(Xây dựng) – Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án hình sự, hoạt động có tổ chức dùng hung khí sát thương, chống người thi hành công vụ trong khi cưỡng chế giải phóng mặt bằng quân cảng Hải quân ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn.
16 bị cáo bị kết tội cố ý gây thương tích và chống người thi hành công vụ trong vụ ném xăng cháy vào lực lượng cưỡng chế giải phóng mặt bằng quân cảng Vạn Hoa (Vân Đồn). |
Phiên tòa diễn ra công khai, minh bạch, đúng trình tự pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân huyện giữ quyền công tố; luật sư dân chủ tranh tụng, bào chữa cho thân chủ. Phiên tòa có tới 16 bị cáo, đây là phiên tòa sơ thẩm nhiều bị cáo nhất trong vòng 5 năm trở lại đây khi xét xử các vụ và tranh chấp đất đai.
16 bị cáo trong vành móng ngựa gồm: Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1959, Nguyễn Thị Ân, sinh năm 1962, Nguyễn Hải Ninh, sinh năm 1990, Từ Thị Tú Tâm, sinh năm 1983, cùng có hộ khẩu thường trú tại thôn Đông Tiến, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn; Lê Công Thực, sinh năm 1988, Lê Công Thiện, sinh năm 1991, có hộ khẩu thường trú tại phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long; Cao Văn Nhặt, sinh năm 1959, Đinh Thị Vui, sinh năm 1963, Cao Văn Hùng, sinh năm 1988, có hộ khẩu thường trú tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả; Nguyễn Văn Oanh, sinh năm 1964, Nguyễn Thị Khương, sinh năm 1970, Nguyễn Văn Cương, sinh năm 1991, Vũ Thị Thương, sinh năm 1975, có hộ khẩu thường trú tại thôn Đài Làng, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn; Đỗ Thị Bích, sinh năm 1967, Phạm Văn Tiến, sinh năm 1970, có hộ khẩu thường trú tại thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên; Lê Thị Thoa, sinh năm 1995, có hộ khẩu thường trú tại thị xã Quảng Yên.
Vắn tắt lại sự việc, quân cảng Vạn Hoa ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn xây dựng từ thời chiến tranh, nơi xuất kích các hạm đội tàu chiến của ta bảo vệ vùng lãnh hải Đông Bắc bộ và từng là bến cảng xuất phát của đoàn tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam.
Thời bình, quân cảng Vạn Hoa vẫn thuộc đất quốc phòng. Ngày 3/10/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 728/TTg giao cảng Vạn Hoa cho Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân quản lý. Mùa mưa năm 2015, đơn vị bộ đội quản lý quân cảng đã cho ngư dân vào bến nước neo đậu tránh bão. Hết bão, ngư dân không chịu nhổ neo, trả lại thủy diện cho quân cảng mà còn lập nhà bè nuôi trồng thủy sản, có hộ còn mở dịch vụ ăn uống nhà hàng nổi trên biển. Đơn vị bộ đội quản lý đất quốc phòng thì buông lỏng quản lý, còn có dấu hiệu bao che, dung túng cho dân độc chiến quân cảng.
Năm 2019, quân đội có chủ trương siết chặt quản lý đất quốc phòng, củng cố phòng tuyến bảo vệ lãnh hải, huyện Vân Đồn đã vận động nhân dân di dời thuyền bè đến vùng nước quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản của địa phương (có hỗ trợ tài chính), trả lại quân cảng cho quốc phòng. Một số hộ đã hưởng ứng, còn 7 hộ không hợp tác còn có thái độ chống đối, buộc chính quyền địa phương phải áp dụng hình thức cưỡng bức di dời trả lại đất cho quốc phòng.
7 hộ dân tỏ thái độ chống đối gồm các ông: Nguyễn Văn Tiến, Cao Văn Nhặt, Nguyễn Văn Oanh, Nguyễn Quang Lâm, Cao Văn Đào, Lê Công Thành, Bùi Minh Thắng. Họ đã tự suy tôn ông Nguyễn Văn Tiến làm nhóm trưởng khiếu kiện và nhất nhất hành động theo chỉ đạo của ông Tiến.
Theo cáo trạng, 8h ngày 14/11/2019, lực lượng cưỡng chế giải phóng mặt bằng do UBND xã Vạn Yên tổ chức theo quyết định của UBND huyện Vân Đồn đến hiện trường vận động lần cuối và đôn đốc 7 hộ di chuyển (huyện có hỗ trợ phương tiện di dời). Các hộ dân này cương quyết không nghe, không cho phương tiện của xã áp mạn thuyền bè neo đậu trái phép của họ, họ còn dùng loa phóng thanh công suất lớn văng tục, kích động mọi người thế thủ quyết chiến đến cùng. Và bất thần nhóm người quá khích dùng hung khí thủ sẵn trong nhà bè như phích chứa nước nóng, chai thủy tinh, có cả vũ khi tự tạo khả năng gây thương vong cao như: Xăng đóng chai, bình ga hóa lỏng loại cầm tay... cuốn giấy, châm lửa đốt ném vào đoàn người thi hành công vụ.
Bị kẻ manh động tấn công bất ngờ bằng ngọn lửa xăng dầu, lửa cháy dữ dội và nước nóng bỏng chứa trong phích khiến nhiều người trong lực lượng cưỡng chế bị tai nạn. Cụ thể, các anh Bùi Văn Đạo bị tổn hại 93% sức khỏe, Phạm Văn Tiện bị tổn hại 1% sức khoẻ; các chị: Vũ Thị Huyền bị tổn hại 5% sức khoẻ, Nguyễn Hồng Minh bị tổn hại 3% sức khoẻ, Bùi Thị Thúy bị tổn hại 1% sức khỏe.
Kết quả điều tra, luận tội và thẩm vấn tại phiên tòa, đã phân loại đối tượng, xét xử công minh, hành vi của các bị can Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Cương phạm quy vào tội “cố ý gây thương tích và chống người thi hành công vụ”; Nguyễn Hải Ninh, Cao Văn Hùng, Cao Văn Nhặt, Lê Công Thiện, Lê Công Thực, Đinh Thị Vui, Nguyễn Thị Ân, Vũ Thị Thương, Lê Thị Thoa, Nguyễn Văn Oanh, Nguyễn Thị Khương, Từ Thị Tú Tâm, Đỗ Thị Bích, Phạm Văn Tiến phạm vào tội đồng phạm “Chống người thi hành công vụ”.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận những hành vi phạm tội của mình; ăn năn, hối lỗi và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Căn cứ vào hành vi, mức độ phạm tội của từng đối tượng, Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Nguyễn Văn Tiến 27 tháng tù; Nguyễn Văn Cương 18 tháng tù; Nguyễn Hải Ninh, Lê Công Thực, Lê Công Thiện, Cao Văn Nhặt, Nguyễn Văn Oanh 15 tháng tù. Các bị cáo cho hưởng án treo gồm: Nguyễn Thị Ân (15 tháng); Đinh Thị Vui, Cao Văn Hùng, Vũ Thị Thương, Nguyễn Thị Khương, Lê Thị Thoa (12 tháng); Từ Tú Tâm, Đỗ Thị Bích, Phạm Văn Tiến (9 tháng).
Phiên tòa đã khép lại, nhưng dư luận lại mở ra những thắc mắc, đơn vị quản lý đất quốc phòng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tư lợi, mở cửa cho dân vào quân cảng lập nhà bè nuôi trồng thủy sản, có hộ còn mở dịch vụ ăn uống nhà hàng nổi trong ranh giới quân cảng một thời gian dài như vậy, mà chưa thấy ai bị xử lý.
Vũ Phong Cầm
Theo