(Xây dựng) – Ban Giám hiệu nhà trường định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hướng đến thị trường nước ngoài; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thạc sỹ Phạm Duy Bảy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1. |
Đầu xuân năm mới 2024, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Phạm Duy Bảy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 (Bộ Xây dựng) về những kết quả và mô hình mới, hướng đi mới trong đào tạo sinh viên chất lượng cao, xây dựng nhà trường thành đơn vị đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực tại địa phương và xã hội.
PV: Thời gian qua, Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 đã có nhiều thay đổi tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, xin ông chia sẻ thêm về một số thành tích nổi bật của trường?
Hiệu trưởng Phạm Duy Bảy: Trong năm qua, trường đã phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, đưa hoạt động dần ổn định và phát triển. Sự đồng lòng, nhất trí cao của tập thể Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên nhà trường đã giúp công tác tuyển sinh vượt chỉ tiêu tại các Trung tâm liên kết.
Với sự nỗ lực, cố gắng, nhà trường đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao; tiếp tục phấn đấu phát triển thành trường cao đẳng định hướng đa ngành có uy tín, đạt chất lượng cấp khu vực trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đi sâu đào tạo một số chuyên ngành.
Trong năm học 2022-2023, hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tổ chức Hội giảng cấp trường và cử giáo viên tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh (Ninh Bình) nhằm phát huy sức sáng tạo, tìm tòi những ý tưởng mới và sự trao đổi học hỏi lẫn nhau của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức giảng dạy theo đúng kế hoạch đào tạo. Các kỳ thi tốt nghiệp, kiểm tra kết thúc môn học, mô đun được sử dụng câu hỏi trong ngân hàng đề thi, kiểm tra. Kết quả thi, kiểm tra được đánh giá chính xác, khách quan.
Năm 2023, trường tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của các lớp liên kết và đạt được kết quả cao tại các kỳ thi, hội giảng như: 01 giải Nhất; 01 giải Khuyến khích (cá nhân) và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ XI; 01 giải Nhất, 01 giải Nhì và 01 giải Ba tại Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2023… Đặc biệt, trường đã nâng lưu lượng đào tạo lái xe từ dưới 500 học viên/khóa lên đến 1.000 học viên/khóa.
PV: Công tác quản lý giáo dục và tuyển sinh, định hướng việc làm phù hợp cho học sinh, sinh viên (HSSV) ngay sau khi tốt nghiệp của trường như thế nào, thưa ông?
Hiệu trưởng Phạm Duy Bảy: Trong năm 2023, BGH nhà trường đã chỉ đạo, đưa ra các giải pháp tuyển sinh và kết quả vượt chỉ tiêu ban đầu với con số ấn tượng như: trình độ Cao đẳng, Trung cấp tuyển sinh được 662/490 chỉ tiêu (đạt 135%), trình độ Sơ cấp nghề lái xe ô tô và sư phạm dạy nghề tuyển sinh được 1.875/600 chỉ tiêu (ước đạt 313%).
Cũng trong năm ngoái, trường tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng cho 523 HSSV với 8 sinh viên Cao đẳng và 515 học sinh Trung cấp. Nhà trường phối phợp định hướng tư vấn và giải quyết việc làm cho các HSSV ngay sau khi tốt nghiệp với tỷ lệ trên 87% tiếp nhận vào các doanh nghiệp sản xuất, các em còn lại cũng đã tự tìm, tự tạo dựng được việc làm trong xã hội.
Cũng phải chia sẻ thêm với phóng viên, về nghiên cứu khoa học năm 2023, trường chúng tôi có 02 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tự làm đã được công nhận cấp tỉnh (01 đề tài thuộc Khoa hàn và 01 đề tài thuộc Khoa điện). Các đề tài này đều phục vụ cho việc giảng dạy, sản phẩm đều mang tính thẩm mỹ cao, bám sát chương trình môn học.
Xã hội hóa công tác đào tạo lái xe tại Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 giúp tăng thu nhập kinh tế, đảm bảo cho cán bộ, giảng viên có cuộc sống tốt. |
PV: Thời gian qua, nhà trường thực hiện mô hình đào tạo lái xe ôtô theo hướng xã hội hóa để tạo nguồn phát triển cho đơn vị đã được cán bộ, giáo viên, học viên đánh giá rất tốt, xin ông chia sẻ thêm về hướng đi này?
Hiệu trưởng Phạm Duy Bảy: Chủ trương xã hội hóa đào tạo lái xe là bước đột phá quan trọng trong việc hình thành hệ thống cơ sở đào tạo lái xe ôtô trên toàn quốc. Sau thời gian thực hiện, trường đã huy động được nguồn lực lớn đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân và thu nhập tăng thêm của cán bộ, giáo viên được cải thiện rõ rệt. Có thể nói rằng, đây là hướng đi đúng đắn của tập thể lãnh đạo nhà trường.
Trường chúng tôi đặt ra 3 tiêu chí: “Chất lượng, giá thành và tôn trọng người học” nên đã nhận được sự hài lòng từ phía học viên. Do vậy trường đã tiến hành trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, tuân thủ nghiêm quy trình đào tạo.
Trước đây, Trung tâm đào tạo lái xe của trường chỉ có 13 đầu xe thì sau khi xã hội hóa đã tăng lên 90 đầu xe. Đáng mừng là các phương tiện này đều của cán bộ, giảng viên trong trường tham gia đầu tư và trực tiếp giảng dạy lái xe. Thời gian tới, khi tăng lưu lượng đào tạo lái xe lên đến 1.000 học viên/khóa (gấp đôi lưu lượng trước đó – PV) thì nhà trường tiếp tục khuyến khích người lao động đầu tư thêm xe để phục vụ công tác đào tạo. Chính từ việc góp sức này, cán bộ, giảng viên trong trường đã tự góp phần nâng cao đời sống, thu nhập kinh tế.
Bên cạnh đó, trường cũng đã bê tông hóa trên 3.000m2 sân của Trung tâm đào tạo lái xe và sửa chữa ôtô, làm mới tường, trần, hệ thống điện các phòng học để phục vụ cho việc dạy, học lái xe các hạng B1, B2, C từ nguồn lực tự có.
Với hướng đi này, thiết thực nhất chính là góp phần tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động của trường, giúp họ yên tâm công tác, làm việc, gắn bó lâu dài với mức thu nhập tốt đảm bảo lo cho cả gia đình có cuộc sống ổn định, sung túc và cùng nhà trường phát triển hơn nữa trong tương lai.
Với mô hình xã hội hóa giúp chất lượng đào tạo lái xe tại Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 thu hút được nhiều học viên. |
PV: Với mô hình xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe này thì việc quản lý chi phí và học phí đào tạo của trường có gì đặc biệt, thưa ông?
Hiệu trưởng Phạm Duy Bảy: Công tác đào tạo lái xe tại Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 được thực hiện và quản lý theo quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đặc biệt, nhà trường không tiến hành tuyển sinh qua trung gian mà ký hợp đồng đào tạo trực tiếp với người học lái xe ô tô. Trong hợp đồng đều thể hiện rõ nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, thời gian hoàn thành khóa học, mức học phí, phương thức thanh toán, hình thức đào tạo, loại xe tập lái, cam kết chất lượng đạt được... việc thu học phí được diễn ra công khai, minh bạch.
Trong thời gian học, nhà trường cam kết không thu thêm bất kỳ khoản tiền nào và quán triệt rõ tới từng giảng viên đào tạo không được nhận hay “gợi ý” thu thêm tiền. Phương châm của chúng tôi là không để xảy ra tiêu cực trong đào tạo lái xe, hành vi tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và nhà trường cũng sẽ ngay lập tức chấm dứt hợp đồng làm việc đối với cá nhân vi phạm.
Phí đào tạo lái xe của trường từ khoảng 13 triệu đồng/học viên, so với mặt bằng chung trên thị trường hiện nay thì tương đối thấp, có nơi đã thu lên đến 19-30 triệu đồng/học viên. Chính với mức học phí phù hợp “túi tiền” này nên số lượng học viên đăng ký học tại trường ngày một đông, chất lượng dạy và học vì thế ngày càng nâng cao.
Trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho công tác đào tạo lái xe. |
Xã hội hóa cơ sở đào tạo lái xe là một chủ trương, hướng đi đúng mà Ban lãnh đạo lựa chọn, giúp giảm tải cho các cơ sở đào tạo của Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân địa phương được học lái xe một cách thuận lợi. Quan trọng hơn chính là với tư duy đổi mới của tập thể lãnh đạo đã giúp đời sống và thu nhập kinh tế của cán bộ, giáo viên trong trường ngày một nâng cao, thêm gắn bó và tin tưởng vào một hướng đi đúng.
PV: Trân trọng cảm ơn Hiệu trưởng!
Minh Khánh (thực hiện)
Theo