Thứ ba 05/11/2024 09:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông

16:21 | 11/02/2022

(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

trien khai nghi quyet cua quoc hoi ve chu truong dau tu du an xay dung cao toc bac nam phia dong
Ảnh minh họa (nguồn: TL).

Để triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội khoá XV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch:

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án) đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Nghị quyết số 44/2022/QH15 thì được thực hiện như trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất trồng lúa quy định tại khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai.

Bộ Giao thông vận tải thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến), cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.

Các địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của Dự án; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) đảm bảo tiến độ thi công.

Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án.

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ và các cơ chế đặc thù sau:

Các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho Dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu mọi trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho Dự án, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ cho phép nâng công suất khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công Dự án. Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công Dự án. Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, trình tự thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 62, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan.

Đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành Dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026

Bộ Giao thông vận tải thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành Dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Bên cạnh đó, tổ chức lập, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, hoàn thành trước ngày 20/3/2022; tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 18/4/2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt; tổ chức lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án thành phần thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoàn thành trước ngày 8/4/2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30/6/2022 và thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31/12/2022; triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này đối với các gói thầu xây lắp các dự án thành phần; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu việc bố trí vốn thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án.

Bộ Tài chính hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền các nội dung về thuế, phí, lệ phí liên quan đến Dự án; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án để tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư Dự án, hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Bộ Xây dựng hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng.

Trước ngày 15/5/2022, hoàn thành thẩm định đánh giá tác động môi trường từng dự án thành phần

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 15/5/2022; thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/5/2022.

Thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên; tổng hợp ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyển mục đích sử dụng rừng; báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20/4/2022.

Hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/4/2022.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm thỏa thuận các nội dung và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các khu vực liên quan đến đất quốc phòng đảm bảo tiến độ Dự án và khẩn trương thực hiện công tác rà, phá bom, mìn, vật nổ đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm thẩm duyệt các công trình có yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh, trật tự và phối hợp, hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải trong suốt quá trình thực hiện Dự án, thi công xây dựng công trình.

Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Tập đoàn, Tổng công ty (EVN, VNPT, Viettel…) khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật do mình quản lý đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.

Kiểm tra, rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành liên quan đến Dự án

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan kiểm tra, rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành liên quan đến Dự án để kịp thời điều chỉnh theo quy định hiện hành, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án.

Tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 68, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020; hoàn thành trước ngày 31/3/2022, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Tổ chức thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng cho các dự án thành phần trên địa bàn quản lý, hoàn thành trước ngày 31/3/2022; đồng thời gửi hồ sơ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định theo quy định.

Tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đảm bảo tiến độ Dự án, trong đó, giao nhiệm vụ cho tổ chức dịch vụ công về đất đai hoặc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi Nghị quyết này được ban hành; tổ chức thực hiện đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng; đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi…) đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần, bao gồm vật liệu xây dựng tại các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần. Việc xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phải đảm bảo phù hợp yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện và tiến độ thi công xây dựng, khả năng cung ứng và mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng.

Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho từng gói thầu/dự án thành phần phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, nâng giá.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load