Thứ ba 31/12/2024 00:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cần làm gì để an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hẹp tại công trình xây dựng

19:22 | 15/11/2024

(Xây dựng) – Sáng 15/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trình xây dựng”. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra các ý kiến cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về an toàn vệ sinh lao động (ATLĐ) tại công trường để tất cả lao động vào công trường đều biết và tuân thủ thực hiện nghiêm.

Cần làm gì để an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hẹp tại công trình xây dựng
TS. Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phát biểu khai mạc tại Hội thảo.

Công tác quản lý an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết: Những năm qua Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATLĐ trong ngành Xây dựng. Các quy định này được thể hiện chi tiết trong hệ thống các văn bản pháp luật từ khâu thiết kế đến công tác tổ chức, giám sát thi công và quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; chính sách về ATLĐ được xây dựng, ban hành theo hướng chủ động phòng ngừa là chính; đồng thời ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến ATLĐ và phòng chống cháy, nổ trong xây dựng.

Theo TS. Ngô Lâm, để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, tối thiểu cho hàng triệu người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành Xây dựng (ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động), Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, xây dựng danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực xây dựng từ giai đoạn 1995-2020; phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để xây dựng, trình ban hành 02 Thông tư ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Thông tư 11/2020 và Thông tư 19/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong đó tăng 43 nghề, công việc trong lĩnh vực xây dựng so với giai đoạn năm 1995 - 2020.

Ngoài ra, hàng năm Bộ Xây dựng cũng ban hành các Văn bản, Chỉ thị, Hướng dẫn tăng cường công tác quản lý ATLĐ trong ngành Xây dựng. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, các Sở Xây dựng và các Sở, ngành quản lý công trình xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể hoạt động xây dựng tuân thủ các quy định về ATLĐ, tổ chức Tháng hành động về ATLĐ trong lĩnh vực xây dựng; tăng cường các biện pháp đảm bảo về ATLĐ và tuyên truyền các tài liệu về ATLĐ cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

Cần làm gì để an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hẹp tại công trình xây dựng
Toàn cảnh Hội thảo.

Nhờ đó mà tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng đã giảm dần, nhưng tỷ lệ gây thiệt hại về người vẫn còn ở mức cao so với các ngành nghề khác. Ngoài nguyên nhân chủ quan như: Công tác quản lý ATLĐ trong ngành Xây dựng chưa được quan tâm đúng mức ở một số địa phương và các chủ thể hoạt động xây dựng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATLĐ còn hạn chế về số lượng, tần suất; công tác xử lý các hành vi vi phạm quy định về ATLĐ chưa nghiêm túc, chưa triệt để, mức xử lý vi phạm còn ở mức thấp... Thì có nguyên khách quan như: Hoạt động thi công xây dựng là hoạt động không theo quy trình nhất định, rất đa dạng, điều kiện về không gian, địa hình luôn thay đổi; quá trình thi công xây dựng được chia thành nhiều giai đoạn, do nhiều chủ thể khác nhau thực hiện; nguồn nhân lực lao động ngành Xây dựng phổ biến là lao động nông nhàn, thời vụ, một số chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác ATLĐ… Những đặc thù này của ngành Xây dựng làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro gây mất ATLĐ.

Hướng dẫn kỹ thuật an toàn lao động chuyên sâu

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 18:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng, trong đó quy định việc thực hiện đảm bảo an toàn đối với làm việc trên cao và làm việc trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng.

Mặt khác, theo thống kê, các tai nạn lao động chủ yếu tập trung vào các nhóm công việc liên quan đến: Làm việc trên cao, làm việc trong không gian hạn chế, sử dụng giàn giáo và sử dụng máy, thiết bị thi công.

Trên thế giới, các nước phát triển đều có các tài liệu kỹ thuật chuyên sâu, hướng dẫn chi tiết, cụ thể một số công việc xây dựng có nguy cơ mất an toàn cao. Vì vậy, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Dự thảo các hướng dẫn dưới dạng chỉ dẫn kỹ thuật chuyên sâu là rất cần thiết để áp dụng trong thực tế và để cụ thể hóa các nội dung có liên quan quy định trong Quy chuẩn về An toàn trong thi công xây dựng.

Cần làm gì để an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hẹp tại công trình xây dựng
Các đại biểu góp ý trong đánh giá mối nguy hiểm cần làm kỹ hơn nữa, không những đo nồng độ oxy mà còn đo khí độc khác hay nguy cơ khác.

Để những hướng dẫn này đi vào thực tế, áp dụng có hiệu quả góp phần hỗ trợ cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng quản lý, kiểm tra, tổ chức thực hiện công tác ATLĐ. Cơ quan soạn thảo của Bộ Xây dựng mong muốn nhận được góp ý của các đại biểu tại “Hội thảo về Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng”.

Ông Ngô Trung Quân, đại diện Công ty Liên doanh VSIP đánh giá: Công tác an toàn không chỉ đơn giản là an toàn cho tất cả mọi người mà nên có người liên quan chứ không riêng gì quản lý an toàn. Cấp phép an toàn không thể đi xác nhận hàng ngày về an toàn mà phải do kiểm tra và giám sát công trường. Ông Ngô Trung Quân góp ý nên có mục phổ biến triển khai an toàn lao động vì chưa đồng bộ về vai trò của người liên quan. Người giám sát phải tham gia và xác nhận trực tiếp.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn băn khoăn về chi phí chủ đầu tư không chịu bỏ ra. Tuy nhiên trong các quy định thì có chi phí cho an toàn nhưng do chi phí này nằm lẫn trong các mục khác, đặc biệt là trong chi phí quản lý đầu tư xây dựng mà không bóc tách riêng.

Nhiều đại biểu cho rằng, về ANLĐ tối thiểu các doanh nghiệp phải làm theo Quy chuẩn nhưng nên khuyến khích làm cao hơn Quy chuẩn. Bổ sung thêm chính sách tham vấn công khai thông tin tuyên truyền tại công trình xây dựng.

Đối tượng huấn luyện cần chia 3 nhóm để đồng bộ logic với chủ thể như: Nhóm quản lý, nhóm giám sát, nhóm ra vào công trường. Để phù hợp với các chủ thể đối tượng nên phân loại thì tốt hơn. Trong các không gian an toàn cần quy định vị trí tại nơi đang làm việc... nhằm đẩy mạnh nhận thức công tác quản lý an toàn được thiết thực đầy đủ và đúng quy định.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load