Thứ bảy 27/04/2024 12:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tiền thuê trọ cho NLĐ: Hỗ trợ 50.000-100.000 đồng/tháng cũng đã là đáng quý

14:58 | 07/01/2022

Nhiều công nhân lao động chưa nắm được thông tin về đề nghị của Chính phủ gửi Quốc hội sử dụng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. Thế nhưng, họ đều cho rằng, nếu chính sách này được triển khai sẽ giúp công nhân đỡ phần nào khó khăn, mang lại thêm động lực cho họ trong bối cảnh bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh.

tien thue tro cho nld ho tro 50000 100000 dongthang cung da la dang quy
Khu nhà trọ công nhân tại xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Công nhân mong mỏi

Anh Phan Văn Nhanh (quê ở Thái Bình) cùng vợ và con đang thuê trọ tại thôn Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một phòng trọ trong dãy gồm 7 phòng, giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng. “Mùa đông, không phải dùng điều hoà thì tổng cộng tiền thuê nhà, tiền điện nước là khoảng 2 triệu đồng/tháng. Số tiền này vào mùa hè sẽ cao hơn vì lượng điện tiêu thụ nhiều hơn” - anh Nhanh cho hay.

Tiền nhà, tiền điện, nước chiếm tỉ lệ đáng kể trong thu nhập của vợ chồng anh Nhanh. Cả hai đều làm công nhân trong công ty tư nhân. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 công ty nơi anh chị theo làm đều ít việc. Anh Nhanh được khoảng 7 triệu đồng/tháng; còn vợ anh được 5 triệu đồng/tháng. “Ngoài tiền thuê nhà, vợ chồng tôi còn phải chi nhiều khoản khác: Tiền gửi con, mua sữa, bỉm cho con, tiền ăn uống, sinh hoạt… Tính ra làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không dành dụm được đồng nào” - anh Nhanh than thở.

Anh Nhanh cho biết, anh chưa nắm được thông tin Chính phủ đề nghị Quốc hội sử dụng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. “Nếu chính sách hỗ trợ hỗ trợ này sớm được triển khai sẽ mang lại niềm vui rất lớn cho những công nhân thuê trọ như vợ chồng tôi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập” - anh Nhanh nói và cho hay, đối với công nhân, được hỗ trợ 50.000-100.000 đồng/tháng cũng đã là đáng quý. “Được hỗ trợ sẽ giúp công nhân lao động bớt đi phần nào khó khăn, hơn nữa, tạo động lực để công nhân nỗ lực hơn trong lao động sản xuất, yên tâm làm việc” - anh Nhanh nói.

Còn tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, nơi ở của nhiều công nhân đang làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) thường là những dãy phòng cấp bốn, được lợp bằng tấm lợp fibro ximăng, lụp xụp và tuềnh toàng. Nhiều phòng trọ chỉ có diện tích khoảng 9-10m2. Với không gian nhỏ hẹp như vậy, cuộc sống rất bí bách. Nếu công nhân sống một mình, thì 1 phòng trọ là đủ, nhưng nếu sinh con, rồi ông, bà lên trông cháu thì nhiều công nhân buộc phải thuê phòng khác rộng rãi hơn hoặc thuê thêm một phòng trọ mới.

Anh Nông Văn H. (thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đang phải thuê 2 căn phòng trọ sát nhau, mỗi căn chỉ tầm 7-8m2. Trước đây, khi còn độc thân, anh chỉ thuê một phòng trọ, nhưng từ khi lấy vợ, có 2 con con, rồi bà ngoại lên trông cháu, anh phải chăm chút hơn nơi trọ, đồng thời phải thuê thêm một phòng nữa. Một tháng, tiền thuê trọ, tiền điện nước của cả 2 phòng tiêu tốn hết 2 triệu đồng.

Anh H. cho biết, hiện thu nhập của cả 2 vợ chồng được khoảng 14-15 triệu đồng/tháng. Hằng tháng, cùng với 2 triệu tiền thuê nhà, điện nước, vợ chồng anh H. phải tiêu khoảng 8 triệu đồng nuôi con, mua thực phẩm, đó là chưa kể các khoản chi phát sinh khác. Anh H. cho rằng, nếu được hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ là một sự động viên rất lớn đối với công nhân lao động, giúp họ có động lực vượt qua khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19.

Cần chiến lược hỗ trợ tổng thể cho người lao động

Trao đổi về đề nghị của Chính phủ gửi Quốc hội sử dụng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho hay: “Quốc hội bàn về hỗ trợ cho người lao động là rất tốt. Việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động là vấn đề trước mắt. Vấn đề căn cơ phải có chiến lược tổng thể từ thuê nhà trọ, nhà ở, thiết chế văn hoá-xã hội...”.

Những địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… vốn thu hút nhiều lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Song thực tế cho thấy những chính sách an sinh như nhà ở, thiết chế văn hoá, xã hội, nhà mẫu giáo… cho người lao động ngoại tỉnh và con em họ chưa được triển khai tốt. Vì vậy, họ vẫn mãi là ngụ cư, đến để kiếm nguồn thu nhập và không xác định ở đây lâu dài. Cho nên, khi dịch bệnh tác động, người lao động không chịu được phải về quê. Mặc dù, họ chưa thể biết về quê sẽ ra sao, song với họ, trong lúc này về quê vẫn là tốt nhất.

Vì vậy, ông Huân cho rằng, Nhà nước có các chính sách an sinh, tài khóa, tín dụng dành cho người lao động. Đặc biệt, các địa phương phải ban hành chính sách dành đất khu công nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa xã hội, nhà mẫu giáo, quy hoạch trường học, kết nối giao thông với khu dân cư… để người lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc.

Ông Đinh Ngọc Quý - Uỷ viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh về việc ổn định thị trường lao động lâu dài, bên cạnh việc làm bền vững, họ còn cần được hỗ trợ về nhà ở. Về giáo dục, cần có nơi cho con cái học học hành ổn định. Đặc biệt, các khu công nghiệp cần thiết có những hỗ trợ nhà ở xã hội để người lao động có thể ổn định, yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.

Theo Thư Hân/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

  • Hà Tĩnh: Công đoàn ngành Giao thông - Xây dựng tổ chức lễ phát động Tháng công nhân và an toàn vệ sinh lao động năm 2024

    (Xây dựng) - Công đoàn ngành Giao thông - Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024, đồng thời tôn vinh các công nhân lao động tiêu biểu.

  • Công đoàn cơ quan Bộ Xây dựng tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Công đoàn Cơ quan Bộ Xây dựng đã tổ chức tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cho các cán bộ Công đoàn thuộc Công đoàn cơ quan Bộ Xây dựng. Đến dự có các đồng chí: Đỗ Văn Quảng - Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam; Diệp Thị Thu Huyền - Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ Xây dựng và đại diện các Ban của Công đoàn Xây dựng Việt Nam, cán bộ Công đoàn Cơ quan Bộ Xây dựng, các Công đoàn cơ sở và Trưởng Ban thanh tra nhân dân các đơn vị trực thuộc.

  • Tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động

    (Xây dựng) - Thực hiện Hướng dẫn số 191/HD-CĐXD ngày 17/4/2024 của Công đoàn Xây dựng Việt Nam về tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động”, Công đoàn Cơ quan Bộ Xây dựng đã triển khai đến Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở vận động đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) của cơ quan, đơn vị hưởng ứng, tham gia dự thi.

  • Hà Nội: Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động

    (Xây dựng) - Ngày 19/4, Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024 của Thành phố Hà Nội được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô với sự tham gia của 1.000 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).

  • Hà Nội: Nhiều hoạt động được tổ chức trước, trong và sau Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024

    (Xây dựng) - Thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 06/3/2024 của UBND Thành phố về việc tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân Thành phố Hà Nội năm 2024, có nhiều hoạt động được tổ chức trước, trong và sau Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load