ngoài phạm vi giấy phép được cấp. Cụ thể, theo biên bản làm việc ngày 08/11/2019 giữa UBND xã Hương Mai và các bên liên quan, tổng diện tích xây dựng tại thời điểm kiểm tra là 10.988m2...

Cũng tại biên bản làm việc ngày 05/01/2022 giữa UBND xã Hương Mai và các bên liên quan về hiện trạng sử dụng đất chùa Ích Minh, nội dung biên bản nêu rõ: “Hiện tại, chùa đã xây dựng 01 ngôi nhà thứ nhất 02 tầng, diện tích 126,1m2, nhà thứ hai 02 tầng, diện tích 241m2, nhà thứ ba 02 tầng, diện tích 122,9m2; nhà tạm 01 mái tôn (1299,1m2); nhà tạm thứ hai (nhà bếp) 202,5m và 02 nhà tạm ở đường lên chùa. Toàn bộ các ngôi nhà trên đã xây dựng ngoài diện tích được giao đất cấp cho nhà chùa sử dụng. Đang nằm trong quy hoạch trình UBND tỉnh (1.000m2) bổ sung mở rộng chùa ích Minh Thượng”.

Tổ công tác UBND cã Hương Mai cũng yêu cầu nhà chùa hoàn tất các thủ tục trình các cấp có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục bổ sung quy hoạch.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng về vấn đề này, Thượng tọa Thích Thiện Văn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang cho biết: Việc xây dựng, tôn tạo các cơ sở tôn giáo như Đền, Chùa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, bởi đạo Phật gắn liền với dân tộc ta từ nhiều thế kỷ, từ thời vua Trần Nhân Tông... Vấn đề xây dựng chùa cũng phải đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục pháp luật và được cơ quan chuyên môn cấp phép xây dựng. Nếu xây trái phép hoặc sai phép là không được và cần phải xử lý theo quy định.

“Vừa rồi, chúng tôi cũng phải giải tỏa một số nơi do có các sư lạ mặt đến hiến đất xây chùa trái phép. Việc xây dựng các công trình tôn giáo cần phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bởi liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm”, Thượng tọa Thích Thiện Văn nêu quan điểm.

Xây dựng công trình tôn giáo phải phù hợp với quy hoạch chi tiết

Đối với trường hợp lối lên Đàn tế Thiên trên đỉnh núi Voi thuộc địa phận các xã Hương Mai và Trung Sơn, theo hồ sơ tài liệu được biết, địa điểm xây dựng Đàn tế Thiên vốn là đất lâm nghiệp thuộc quản lý của một số hộ dân và tổ trồng rừng hai xã Hương Mai và Trung Sơn (huyện Việt Yên). Địa điểm xây dựng và hoạt động của Đàn tế Thiên đã được UBND tỉnh Bắc Giang cho phép hoạt động từ năm 2015 (nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Theo tài liệu, khu vực này không nằm trong quy hoạch nên các hộ dân và chủ đầu tư dự án sân golf tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng, hiện các hộ dân đều đã nhận tiền.

Cũng trong quá trình hoạt động, chùa Ích Minh đã cho xây dựng một số hạng mục (không được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng) tại khu vực Đàn tế Thiên như đường điện, cột điện chiếu sáng, téc nước, nhà kho... Việc này cũng được chính quyền địa phương lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ.

Trong biên bản thỏa thuận ngày 28/9/2021, chùa Ích Minh đã đồng ý làm Lễ và hạ tượng Phật, thu hồi tài sản trên đất (như đường điện, cột điện chiếu sáng, téc nước, nhà kho) để Công ty Cổ phần Đầu tư Golf Trường An san nền hạ thấp cao độ, xây dựng các đường Golf và các hạng mục theo thiết kế của sân Golf. Đơn vị này có trách nhiệm tôn tạo và nâng cấp Đàn Tế Thiên, sau đó bàn giao lại để nhà chùa quản lý, phục vụ cho việc Tế Lễ.

Ngày 14/12/2021, đại diện phía Công ty Golf Trường An đã tiến hành bàn giao số tiền 100 triệu đồng cho chùa Ích Minh làm lễ tạ đất thực hiện dự án.

Luận bàn với Báo điện tử Xây dựng về trường hợp này, Luật sư Lương Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho biết: “Đối với Đàn tế Thiên trên đỉnh núi Voi là công trình thuộc chùa Ích Minh, việc xây dựng phải tuân theo quy định Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi bổ sung năm 2020, cụ thể:

Khoản 2 Điều 45 Luật Xây dựng quy định: “2. Việc đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình kiến trúc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

Việt Yên (Bắc Giang): Việc xây dựng chùa Ích Minh và khu vực Đàn tế Thiên cần được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về xây dựng
Đàn tế Thiên được xây dựng trên đỉnh núi Voi nhưng không nằm trong quy hoạch (không được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Từ căn cứ trên, Luật sư Lương Thành Đạt khẳng định: “Đối chiếu theo quy định trên cho thấy, việc xây Đàn tế Thiên và một số hạng mục nêu trên là không phù hợp với quy hoạch, thêm nữa phần diện tích đất này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà chùa cho nên nhà chùa chưa được phép xây dựng. Nếu xây dựng là không đúng quy định pháp luật”.

Mở khóa tu phải báo Ban Trị sự và các sở, ngành

Trao đổi về việc đầu tháng 10/2022 và tháng 11, chùa Ích Minh đã tiến hành mở khóa tu 1 ngày với hơn 500 thiếu niên tham gia nhưng không đăng ký, chính quyền địa phương đã lập biên bản, Thượng tọa Thích Thiện Văn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang cho biết: Thông thường mở khóa tu, nếu Ban Trị sự triển khai sẽ thông báo cho Phòng tuyên giáo Sở Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc, công an, dân vận, sau đó có công văn triển khai đến địa phương, chính quyền xã tạo điều kiện phối hợp mới triển khai được. Nếu chùa nào muốn mở khóa tu phải báo cáo với Ban Trị sự để Ban Trị sự can thiệp, họp triển khai, mời chính quyền địa phương gồm Phòng văn hóa Sở Nội vụ xem xét chương trình giảng dạy để trình Ban tuyên giáo. Trường hợp sư trụ trì không báo cáo, chính quyền họ lập biên bản là đúng.

“Trường hợp này chính quyền không sai, mà Sư ở chùa Ích Minh sai”, Thượng tọa Thích Thiện Văn cho hay.

Cũng theo Thượng tọa Thích Thiện Văn, các khóa tu dành cho nhiều tầng lớp nhằm mục tiêu giảm tệ nạn, giúp người dân hiểu về Phật Pháp, sống thiện lành. Đối với các khóa tu cho các cháu thiếu niên thường được tổ chức vào mùa hè, khoảng từ 3,5 đến 7 ngày tùy theo. Nhưng phải báo cáo chính quyền địa phương để lập dự trù số học sinh; công khai chỗ ăn, ở, vệ sinh và giáo án giảng dạy…

Dự án sân golf Việt Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 15/6/2020. Theo đó, khu vực được quy hoạch xây dựng sân golf Việt Yên rộng gần 140ha, thuộc địa bàn hai xã Hương Mai và Trung Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.214 tỷ đồng với quy mô thiết kế của sân golf là 36 lỗ và các công trình phụ trợ. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư golf Trường An (có trụ sở tại tỉnh Nam Định).

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load