Chủ nhật 28/04/2024 23:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

VARS: Hàng loạt doanh nghiệp đã “ra đi” và sẽ còn tiếp diễn

15:17 | 15/11/2023

(Xây dựng) – Theo dự báo tình hình thị trường bất động sản cuối năm 2023 và đầu năm 2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nếu không có các giải pháp thực sự quyết liệt, “cởi trói”, “mở đường” cho các dự án đang vướng mắc, khả năng cao thị trường sẽ phải tiếp tục đối diện với cục diện khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.

VARS: Hàng loạt doanh nghiệp đã “ra đi” và sẽ còn tiếp diễn
Quang cảnh Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Thị trường bất động sản chuyển biến nhưng chưa thể trở lại

Theo báo cáo các giải pháp phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tại Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức vào ngày 13/11 vừa qua, tổng quan nguồn cung thị trường BĐS có dấu hiệu cải thiện dần theo thời gian. Giữa quý IV/2023 đã có sự xuất hiện của một số dự án mới, lần đầu ra mắt. Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết nguồn cung trên thị trường đều đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo của các dự án cũ. Nguồn cung này có chất lượng không thực sự đạt như kỳ vọng. Đồng thời, đặc biệt thiếu các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực với giá bán bình dân.

Giao dịch của thị trường tăng dần từ đầu năm, với 2.700 sản phẩm trong quý I, 3.700 sản phẩm trong quý II và gần 6.000 sản phẩm trong quý III. Con số này sẽ tiếp tục đà tăng vào quý IV/2023. Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp của VARS, con số này chỉ bằng khoảng 10% so với tổng giao dịch thời điểm trước Covid-19. Tổng cầu thị trường được đánh giá cao, nhưng lực cầu đo được giảm khoảng 90%.

Giá BĐS giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng từ các đợt sốt ảo hồi đầu năm 2021. Đặc biệt là các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự, liền kề giá trị cao. Tuy nhiên, giá bán vẫn ghi nhận mức tăng với sản phẩm căn hộ chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và phân khúc BĐS công nghiệp.

Hàng loạt doanh nghiệp BĐS đã “ra đi”

Hai quý đầu năm 2023, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp BĐS. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp.

VARS: Hàng loạt doanh nghiệp đã “ra đi” và sẽ còn tiếp diễn
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản phát biểu tại Hội nghị.

Sang quý III, tình hình sức khỏe các doanh nghiệp BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện, tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022. 9 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực BĐS gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp BĐS giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp BĐS rời khỏi thị trường.

Riêng với các sàn giao dịch BĐS, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường BĐS sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.

9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhóm BĐS đạt 55.677 tỷ đồng, chiếm 34,7%, chỉ đứng sau ngành Ngân hàng (Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA)). Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp BĐS ghi nhận mức lãi suất cao nhất trong các nhóm ngành, lên tới 14%.

Đối với thực trạng các dự án BĐS đã được xem xét để phê duyệt từ những năm 2018, khoảng 1.200 dự án vướng mắc (giá trị khoảng 30 tỷ USD): Trong đó, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng hơn 500 dự án đang được xem xét, tìm giải pháp tháo gỡ. Phần lớn các dự án trên đều sử dụng đòn bẩy tài chính. Cho dù có được tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, thì việc giải quyết, xử lý nợ, duy trì, đặc biệt là tìm nguồn vốn mới để tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án cũng là một vấn đề lớn và không hề dễ dàng.

VARS: Hàng loạt doanh nghiệp đã “ra đi” và sẽ còn tiếp diễn
Thị trường BĐS sẽ phải tiếp tục đối diện với cục diện khó khăn nếu không có các giải pháp thực sự quyết liệt, “cởi trói”, “mở đường” cho các dự án đang vướng mắc.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các cơ quan, Bộ, ngành đã làm việc một cách rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm khôi phục trở lại thị trường BĐS. Trong số đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 được cho là tín hiệu cao nhất, mang tính định hướng và chỉ dẫn. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ vẫn chưa thực sự đủ lực để kéo thị trường vực dậy. Để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều các giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và cả hệ thống ngân hàng.

Dự báo tình hình thị trường BĐS cuối năm 2023 và đầu năm 2024, VARS cho biết nếu không có các giải pháp thực sự quyết liệt, “cởi trói”, “mở đường” cho các dự án đang vướng mắc, khả năng cao thị trường sẽ phải tiếp tục đối diện với cục diện khó khăn. Ngoài ra, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.

Tránh để lọt bất cứ một “điểm nghẽn” nào

Tại Hội nghị, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể, thứ nhất cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi địa phương cũng cần thành lập một Tổ riêng để đẩy nhanh việc xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án vẫn còn vướng mắc. Tránh trường hợp “nước xa không cứu kịp lửa gần”. Thứ hai, cần sự chung tay, vào cuộc của tất cả các cấp ban, ngành, từ Trung ương tới địa phương và thứ ba, Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản cụ thể, chi tiết để làm cơ sở xử lý các vấn đề liên quan đến BĐS.

Thứ tư, các cơ chế, chính sách trước khi ban hành, cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên nhằm đảm bảo sau khi ban hành áp dụng ngay được vào thực tiễn với mức độ phù hợp cao. Thứ năm, đối với nhà ở xã hội: Cần một cơ chế đặc biệt hơn, đủ sức hấp dẫn và thật sự thuận lợi để cả doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận được. Xác định rõ, đây là phân khúc đặc thù, không nên áp dụng các luật thông thường.

Thứ sáu, Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, đặc thù, ứng dụng tại từng thời điểm, phù hợp với từng sự vụ để góp phần hỗ trợ giải quyết một cách nhanh nhất, kịp thời nhất các vấn đề về nguồn vốn, tín dụng dành cho doanh nghiệp BĐS và người mua BĐS. Để tiết giảm tối đa các hệ lụy do khó khăn kéo dài.

Thứ bảy, cần nhanh chóng có cơ chế cho các nhóm doanh nghiệp BĐS, dự án BĐS có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay tín dụng... vẫn đang gặp khó khăn, chưa được tháo gỡ, phải thực hiện nghĩa vụ trong năm 2024. Tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, gây “tăng áp”.

Thứ tám, các dự án BĐS có nguy cơ cao, khó xử lý, cần có chính sách hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thu hồi dự án để Nhà nước thực hiện.

Theo VARS, những điều này rất cần sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời của tất cả các phía để đảm bảo có thể kiểm soát đầy đủ và tuyệt đối toàn bộ thị trường, tránh để lọt bất cứ một “điểm nghẽn” nào.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load