(Xây dựng) - Uông Bí là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất vôi thủ công nhất tỉnh Quảng Ninh, đồng thời cũng là nơi xóa bỏ lò vôi thủ công nhanh nhất, triệt để nhất vì cảnh quan môi trường. Nhưng, xóa bỏ lò nung vôi thủ công, địa phương đang ẩn chứa hệ lụy với bao người dân mất việc làm.
Thành phố Uông Bí xóa 100% cơ sở sản xuất vôi thủ công, dỡ bỏ 115 ống lò, hệ lụy có trên 1.000 người lao động không có việc làm, hàng trăm ha đất nền bỏ hoang. |
Thành phố Uông Bí trong số những gương mặt quen tại các cuộc đối thoại với dân thường kỳ hàng tuần, có 22 người cực chẳng đã phải khởi kiện địa phương nơi mình sinh sống ra Tòa án tỉnh. Họ là con dân của Uông Bí, từng là người lao động lam lũ ở các lò sản xuất vôi thủ công ở địa phương, phải đeo đẳng khiếu kiện vì nguyện vọng chính đáng của mình không được đáp ứng. Nguyện vọng rất đơn giản, từ khi họ nghe chính quyền cơ sở tháo dỡ lò vôi đến nay, chân đất lò xưởng bỏ hoang mà người lao động khỏe mạnh lại “đói” việc, treo “niêu”, thật là vô lý.
Trở lại chặng đường đã qua, nghề nung vôi từng là niềm kiêu hãnh của Uông Bí với vựa gạch không nung (gạch xỉ) lớn nhất tỉnh, gọi là gạch xỉ, bởi nó được làm ra bằng 2 chất liệu chính gồm: Vôi từ mỏ đá Phương Nam và xỉ thải của nhà máy nhiệt điện Uông Bí. Sản xuất vôi là một nghề giải quyết việc làm cho người lao động, một tỷ trọng trong cơ cấu nguồn thu của địa phương, đồng thời đáp ứng vật liệu xây dựng cho các đô thị vùng than.
Khi kinh tế - xã hội phát triển, nghề nung vôi không còn phù hợp, phần sản phẩm vôi không còn là nguyên liệu chính (chất liệu kết dính xây trát) trong xây dựng, gạch xỉ ít công trình xây dựng sử dụng; sản xuất vôi thủ công còn ảnh hưởng xấu tới cảnh quan môi trường. Những cơ sở sản xuất vôi thủ công có bị thu hẹp, nhưng lò nung vôi thủ công vẫn tồn tại ở Uông Bí, phần vì sản phẩm vôi vẫn còn thị trường tiêu thụ, phần sản xuất vôi kỹ thuật đơn giản, dễ làm, có thu nhập. Phải kể đến Uông Bí nghề nung vôi như một làng nghề truyền thống với nhiều thế hệ cha truyền con nối, như ở khu vực Phương Nam.
Thành phố Uông Bí (trước khi vận động nhân dân dỡ bỏ lò vôi thủ công, chuyển đổi nghề nghiệp) có 68 cơ sở sản xuất vôi thủ công, 115 ống lò, thì ở phường Phương Nam có 52 cở sở với 101 lò nung (ống lò), số lao động trên 1.000 người. Uông Bí đã dày công áp dụng ba phương pháp: Tuyên truyền vận động nhân dân dỡ bỏ lò vôi thủ công vì cảnh quan môi trường đô thị; có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho lao động (trong độ tuổi) chuyển đổi nghề nghiệp được thanh toán một cục 10 triệu đồng; ngân hàng chính sách cho vay lãi suất thấp 50 triệu đồng, tổng chi với số tiền trên 10 tỷ, 300 triệu đồng. Thành phố còn áp dụng cả các biện pháp hành chính để giải tỏa cơ sở sản xuất vôi thủ công.
Với những nỗ lực của chính quyền, được nhân dân đồng thuận, cả một hệ thống lò vôi lớn với những công trường đá có thâm niên hàng trăm năm, năm trước còn bộn bề năm sau đã xóa sạch. Phải nói rằng, Uông Bí như vừa làm xong một cuộc cách mạng xanh, nhưng ngoảnh lại thì địa phương còn đang tồn tại hệ lụy “giải nghệ” các lò vôi, đó là người lao động mất việc làm, tệ hại nhất là hàng trăm ha đất nền cơ sở sản xuất vôi bỏ hoang hóa. Chủ cơ sở sản xuất thì như người ngồi trên “đống lửa”, chạy đôn chạy đáo gõ cửa cơ quan chức năng, đề nghị được chuyển đổi mục đính sử dụng đất, để đất sinh lời, để được “vắt” đất ra tiền vì xây dựng cơ nghiệp còn đồng vay đồng nợ.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng khi thực tế tại địa phương thấy rằng, lãnh đạo Uông Bí tiếp thu ý kiến của dân, gồng mình lo lắng với những thửa đất, nền lò vôi cũ với hàng trăm ha đất bỏ hoang, rêu phong cỏ mọc. Nền đất những lò vôi cũ còn gieo họa, trở thành tụ điểm chứa rác thải, như những chiếc gai án ngữ giao thông, gây mất cảnh quan môi trường trong khu dân cư, nhưng đất nền có chủ không tự áp đặt ý trí chính trị mà nhổ đi được. Thực tế, quỹ đất sau khi dỡ bỏ các lò vôi thủ công địa phương đã có quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng như: Xây dựng cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, nuôi trồng thủy hải sản... Thuộc tiểu khu G1, phân khu G, trong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của thành phố Uông Bí.
Ngày 4/2/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 397 phê duyệt đề án cho thành phố Uông Bí xây dựng các cụm công nghiệp trong đó tiểu khu G1 thuộc phân khu G, chuyển đổi đất nền ống lò vôi thủ công (cũ) vào mục đích dịch vụ kinh doanh khác.
Ngày 16/1/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 178 cho phép thành phố Uông Bí thành lập và xây dựng các cụm công nghiệp. Chủ trương của tỉnh đáp ứng nguyện vọng chung của trên 100 cơ sở sản xuất đang bất ổn trong khu dân cư, trong đó cơ sở sản xuất vôi thủ công có đất “tái định cư” để thay đổi nghề nghiệp, mở cơ sở làm ra sản phẩm mới phù hợp với quy hoạch chung của đô thị.
Ngày 14/10/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 7419, giữ nguyên hiện trạng các khu đất khu vực vành Kiệu I, tiểu khu G1 để nghiên cứu mở đường ven sông Đá Bạc kết nối Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên với đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, thì kế hoạch xây dựng cụm công nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp cho cơ sở sản xuất vôi thủ công (vốn bị xóa sổ) phải dừng lại.
Việc mở đường ven sông Đá Bạc kết nối Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên với đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là công trình lớn, cần dành sự ưu tiên là rất đúng. Nhưng có điều, sự vụ diễn ra chậm chạp như “câu giờ” và không sát với thực địa. Thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều đã nhận thấy sự bất cập trong quy hoạch thiết kế đường ven sông Đá Bạc, có đề xuất tuyến nên dịch tuyến về phía Đông Bắc (tại vị trí giao cắt với Quốc lộ10, cách khởi tuyến bản vẽ ban đầu 800m, để tránh khu vực Núi Rừa, không ảnh hưởng đến quỹ đất cụm công nghiệp địa phương và các cơ sở sản xuất, khu dân cư ổn định).
Nếu không thay đổi được tuyến dẫn con đường này thì các ngành cần sớm định vị để điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp địa phương hợp lý, không vì một dự án mà tắc nghẽn cả quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của 3 địa phương.
Việc chậm trễ của người làm quy hoạch, thiết kế đường ven sông Đá Bạc đẩy các cơ sở sản xuất vôi thủ công “giải nghệ” vào cảnh khốn đốn không có đất tái định cư mở nghề mới; trên 100 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (trong khu dân cư đang đêm ngày gây ô nhiễm môi trường) không biết đi đâu về đâu; các nhà đầu tư mới người khởi nghiệp không thể “bắc nước chờ vọng người” mãi được.
Uông Bí, sau khi xóa bỏ lò vôi thủ công người dân còn khốn đốn, nếu quy hoạch đường ven sông Đá Bạc còn nằm mãi trên bàn giấy.
Vũ Phong Cầm
Theo