Thứ tư 13/11/2024 18:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật / Tư vấn pháp luật

Trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài

10:23 | 10/08/2020

(Xây dựng) – Mặc dù được cấp đất, nhưng lại không sử dụng và để cho người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài dẫn đến việc tranh chấp tài sản nhà, đất sau này là tình trạng phổ biến, diễn ra ở nhiều địa phương. Vụ án lần này xảy ra ở Hưng Yên và đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 5/2/2020 với Quyết định Giám đốc thẩm số 34/2018/DS-GĐT, phát triển thành Án lệ số 33/2020/AL.

truong hop ca nhan duoc nha nuoc giao dat nhung khong su dung ma de nguoi khac quan ly su dung on dinh lau dai
Ảnh minh họa

Tình huống án lệ: Cá nhân được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì.

Tranh chấp xảy ra giữa bà B.T.P và các con là anh L.N.T1, chị L.T.T.X với ông L.N.T2 về thửa đất ở tại thôn Đ, xã Đ1, huyện P, tỉnh Hưng Yên. Bà P là vợ ông H (con trai cụ U và cụ T). Năm 1973, cụ U về Hưng Yên xin UBND xã cấp 1 thửa đất ở diện tích 1.079m2 tại thôn Đ, xã Đ1, huyện P, tỉnh Hưng Yên. Năm 1976, ông H về xây dựng một ngôi nhà ba gian mái bằng, công trình phụ tại thửa đất trên. Năm 1977, cụ L.N.C1 (em trai cụ U) mượn nhà, đất cho ông T2 (con trai cụ C1) ở nhờ.

Khi ông H và bà P kết hôn thì đến ở với cụ U, cụ T tại tỉnh Lạng Sơn. Sau khi cụ U, cụ T mất (không để lại di chúc), bà P có được cụ T (trước khi qua đời) giao lại giấy tờ mà xã giao đất cho cụ U ở Hưng Yên. Tuy vậy, sau đó do sự cố thiên tai nên toàn bộ giấy tờ đã hư hỏng.

Năm 2008, ông H đã viết giấy ủy quyền cho ông T2 để ông T2 nhận bồi thường do Nhà nước thu hồi đất để mở đường. Sau đó, ông H mất và không để lại di chúc. Do đó, bà P và các con đề nghị gia đình ông T2 trả lại nhà, đất và tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất năm 2008.

Ngược lại, phía ông T2 cho rằng, mảnh đất gia đình ông đang quản lý, sử dụng là do cụ C1 nhờ cụ U đứng tên xin hộ. Đặc biệt, chưa bao giờ gia đình cụ U về xây dựng nhà hay nhận là của gia đình cụ U. Trong giấy cam kết mà ông H viết có xác định toàn bộ thửa đất mà cụ U được cấp đã giao cho ông T2 sử dụng, từ nay về sau gia đình ông H không có ý kiến gì đối với mảnh đất đó.

Theo UBND xã cung cấp, thửa đất gia đình ông T2 đang quản lý, sửa dụng trên bản đồ 299 lập năm 1981 có diện tích 1073m2 tại thửa đất số 117, tờ bản đồ số 15 ghi tên sử dụng đất là U1, qua xác minh phải là ông U mới chính xác.

Tuy nhiên, căn cứ bản đồ địa chính xã Đ1 hoàn thành tháng 12/1998, tại Tờ bản đồ số 31 thì thửa đất hộ ông T2 đang quản lý, sử dụng gồm có 4 thửa: Thửa số 269 (T) diện tích 574,4m2; thửa 251 (ao) diện tích 261,2m2; thửa số 286 (ao) diện tích 152,9m2; thửa số 301 có diện tích 149,1m2 là đất hành lang đường 38B. Tổng diện tích các thửa và hành lang là 1.177,6m2. Theo sổ mục kê lập năm 1998, tại các trang 86, 87 thì các thửa đất trên đều ghi tên chủ sử dụng đất là T2.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 31/3/2015, TAND huyện quyết định : Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị X, anh T1 (các con bà P với ông H). Đối với bà P, không có quyền lợi liên quan đến di sản của cụ U, cụ T để lại.

Giao ông T2, bà V đang quản lý, sử dụng theo số liệu đo đạc thực tế ngày 08/8/2014 là 990m2. Trong đó, đất ở là 816m2, đất ao là 174m2 (có sơ đồ kèm theo). Ông T2 và và bà V có nghĩa vụ đăng ký quyền sử dụng đất được giao tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định của pháp luật đất đai. Nhà ở, các công trình xây dựng, cây cối, hoa màu nằm trên thửa đất là thuộc sở hữu của ông T2, bà V.

Ngoài ra, buộc ông T2 và bà V phải thanh toán trả cho chị X và anh T1 giá trị di sản mà chị X và anh T1 được hưởng thừa kế của cụ U và cụ T số tiền là 191.864.200 đồng.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 25/2017/DS-PT ngày 28/9/2017 của TAND tỉnh Hưng Yên quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của chị X và anh T1, bà P.

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015/DS-ST ngày 31/3/2015 của TAND huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên như sau: Giao cho ông T2 và bà V diện tích 621,2 m2 thửa đất số 117, tờ bản đồ số 15, bản đồ 299 lập năm 1981 thôn Đ, xã Đ1, đứng tên cụ U.

Đồng thời, giao cho chị X, anh T1, bà P diện tích 369m2 (trong đó có 174,2m2 đất ao) tại thửa đất số117, tờ bản đồ số 15, bản đồ 299 lập năm 1981 thôn Đ, xã Đ1, huyện P, đứng tên cụ U, cùng tài sản trên đất là 01 nhà xây cấp bốn lợp tôn, 01 kho lán, 01 chuồng chăn nuôi, tường bao phía tây trên diện tích đất được giao. Bà P quản lý cả phần tài sản của chị X và anh T1.

Bà P phải thanh toán trả lại cho ông T2 và bà V giá trị công trình trên đất được giao số tiền là 47.068.000 đồng. Không chỉ vậy, ông T2 và bà V phải thanh toán trả cho bà P, chị X và anh T1 giá trị di sản mà bà P, chị X và anh T1 được hưởng thừa kế của cụ U và cụ T số tiền là 199.319.000 đồng.

Kết luận lại rằng, mặc dù cụ U là người được cấp đất, nhưng sau khi được cấp đất cụ U đã không sử dụng đất mà cho ông T2 sử dụng từ năm 1975 đến nay. Quá trình sử dụng đất, do đất cụ U được cấp là đất vũng nên gia đình cụ C1 và ông T2 đã phải thuê người vượt lấp để tôn nền, xây dựng và sửa chữa nhà nhiều lần. Cụ U và ông H đều biết việc vượt lấp, sửa chữa và xây dựng nhà nhưng không có tranh chấp. UBND xã Đ1 và những người làm chứng là những người sống ở địa phương đều xác định cụ U và ông H không về ở, không xây dựng nhà. Sau khi vợ chồng cụ U chết, ông H là con duy nhất của cụ U cũng có bản cam kết xác nhận cụ U không về ở được nên giao lại quyền sử dụng thửa đất trên cho ông T2, gia đình không có ý kiến gì về thửa đất đó. Như vậy, cụ U là người được giao đất, nhưng cụ U không sử dụng mà cho ông T2 quản lý, sử dụng thửa đất này từ sau khi cụ U được giao đất (năm 1974) đến nay. Quá trình sử dụng đất, ông T2 đã xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai và nộp thuế quyền sử dụng đối với thửa đất này nên theo quy định của pháp luật đất đai thì ông T2 thuộc trường hợp được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc cụ U không sử dụng đất nhưng có tên trên Bản đồ giải thửa 299 và Sổ mục kê năm 1982 là không chính xác và không phải là căn cứ để xác định cụ U là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất này. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc cụ U được cấp đất để xác định thửa đất tranh chấp là của vợ chồng cụ U để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trích một phần công sức cho ông T2 là không đúng.

Với những nhận định trên, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 337, khoản 3 Điều 343, khoản 1 Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án quyết định huỷ toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số25/2017/DS-PT ngày 28/9/2017 của TAND tỉnh Hưng Yên về vụ án “Kiện đòi tài sản nhà, đất và tiền bồi thường hỗtrợ khi Nhà nước thu hồi đất” giữa nguyên đơn là bà P, anh T1, chị X với bị đơn là ông T2. Đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ánh Dương

Theo Án lệ 33/2020/AL đăng trên trên Trang tin điện tử về án lệ
Tòa án Nhân dân tối cao (anle.toaan.gov.vn).

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load