(Xây dựng) - Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh phía Nam hỗ trợ triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng: Hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng trong việc thiết lập các bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung; Các hoạt động cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; Duy trì hoạt động đầu tư xây dựng thông thường và Bố trí lán trại, chỗ nghỉ cho công nhân tại các Khu công nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng tại buổi họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vào ngày 22/7. |
Ngày 19/7, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 869/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Theo đó, ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác. Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục công tác phía Nam là Tổ phó thường trực.
Chia sẻ về một số nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết: Ngành Xây dựng cần tập trung triển khai 4 nhiệm vụ như sau:
Một là, hỗ trợ trong việc thiết lập bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung: Bệnh viện dã chiến là nơi thu dung và điều trị các bệnh nhân F0. Khu cách ly tập trung là thu dung F1 và điều trị những người cần phải tập trung. Tại khu vực phía Nam, hiện tại đã có nhiều cách triển khai phù hợp thực tế, các F0 được chia thành 3 nhóm: F0 không có triệu chứng, F0 có triệu chứng và F0 chuyển biến nặng. Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và áp dụng các công trình có sẵn để thiết lập bệnh viện dã chiến với các tầng phía trên lưu trú bệnh nhân F0 không có triệu chứng, các tầng dưới bố trí bác sỹ và trang thiết bị y tế để tiếp nhận bệnh nhân F0 có triệu chứng chuyển từ tầng trên xuống và nếu chuyển biến nặng hơn thì chuyển bệnh viện tuyến trên. Qua đó Tổ công tác cần nghiên cứu để phát triển mô hình bệnh viện dã chiến với số lượng giường bệnh lớn trên 1000 giường đáp ứng theo đặc thù điều trị Covid – 19 hiện nay.
Về vấn đề Bệnh viện dã chiến, các tỉnh thành cần có đánh giá về dự kiến tốc độ phát hiện F0, để có kế hoạch chuẩn bị điều kiện phục vụ và trang thiết bị y tế. Trong quá trình thiết kế thi công trưng dụng, có những vấn đề nào vướng mắc về kỹ thuật xây dựng, cải tạo, thủ tục đầu tư xây dựng, quy chế quản lý, nguồn vốn cần được hỗ trợ. Sau khi kết thúc phục vụ bệnh viện dã chiến cũng cần có phương án cho việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, trang thiết bị, công trình.
Tùy tình hình mà lựa chọn các ký túc xá, khu doanh trại, trường học làm các cơ sở cách ly tập trung, nhưng hiện trạng đang quá tải, dễ sinh ra lây nhiễm chéo. Vì vậy chúng ta cần xem xét khu vực nào có thể đáp ứng đủ các nhu cầu cần thiết về vệ sinh, trang thiết bị. Nếu không đủ điều kiện thì cần phải có phương án cải tạo nhanh chóng, kịp thời trên cơ sở vận dụng pháp luật xây dựng sửa đổi mới được ban hành để phù hợp thành khu cách ly F1.
Cơ chế quản lý hiện nay, phần lớn bệnh viện dã chiến là huy động tư nhân ủng hộ. Nếu huy động vốn nhà nước, vốn đầu tư công thì các địa phương qua thực tế triển khai có vấn đề gì vướng mắc cần thảo luận, đề xuất với Tổ công tác của Bộ Xây dựng để có phương án tháo gỡ.
Hai là, vấn đề cung ứng các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật: Như cấp nước, xử lý thoát nước, hỏa táng, thu gom xử lý rác thải, điện chiếu sáng,... Trong bối cảnh dịch bệnh thì việc duy trì các vấn đề này tại các địa phương có những ảnh hưởng gì cần tháo gỡ.
Các đơn vị cung ứng dịch vụ về cấp nước, xử lý thoát nước, sử dụng biện pháp thay thế hỗ trợ như thế nào? Hay việc thu gom rác thải do lượng người tập trung rất đông, rác thải nhiều cần xử lý ra sao? Cung ứng điện, trạm biến áp nếu quá tải sẽ có phương án xử lý như thế nào? Đối với vấn đề hỏa táng, tại các địa phương có đầy đủ cơ sở hay không, công suất ra sao, có đưa được sang tỉnh khác hay không?
Ba là, duy trì hoạt động đầu tư xây dựng thông thường: Chúng ta cần kiểm tra việc có địa phương nào có chủ trương ngừng thi công xây dựng không? Nếu không ngừng thi công thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn trong thời kỳ dịch bệnh.
Trong quá trình triển khai phê duyệt dự án, cấp phép, nghiệm thu liên quan tới quản lý Nhà nước, không kịp xử lý do ảnh hưởng của dịch bệnh thì cần có giải pháp cụ thể ra sao. Cần giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền nhà nước trong thời kỳ dịch bệnh, nếu không thực hiện được trực tuyến thì phải làm sao, chuyển bước thi công thế nào để đảm bảo tiến độ được diễn ra bình thường. Đối với vấn đề cung ứng vật tư, vật liệu có bị gián đoạn không?
Bốn là, một số vấn đề tại các Khu công nghiệp cũng cần được quan tâm, rất nhiều trường hợp phải ăn ở tại chỗ, vậy chúng ta phải có biện pháp khuyến cáo như thế nào để đảm bảo an toàn cho công nhân ở các khu công nghiệp. Ví dụ, công nhân sử dụng chỗ ở là các container để nghỉ ngơi tại khu vực đất trống, rải chiếu ra sàn, dưới góc độ xây dựng thì phải có những tư vấn như nào, chuẩn bị các lán trại ra sao?
Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ luôn sẵn sàng phối hợp cùng các Sở, Ban ngành địa phương để hỗ trợ mọi mặt về chuyên môn khi có yêu cầu nhằm tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Xây dựng làm việc tại công trường Bệnh viện dã chiến quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh. |
Để phục vụ cho việc triển khai hoạt động Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/7 một số cán bộ thuộc Cục Công tác phía Nam của Bộ Xây dựng do ông Hoàng Hải - Cục trưởng, Tổ phó Thường trực Tổ công tác dẫn đầu buổi kiểm tra thực tế tại hiện trường thi công 2 bệnh viện dã chiến ở Bình Chánh và Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Xây dựng cho biết: Tại buổi kiểm tra thực tế hiện trường thi công bệnh viện dã chiến, Đoàn công tác đánh giá cao tiến độ thi công của 2 bệnh viện dã chiến, đồng thời đã trực tiếp có những hướng dẫn chuyên môn nhằm đảm bảo việc thi công đạt hiệu quả, đúng yêu cầu.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về một số vấn đề liên quan đến bệnh viện dã chiến, ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, thành viên Tổ công tác cho biết: Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường với chức năng là cơ quan quản lý về lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn và các chỉ dẫn kỹ thuật, các lĩnh vực khác liên quan đến khoa học công nghệ. Trước khi có quyết định thành lập Tổ công tác, lãnh đạo Vụ đã thường xuyên trực tiếp trao đổi với lãnh đạo địa phương để tìm hiểu về công tác triển khai các nhiệm vụ có liên quan, đặc biệt bám sát việc các địa phương nghiên cứu tài liệu hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến mà Bộ Xây dựng đã ban hành vào tháng 3/2020.
Cụ thể là: Nghiên cứu bộ tài liệu về xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị người mắc bệnh covid (tên đầy đủ là người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch); Nghiên cứu để ban hành cơ chế hướng dẫn về quy trình thủ tục đầu tư. Khi có tình huống khẩn cấp, thì quy trình đầu tư được thực hiện như thế nào, để đảm bảo nhanh gọn mà vẫn tuân thủ đúng quy định pháp luật. Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường được Bộ Xây dựng giao cho làm cơ quan đầu mối để thực hiện việc này.
Khi Covid -19 xảy ra từ đầu năm nay, đặc biệt là tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, liên quan đến Kiên Giang và các tỉnh giáp biên giới Campuchia. Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường đã tham gia đoàn công tác của Bộ Xây dựng đi kiểm tra thực tiễn và thấy rằng, các địa phương đã áp dụng rất tốt thiết kế được ban hành. Đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Khoa học và Công nghệ Môi trường nhận thấy, địa phương đã bám sát vào các tài liệu hướng dẫn của Bộ như: Triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến trên cơ sở tận dụng các công trình sẵn có. Đáp ứng được các khu để điều trị cho bệnh nhân và giãn cách cho các F1; Khi cần phải xây dựng bổ sung thêm các công trình mới đáp ứng nhu cầu lớn, thì có thể áp dụng ngay tài liệu kỹ thuật phần 2 để xây dựng các bệnh viện dã chiến trên khu đất trống, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện xây dựng các bệnh viện kiểu này.
Theo dự kiến của Bộ Xây dựng thì mỗi công trình xây mới có tiến độ nhanh nhất từ 15 đến 20 ngày là hoàn thành. Qua tìm hiểu thực tế, với các điều kiện nhân lực và vật lực như của Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đáp ứng được tiến độ đó.
Ông Vũ Ngọc Anh cho biết thêm: Khi thành lập Tổ công tác đặc biệt này, Vụ Khoa học và Công nghệ Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện hướng dẫn các địa phương thực hiện bệnh viện dã chiến theo yêu cầu, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới, để chuẩn bị tất cả các phương án, có đủ các khu điều trị, giường bệnh, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho các bệnh nhân, không gian để cách ly các ca F1.
Theo Bộ Xây dựng, tài liệu “Hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch” được xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ tại Thông báo số 142/TB-VPCP tháng 4/2020 về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp dịch Covid-19. Tài liệu do Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC) phối hợp với Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAR), Viện khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) biên soạn, dùng để hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, tài liệu có thể tham khảo áp dụng cho các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Tài liệu hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến gồm hai phần, trong đó, phần I, áp dụng khi tận dụng, cải tạo các công trình có sẵn; phần II, áp dụng khi xây mới trên nền đất trống. Tài liệu đưa ra các hướng dẫn mang tính phổ quát, dây chuyền mang tính nguyên tắc. Căn cứ thực tế tại địa phương và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, các đơn vị thực hiện khi triển khai chi tiết có thể áp dụng toàn bộ hoặc một phần tài liệu hướng dẫn. Đối tượng áp dụng là bệnh viện dã chiến điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch tuyến trung ương và tuyển tỉnh, không áp dụng cho lều bạt và tận dụng các bệnh viện đã có. |
Bài: Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Xây dựng triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Khánh Hòa – Thảo Phương
Theo