(Xây dựng) – Những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản thời gian gần đây cho thấy, các quyết sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản và doanh nghiệp tại các địa phương. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời từ Tổ công tác của Thủ tướng, nhân dân cả nước tin tưởng, thị trường bất động sản sẽ ấm lại với đà tăng trưởng tốt.
Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Sự vào cuộc đúng lúc, đúng thời điểm
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, 2 năm trước, thời điểm bất động sản khó khăn chưa từng có. Thị trường ảm đạm, nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng bên bờ vực thẳm. Con số thống kê từ các địa phương, trong đó có Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó khiến nhiều người phải suy ngẫm, bởi hàng trăm dự án bất động sản “đắp chiếu” không thể triển khai. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn phải gửi đơn đến các ngành chức năng xin “giải cứu”.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm ổn định thị trường, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ra đời trong sự mong đợi của doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, ngày 17/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng đã lập tức “nhập cuộc”. Trong thời gian triển khai, thực hiện, Tổ đã tích cực, chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan báo cáo, tham mưu và báo cáo trực tiếp tại các cuộc họp do Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Qua đó, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết, với nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản.
Cụ thể như Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Công văn số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản. Cùng với đó là 7 công điện, 2 thông báo và 1 quyết định của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các nội dung về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên...
Cùng với đó, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” và triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án...; tổ chức các Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung đã đề ra.
Tổ cũng đã làm việc lần lượt với các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh, doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện. Sau các buổi làm việc, Tổ công tác đều ban hành các Thông báo kết luận của Tổ đối với từng địa phương.
Thị trường bất động sản chuyển biến mạnh mẽ
Đó là thực tế đáng ghi nhận nhờ tinh thần chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hàng loạt những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc qua Tổ công tác của Thủ tướng đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tháo gỡ, thông qua việc ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản. Nhờ đó, tình hình thị trường, việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kể từ tháng 3/2023, thị trường ghi nhận sự sôi động trở lại, do sự tác động mạnh mẽ của Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong năm 2023, Tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn vướng mắc và kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 191 dự án bất động sản; 2 tháng đầu năm 2024, Tổ công tác nhận được 4 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan đến 4 dự án bất động sản.
Tổ công tác cũng đã xem xét, xử lý các văn bản và hướng dẫn, đôn đốc nhiều địa phương, doanh nghiệp giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án theo thẩm quyền. Cụ thể, Hà Nội có Tập đoàn Vingroup; Công ty TNHH Đầu tư Hợp Quần; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Long Biên... Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng được giải quyết và hiện nhiều dự án của Novaland, Sunshine, Hưng Thịnh Corporation… đã được khởi động và có tiến độ tốt.
Theo ghi nhận thực tế của Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, nhờ sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, Tổ công tác và các Bộ, ngành, tại Hà Nội nhiều dự án được tái khởi động, đủ điều kiện bán, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai như Tổ hợp công trình Pandora Triều Khúc; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Viha Complex… Một số dự án khác của Sunshine Group như “Bộ sưu tập biệt thự trên không chuẩn Dubai” – Sunshine Crystal River (Tây Hồ Tây); Sunshine Wonder Tower (Bắc Từ Liêm)… trở thành những cái tên được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do có tiến độ tốt.
Đánh giá về những kết quả đạt được của Tổ công tác của Thủ tướng, mới đây, tại cuộc họp trực tuyến diễn ra vào đầu tháng 3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, do còn nhiều thách thức, Phó Thủ tướng yêu cầu, Tổ công tác của Chính phủ và các địa phương thời gian tới, cần xác định rõ nhiệm vụ và đưa nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa.
Nhiều dự án của các doanh nghiệp lớn, trong đó có Sunshine đang có tiến độ tốt. |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định thị trường bất động sản, thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024...
Bộ Xây dựng cũng sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để trình Chính phủ trong tháng 5 tới.
Ghi nhận những hiệu ứng tích cực từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng, để doanh nghiệp và thị trường bất động sản tạo đà tốt như hiện nay là cả sự nỗ lực của hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành. Từ phát triển nhà ở xã hội, việc nới room tín dụng đến trái phiếu doanh nghiệp… việc Tổ công tác vào cuộc để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhiều doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh hay Sunshine… là hết sức cần thiết bởi đây là các doanh nghiệp lớn với nhiều dự án có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Có thể thấy, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản đã và đang vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có. Đây là giai đoạn “lửa thử vàng. Vượt qua cơn “bĩ cực”, doanh nghiệp và nhân dân cả nước ghi nhận và tin tưởng vào sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản nhằm ổn định thị trường. Đó cũng là tinh thần chung sức, đồng lòng, góp phần ổn định trụ cột kinh tế, tạo nguồn lực cũng như tài sản cố định cho quốc gia.
Kim Thoa
Theo