Thứ năm 25/04/2024 11:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

"Tui không giàu, chỉ có căn nhà 30 năm đón tụi nhỏ sinh viên nghèo vào ở"

16:46 | 27/01/2023

Ngôi nhà nhỏ hơn 30 năm qua là nơi chốn đi về của nhiều thế hệ sinh viên nghèo. Người thành tài quay về thăm nơi chốn cũ, người vừa vào ở cũng đã coi cụ bà chủ nhà như mệ, như ngoại bao dung con cháu.

Cụ bà Huỳnh Thị Diệp (91 tuổi) vẫn được gọi tên thân thương là mệ Diệp. Mệ được ví như là "bà tiên" giữa đời thực, cưu mang hàng trăm sinh viên nghèo khó xa xứ đến vùng đất học Huế để theo đuổi con chữ.

Căn nhà nhỏ của mệ Diệp nằm trong hẻm sâu ở phường Kim Long, TP Huế nổi danh với câu ca: "Kim Long có gái mỹ miều/Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi".

Căn nhà cấp 4 có gác xép của mệ Diệp khiêm tốn giữa những ngôi nhà vườn rộng lớn trong con hẻm 104 Kim Long. Không gian ngôi nhà nhỏ luôn ấm cúng, thường rộn tiếng cười nói của những người trẻ.

Hơn 30 năm qua, cụ bà mái tóc bạc phơ, khuôn mặt nhân từ phúc hậu đã đón hơn 120 chàng trai, cô gái sinh viên xa xứ vào Huế trọ học miễn phí.

Cụ bà 91 tuổi, tai dù đã kém, mắt dù đã mờ, không thấy được nhiều nhưng vẫn còn rất minh mẫn khi nhắc về những sinh viên từng ở nhà mệ.

"Đứa giờ là kỹ sư cầu đường, đứa là luật sư, đứa là giáo viên. Có đứa làm việc ở TPHCM, đứa ở Đà Nẵng, có mấy đứa ở tận bên Úc", mệ Diệp kể chậm rãi, chi tiết về những thế hệ sinh viên được mệ cưu mang giờ đã "công thành danh toại".

Mệ Diệp nhớ lại, lứa sinh viên đầu tiên được nhận vào ở nhà mình là năm 1991.

"Giai đoạn đó nghèo cực, thiếu thốn đủ bề. Tui cũng không giàu có chi, chỉ có căn nhà nên thấy đứa mô hoàn cảnh khốn khó thì cho ở thôi", mệ Diệp cười xòa, móm mém.

Mệ nhớ như in: "Tui đón lứa sinh viên đầu tiên vào ở với gần hai chục đứa. Có đứa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đứa thì trong Quảng Nam, trên Kon Tum xuống. Mấy đứa đều nghèo nhưng đứa mô cũng chịu khó học, học giỏi và yêu thương nhau. Tụi nó xem nhau như anh em ruột thịt, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong suốt những năm tháng ở nhà tui".

Ngày đó, trong căn nhà chật chội, mệ Diệp vẫn bố trí phân phòng một cách hợp lý nhất có thể, có phòng cho nam, phòng cho nữ, phòng sinh hoạt chung. Có lịch phân công nhau lau dọn nhà cửa, nấu ăn, bảo ban nhau học tập. Ai đi đâu xa, về khuya cũng phải báo để cả nhà biết mà yên tâm.

"Mọi quy định tui nói bằng miệng mà mấy đứa gần như tự giác làm cả", mệ Diệp nghiêm giọng. Nhưng đâu phải cái gì cũng nằm trong tầm kiểm soát, mệ kể tiếp: "Rứa rồi cũng có đứa đi ra ngoài gặp sự cố này, sự cố khác. Có đứa bị mời lên phường, tui phải lên bảo lãnh về. Nhưng mình đâu có được mắng la, mà phải khuyên bảo nhẹ nhàng, chỉ những cái hay, khuyên bỏ những cái dở cho mấy con hiểu để không tái phạm".

Mệ Diệp như người mẹ thứ hai với của những cô cậu sinh viên nghèo đến trọ học ở đất cố đô.

Đến giờ vẫn còn 5 sinh viên đang theo học các trường thuộc Đại học Huế đang ở với mệ. Nhóm sinh viên này hiện thay các anh chị thế hệ đi trước luân phiên nhau chăm sóc mệ Diệp, bởi mệ đã già yếu, ở cái tuổi "gần đất xa trời".

Cậu sinh viên Phan Văn Duy (18 tuổi) đang đấm lưng, xoa tay cho mệ Diệp. Duy là tân sinh viên trường Đại học Luật, Đại học Huế và là em út trong nhà của mệ Diệp. Em kể, những ngày đầu vừa đặt chân vào Huế, không chỉ khó khăn về kinh tế, việc tìm phòng trọ vô cùng gian nan bởi lượng sinh viên đổ về nhập học quá lớn nên "cháy" phòng trọ.

"Rồi qua lời giới thiệu của một người, em được vào ở trong ngôi nhà của mệ. Ở đây, em cảm nhận được tình yêu thương của mệ, của các anh chị ở cùng", Duy tâm sự.

Ngoài giờ học, các anh em trong nhà còn thay nhau chăm sóc mệ. Duy kể thêm, mệ dù sức yếu, mắt mờ nhưng trí óc vô cùng minh mẫn. "Mệ nhớ hết các anh chị từng ở đây. Ai đi xa về thăm mệ, chỉ cần nghe giọng là mệ đoán ra ngay", Duy nói.

Ngồi cạnh, mệ Diệp đưa tay vuốt mái tóc bạc phơ, cười hiền, thi thoảng giỡn: "Bây cứ nói quá lên!".

Tình yêu thương của người phụ nữ Huế không chồng con dành hết cho những lứa sinh viên nghèo. Tình yêu ấy trở thành điểm tựa tinh thần để những cô cậu sinh viên vững chãi trong hành trình theo đuổi tri thức. Và ngôi nhà, nơi "có người mẹ thứ hai" ấy là nơi mà họ luôn nhớ về.

Anh Trần Văn Hân (42 tuổi, hiện là Giám đốc một trung tâm âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh) từng có những năm tháng bình yên, sống trong tình yêu thương ở ngôi nhà của mệ Diệp. Đó là "bệ phóng" mở ra cánh cửa cuộc đời của chàng trai từng lâm cảnh túng thiếu.

"Có những ngày khó khăn, tôi được mệ giúp đỡ rất nhiều, nghĩ lại nếu không có mệ vào thời điểm đó, tôi không biết có còn theo đuổi được con đường đại học hay không nữa. Sau này, mỗi đợt về Huế công tác, nơi tôi tìm về đầu tiên là ngôi nhà đã từng ở và người tôi muốn gặp đầu tiên chính là mệ Diệp - người mẹ thứ hai đã cưu mang đời tôi", anh Hân xúc động.

30 năm qua, mệ Diệp vẫn ngồi đó để đón và tiễn chừng ấy lứa sinh viên nghèo đến trọ học rồi đi khắp nơi lập nghiệp. Đó là sự chọn lựa của yêu thương, của tấm lòng cao cả nhưng vô cùng lặng lẽ, theo cách riêng của mình mà không phải ai cũng làm được.

Với những việc làm âm thầm, lặng lẽ của mình trong suốt thời gian dài, mới đây mệ Huỳnh Thị Diệp đã được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh là một trong 10 gương mặt phụ nữ tiêu biểu của tỉnh trong năm 2022.

Hỏi mệ việc mệ làm hàng ngày là gì, mệ ôn tồn: "Tôi là người có đạo, hôm nào trời tạnh tôi lại nhờ mấy đứa chở đi lễ nhà thờ. Còn giờ ở nhà tôi chỉ đọc kinh và cầu nguyện. Tôi cầu cho những người quá cố, cầu cho bọn trẻ đang ở trong nhà đứa mô cũng học giỏi, ra trường có việc làm ổn định".

Vậy khi nào mệ thôi nhận người vào ở? - "Khi nào thì làm sao tôi biết. Còn sống là còn nhận!".

Theo Thực hiện: Nam Anh/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load