(Xây dựng) – Ban Giám hiệu nhà trường định hướng, chú trọng công tác xã hội hóa đào tạo lái xe đáp ứng nhu cầu học ngày càng đông của người dân và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Xã hội hóa công tác đào tạo lái xe tại Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 giúp tăng thu nhập kinh tế, đảm bảo cho cán bộ, giảng viên có cuộc sống tốt. |
Trong những năm qua, trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 đã phát huy tinh thần đoàn kết, đưa hoạt động dần ổn định và phát triển. Sự đồng lòng, nhất trí cao của tập thể Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên nhà trường đã giúp công tác tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao, với những con số ấn tượng như: Trình độ Cao đẳng, Trung cấp tuyển sinh được 662/490 chỉ tiêu (đạt 135%), trình độ Sơ cấp nghề lái xe ôtô và sư phạm dạy nghề tuyển sinh được 2.000/600 chỉ tiêu (ước đạt khoảng 313%).
Xã hội hóa đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất
Chủ trương xã hội hóa đào tạo lái xe là bước đột phá quan trọng trong việc hình thành hệ thống cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên toàn quốc. Sau thời gian thực hiện, trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 đã huy động được nguồn lực lớn đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân và thu nhập tăng thêm của cán bộ, giáo viên được cải thiện rõ rệt.
Trường đặt ra 3 tiêu chí: “Chất lượng, giá thành và tôn trọng người học” nên đã nhận được sự hài lòng từ phía học viên. Do vậy, trường đã tiến hành trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, tuân thủ nghiêm quy trình đào tạo.
Trước đây, Trung tâm đào tạo lái xe của trường chỉ có 13 đầu xe, sau khi thực hiện xã hội hóa đã tăng lên hơn 100 đầu xe. Nguồn lực đóng góp các phương tiện này đều từ cán bộ, giảng viên trong trường tham gia đầu tư và trực tiếp giảng dạy lái xe. Từ cuối năm 2023, trường đã tăng lưu lượng đào tạo lái xe từ 500 học viên/khóa lên 1.000 học viên/khóa (gấp đôi lưu lượng trước đó). Với mục tiêu này, trường tiếp tục khuyến khích người lao động đầu tư thêm xe để phục vụ đào tạo. Chính từ việc góp sức này, cán bộ, giảng viên trong trường đã tự góp phần nâng cao đời sống, thu nhập kinh tế của chính mình.
ThS. Phạm Duy Bảy, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề LILAMA 1. |
Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo lái xe, đã xã hội hóa đầu tư 3 Cabin điện tử mô phỏng (trên 400 triệu/Cabin) giúp các học viên được tiếp cận một cách toàn diện cả về mặt lý thuyết và thực hành.
Đặc biệt, việc áp dụng mô hình Cabin điện tử trong quá trình đào tạo giúp học viên của trường được tập luyện kỹ năng, tập phản xạ trong điều kiện các tình huống giao thông nhằm nâng cao kỹ năng lái xe, đảm bảo an toàn giao thông. Các tình huống với những cấp độ khác nhau cũng được cài đặt để người học làm quen, tạo kỹ năng lái xe và kinh nghiệm xử lý tình huống. Với những ưu điểm như vậy, nên dù mô hình mới được áp dụng trong đào tạo nhưng các học viên học lái xe của nhà trường đều cảm thấy rất hứng thú.
Theo ThS. Phạm Duy Bảy: Với phần mềm và Cabin điện tử, học viên sẽ được trang bị thêm kỹ năng và cách phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông có thể xảy ra nhằm nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Học viên sẽ phải thực hành với thiết bị mô phỏng khoảng 3 giờ trước khi ra tập lái trên đường. Như vậy, việc đưa Cabin điện tử mô phỏng vào quá trình giảng dạy không chỉ giúp trường tiết kiệm được chi phí về nhiên liệu và phương tiện mà trên hết là giúp cho học viên có thêm kỹ năng phản xạ, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Chia sẻ với phóng viên, ThS. Phạm Duy Bảy phấn khởi: “Với sự nhất trí, đoàn kết của cán bộ, người lao động toàn trường, nhà trường thực hiện mô hình đào tạo lái xe ôtô theo hướng xã hội hóa tạo nguồn lực lớn cho đơn vị đã được cán bộ, giáo viên, học viên đánh giá rất tốt”.
“Bên cạnh đầu tư nguồn lực phương tiện ôtô, trường cũng đã tiến hành xây dựng, bê tông hóa gần 4.000m2 sân của Trung tâm đào tạo lái xe và sửa chữa, làm mới hội trường, tường, trần, hệ thống điện các phòng học. Nhà trường dành 4 phòng máy học tập với đầy đủ máy vi tính để phục vụ cho việc dạy, học lái xe các hạng B1, B2, C từ chính nguồn lực tự có”, Hiệu trưởng Phạm Duy Bảy nhấn mạnh.
Với mô hình xã hội hóa giúp chất lượng đào tạo lái xe tại trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 thu hút được nhiều học viên. |
Đời sống cán bộ, giáo viên được nâng cao
Công tác đào tạo lái xe tại trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 được thực hiện và quản lý theo quy trình chặt chẽ, công khai. Đặc biệt, nhà trường không tiến hành tuyển sinh qua trung gian mà ký hợp đồng đào tạo trực tiếp với người học lái xe ôtô. Trong hợp đồng thể hiện rõ nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, thời gian hoàn thành khóa học, mức học phí, phương thức thanh toán, hình thức đào tạo, loại xe tập lái, cam kết chất lượng đạt được... việc thu học phí được diễn ra công khai, minh bạch.
Trong thời gian học, nhà trường cam kết không thu thêm bất kỳ khoản tiền nào và quán triệt rõ tới từng giảng viên đào tạo không được nhận hay “gợi ý” thu thêm tiền. Phương châm của chúng tôi là không để xảy ra tiêu cực trong đào tạo lái xe, hành vi tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và nhà trường cũng sẽ ngay lập tức chấm dứt hợp đồng làm việc đối với cá nhân vi phạm.
Phí đào tạo lái xe của trường từ khoảng 13 triệu đồng/học viên, so với mặt bằng chung trên thị trường hiện nay thì tương đối phù hợp với đại đa số người dân có nhu cầu. Chính với mức học phí hợp “túi tiền” này nên số lượng học viên đăng ký học tại trường ngày một đông, chất lượng dạy và học vì thế ngày càng nâng cao.
Với hướng đi này, thiết thực nhất chính là góp phần tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động của trường, giúp họ yên tâm công tác, làm việc, gắn bó lâu dài với mức thu nhập tốt đảm bảo lo cho cả gia đình có cuộc sống ổn định, sung túc và cùng nhà trường phát triển hơn nữa trong tương lai.
Theo chia sẻ của một giáo viên: Từ khi trường có chủ trương xã hội hóa đào tạo lái xe thì đời sống của cán bộ, giảng viên được nâng lên rõ rệt, nguồn thu nhập tăng thêm hàng tháng lên đến 70 triệu đồng (dựa trên kết quá đánh giá, xếp loại đối với cán bộ biên chế). Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm, chăm lo đến người lao động và con em cán bộ của trường, một năm 2 lần tổ chức chuyến đi thực tế.
Theo ThS. Phạm Duy Bảy, tính đến hiện tại, trường duy trì hoạt động ổn định và trả lương cho 82 biên chế và 62 hợp đồng lao động. Hiệu quả của công tác xã hội hóa đào tạo lái xe ngoài việc đời sống của cán bộ, giảng viên được nâng cao còn được thể hiện qua thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Năm 2023, trường đã nộp, quyết toán thuế thu nhập khoảng 670 triệu đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp là 429 triệu đồng và khoảng 250 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân.
Đời sống của cán bộ, giảng viên, người lao động trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 ngày càng được nâng cao, tin tưởng vào một hướng đi đúng. |
Xã hội hóa cơ sở đào tạo lái xe là một chủ trương, hướng đi đúng mà Ban lãnh đạo lựa chọn, giúp giảm tải cho các cơ sở đào tạo của Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân địa phương được học lái xe một cách thuận lợi. Quan trọng hơn chính là với tư duy đổi mới của tập thể lãnh đạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã giúp đời sống và thu nhập kinh tế của cán bộ, giáo viên trong trường ngày một nâng cao, thêm gắn bó và tin tưởng vào một hướng đi đúng đắn.
Khánh Minh
Theo