Thứ sáu 26/04/2024 13:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

TPHCM: Làm tuyến BRT số 1 gần 3.300 tỉ đồng cuối năm 2021

19:06 | 15/01/2021

Tuyến BRT số 1 ở TPHCM có tổng mức đầu tư gần 3.300 tỉ đồng chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ dự kiến triển khai thi công một số hạng mục vào cuối năm 2021.

tphcm lam tuyen brt so 1 gan 3300 ti dong cuoi nam 2021
Đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ triển khai làn đường riêng cho xe buýt nhanh (BRT) số 1. Ảnh: Minh Quân

Ngày 15.1, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, dự kiến trong quý 4/2021 sẽ khởi công một số hạng mục của tuyến buýt nhanh (BRT) số 1, gồm: cầu đi bộ, nhà chờ, trung tâm điều hành ở Thủ Thiêm, nhà ga Rạch Chiếc. Toàn bộ dự án BRT số 1 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2023.

Trước đó, hồi cuối tháng 11.2020, UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển giao thông xanh TPHCM - dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1.

Tổng mức vốn đầu tư tuyến BRT số 1 sau điều chỉnh là gần 3.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của ngân hàng Thế giới hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn gần 423 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

Tuyến BRT số 1 dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (Thành phố Thủ Đức) kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Sau này khi bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.

Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60 – 72 hành khách.

Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TPHCM chạy với tốc độ di chuyển 60km/giờ trên làn đường riêng được bố trí trên hai làn sát dải phân cách trung tâm. Dải phân cách bêtông sẽ được dùng để phân cách giữa làn BRT và làn xe khác.

Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng, 2 trạm trung chuyển (Hải Thượng Lãn Ông, Hàm Nghi), 1 nhà ga Rạch Chiếc và bãi hậu cần tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000 m2.

Nhằm tăng khả năng tiếp cận của hành khách tới trạm BRT, có 8 bãi đậu xe cá nhân sẽ được xây dựng tại các trạm. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng mới một số cầu bộ hành và cầu vượt kênh, cải tạo cầu bộ hành hiện hữu xung quanh trạm dừng,...

TPHCM kỳ vọng sau khi tuyến BRT số 1 đi vào hoạt động sẽ giúp thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi hơn và an toàn hơn. Từ đó, thành phố thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc.

Theo MINH QUÂN/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load