Thứ bảy 02/11/2024 22:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thúc đẩy tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

17:10 | 13/11/2023

(Xây dựng) - Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tín dụng đối với Bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thúc đẩy tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, Ngành liên quan cùng các doanh nghiệp bất động sản tổ chức Hội nghị chủ đề Tín dụng với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.

Hội nghị nhằm triển khai tích cực Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản. Trao đổi và thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng bất động sản.

Chính sách tín dụng tác động

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, ngay từ đầu năm 2023, ngành Ngân hàng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng như: Đảm bảo thanh khoản và mở rộng hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm; điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu (Thông tư số 03/2023/TT-NHNN); điều hành tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực…), các hội nghị tín dụng vùng nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng...

Kết quả đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở.

Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thúc đẩy tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh; năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...

5 giải pháp của Ngân hàng Nhà nước

Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy tín dụng với động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hà Thu Giang nêu 5 giải pháp triển khai thời gian tới đối với thị trường bất động sản.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống.

Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023.

Theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Tăng cường công tác, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thị trường Bất động sản đang lấy lại đà

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết: Những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, bản thân doanh nghiệp bất động sản, Môi giới bất động sản...) đã góp phần tích cực nhằm “giữ” thị trường bất động sản. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh” và đang lấy lại đà.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thúc đẩy tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải phát biểu tại Hội nghị.

Các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được hấp thụ. Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian. Bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể của thị trường. Đó là những địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Các địa phương đều tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản như: Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai... Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận. Cơ cấu loại hình sản phẩm bất động sản nói chung chỉ có 40% là dự án nhà ở, 30% là dự án du lịch nghỉ dưỡng, còn lại là các dự án thuộc loại hình khác.

Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, phân khúc nhà phố/biệt thự, liền kề có tăng nhưng số lượng không nhiều; “cơ cấu sản phẩm nhà ở vẫn không hợp lý”, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi “thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội”, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.

Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp bất động sản thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường; thiếu quỹ đất sạch, vấn đề tài chính liên quan đến đất đai, khó khăn tiếp cận nguồn vốn, các tồn tại chưa tháo gỡ về pháp lý dự án...

Cơ cấu nguồn cung phần lớn vẫn là các sản phẩm thấp tầng, đất nền, chiếm 54% tổng lượng cung nhà ở cả nước. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở thị trường khu vực phía Nam (chiếm 40% cả nước). Phân khúc căn hộ trung cấp (25-50 triệu/m2) và cao cấp (50-80 triệu/m2) tiếp tục dẫn đầu nguồn cung căn hộ mới trong quý, chiếm lần lượt 58% và 26% tổng nguồn cung căn hộ đang mở bán. Phân khúc căn hộ giá vừa phải (dưới 25 triệu/m2) tiếp tục khan hiếm.

Về số lượng dự án đang triển khai xây dựng, so với quý II/2023: Số lượng dự án đang triển khai xây dựng quý III/2023 tăng lên 123.64%. Nguyên nhân cơ bản là do có nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý... nên số lượng dự án được cấp phép đầu tư, được triển khai xây dựng tăng lên trong quý III/2013.

So với quý II/2023, số lượng dự án bất động sản đang triển khai xây dựng quý III/2023 giảm xuống còn 87.53%. Nguyên nhân cơ bản là do nhiều dự án quy mô nhỏ đã được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án để tránh việc chậm bàn giao nhà và gia tăng nguồn thu từ nghĩa vụ tài chính còn phải đóng theo hợp đồng mua bán của khách hàng, nhiều chủ đầu tư dự án đã đẩy nhanh về tiến độ để hoàn thiện sản phẩm bắt đầu từ đầu quý IV/2023.

Về dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp: Các địa phương tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội. Đã có nhiều hơn các dự án NƠXH được bắt đầu tiến hành nhận và đánh giá hồ sơ. Nguồn cung NƠXH trong tương lai nhiều địa phương dự báo sẽ “được cải thiện rõ rệt hơn” trong năm 2024.

Lũy kế giai đoạn 2021- 2025, trên địa bàn cả nước đã có 465 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 412.845 căn đã hoàn thành và đang được triển khai đầu tư xây dựng. Đã hoàn thành 46, đã khởi công xây dựng 110, đó 309 dự án với quy mô 292.422 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư trong 10 tháng đầu năm 2023,số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn.

Về tình hình tín dụng bất động sản, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, cụ thể như: Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; triển khai tích cực việc thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, theo đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có các văn bản chỉ đạo về việc cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản góp phần tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản: Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn trong năm 2023, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên có các văn bản đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí, cân đối các nguồn lực tài chính để thanh toán bằng được nghĩa vụ trái phiếu với nhà đầu tư.

Về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện. Tuy nhiên chưa phải hoàn toàn và vẫn đang rất khó khăn. Điều này được thể hiện bởi: Số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.

9 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản: 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.

Doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng.

Đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường bất động sản. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về “trạng thái bình thường mới”.

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững thì các Bộ, ngành, địa qua phương, doanh nghiệp phải thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trong các Nghị quyết, công điện của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt Nghị quyết 33, trong đó có 1 số nhiệm vụ làm ngay: Khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua Luật đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương. Triển khai có hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tăng cường tính hiệu quả của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn; Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thúc đẩy tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị các doanh nghiệp nêu các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đặc biệt dự án NƠXH. Các doanh nghiệp đề nghị giảm thiểu các quy trình thủ tục, đẩy nhanh thời gian thẩm định dự án, đồng thời giãn hoãn các khoản nợ, giảm lãi suất thêm nữa, hỗ trợ cả cung và cầu, tháo gỡ khó khăn thanh khoản, khôi phục niềm tin thị trường.

Để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực bất động sản; phát triển thị trường vốn trung - dài hạn; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như Nghị quyết 33/NQ-CP, Công điện số 993/CĐ-TTg.

Về phía ngành Ngân hàng, thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn. Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Thứ ba, theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững, đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cần tăng cường công tác, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thúc đẩy tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Hội nghị được tổ chức trực tuyến và online tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.

6 giải pháp từ Bộ Xây dựng

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận và đưa ra nhiều thông tin tích cực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Công điện 993 của Thủ tướng Chính phủ là một trong rất nhiều chỉ đạo liên tục, xuyên suốt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua đối với lĩnh vực bất động sản. Điều đó cho thấy tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của thị trường này đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước cũng như những khó khăn, thách thức mà thị trường này đang phải đối mặt và các đòi hỏi cấp bách phải giải quyết trong thời gian vừa qua và sắp tới đây.

Với các giải pháp toàn diện mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành trung ương và các địa phương quyết liệt thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, nhằm phục hồi và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định trở lại trong thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định hết sức mong muốn được lắng nghe các ý kiến thẳng thắn, cởi mở của các Doanh nghiệp, các Tập đoàn bất động sản, các Ngân hàng, các Hội, hiệp hội nghề nghiệp… và đại diện các Sở Xây dựng địa phương để cùng nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện nhất tính hiệu quả của các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang triển khai hiện tại, phát hiện các tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện để tiến tới điều chỉnh, thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 993. Bộ Xây dựng cam kết sẽ nghiên cứu và tiếp thu tất cả các ý kiến liên quan tới lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và sẽ đề ra những giải pháp giải quyết cụ thể trên tinh thần cầu thị, cùng chia sẻ.

Trên cơ sở các tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng khẳng định các ý kiến tại Hội nghị đều thống nhất trong thời gian qua, trước những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Xây dựng, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hết sức tích cực nắm bắt tình hình, đánh giá cụ thể những khó khăn vướng mắc liên quan tới lĩnh vực kinh doanh bất động sản, để từ đó triển khai các giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể cho các dự án bất động sản.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều lãnh đạo, chỉ đạo rất cụ thể, hiệu quả thông qua những biện pháp giảm lãi suất, và thực tế lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay ta đã giảm rất nhiều so với thời điểm đầu năm 2022. Các Bộ ngành, địa phương cũng đã tham gia rất tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho dự án và đã có diễn biến rất tốt trong thời gian vừa qua.

Hiện tại, Chính phủ và các Bộ, ngành đang tích cực rà soát để sửa đổi bổ sung các pháp luật có liên quan tới khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ một cách căn cơ, lâu dài. Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng ... dự kiến sẽ được thông qua trong thời gian tới.

Qua các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng đã tóm lược một số vướng mắc chính của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản và các giải pháp tháo gỡ chính đã hoặc có thể triển khai thực hiện trong tương lai. Thứ nhất, liên quan tới các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật, đã xác định rõ một số tồn tại về giá đất, thủ tục về đất đai. Thứ hai, liên quan tới các quy định về công tác quy hoạch, đã xác định các vấn đề cần thiết phải đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống quy hoạch. Thứ ba, đã xác định các khó khăn liên quan đến việc xác định Chủ đầu tư, chủ trương đầu tư. Thứ tư, đã xác định các vướng mắc liên quan đến pháp luật về nhà ở, trong đó có NƠXH. Các vướng mắc về pháp luật đã và đang được các cơ quan thuộc Chính phủ nghiên cứu, từng bước tháo gỡ.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thúc đẩy tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Khó khăn thứ hai nổi lên đó là nguồn vốn, trái phiếu doanh nghiệp, do đó thời gian tới phải có phương pháp điều tiết mâu thuẫn.

Với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các bên liên quan bao gồm cả các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp và người dân để cùng giải quyết khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, đến thời điểm này theo các đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực hơn, có thể nói rằng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, liên quan tới các Tổ công tác của Chính phủ, các doanh nghiệp bất động sản. Bộ Xây dựng sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề tồn đọng.

Thứ nhất, trong xây dựng pháp luật, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các cơ quan Quốc hội để tiếp tục rà soát các quy định chồng chéo của các luật liên quan đến thị trường bất động sản, để sớm giải quyết các rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản. Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại những Nghị định, Thông tư liên quan để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp bất động sản.

Thứ 2, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan đẩy mạnh việc xử lý các đề xuất, kiến nghị của địa phương trong công tác quản lý và phát triển nhà ở, nhà ở xã hội với mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 như Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ 3, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tiếp tục hướng dẫn và kiểm soát việc huy động và sử dụng công cụ trái phiếu bất động sản đúng quy định pháp luật, đảm bảo kênh huy động này như một giải pháp ổn định nhằm củng cố lâu dài cho các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới. Đối với các vấn đề về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục nghiên cứu tạo điều kiện để xử lý, tháo gỡ.

Thứ 4, đối với các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản, Bộ Xây dựng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương và các Bộ, ngành trung ương để thực hiện đúng các yêu cầu của Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án bất động sản, trọng tâm là tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Thứ 5, tập trung đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính. Đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp và quyết tâm tháo gỡ cho các dự án bất động sản vướng mắc, phát huy tối đa các kết quả vừa qua đã đạt được với khá nhiều dự án bất động sản đã được các địa phương và Bộ ban ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn.

Thứ 6, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan và các địa phương, các doanh nghiệp bất động sản để có các tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể cho từng dự án bất động sản. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng rất mong các địa phương và doanh nghiệp, các Bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có sự hỗ hợ, cùng nhau chia sẻ khó khăn hơn nữa trong thời gian tới đây.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load