(Xây dựng) – Đó là chủ đề của cuộc hội thảo do Công đoàn Xây dựng Việt Nam tổ chức vừa qua, với sự tham dự của ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN); các Phó Chủ tịch CĐXDVN: Đỗ Văn Quảng, Đặng Ngọc Điệp, Nguyễn Ngọc Huyền; cùng các Trưởng ban, Chánh Văn phòng CĐXDVN; đại diện Công đoàn, phòng Tổ chức (nhân sự) các Tổng công ty: Vinaconex, Hà Nội, Coma, Sông Đà, Viglacera; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn các trường đào tạo trong Ngành Xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch CĐXDVN phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch CĐXDVN đánh giá: “Trong thời gian qua, công tác đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề xây dựng đã đạt được rất nhiều kết quả, được Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành, cơ quan, địa phương và CĐXDVN ghi nhận. Góp phần không nhỏ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, việc sắp xếp chuyển giao, thay đổi cơ chế, nhất là cơ chế tự chủ đòi hỏi các trường cần phải có những thay đổi để thích ứng, tồn tại và phát triển. Đồng thời đặt ra nhiệm vụ với các cấp công đoàn cần đổi mới hoạt động, gắn kết với chuyên môn, gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, nâng chất lượng đào tạo. Mục tiêu là tạo việc làm, thu nhập và phúc lợi ổn định lâu dài, bền vững cho cán bộ, viên chức, đoàn viên, người lao động”.
CĐXDVN tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Đổi mới hoạt động công đoàn, kết nối đào tạo, giải quyết việc làm trong tình hình mới” với mục đích để các trường và một số Tổng công ty trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên cũng như hoạt động công đoàn khối trường trong bối cảnh hiện nay; tình hình tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là lao động từ các trường đào tạo trong ngành; nhu cầu đào tạo; nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là lao động được đào tạo từ các trường trong ngành; yêu cầu về chất lượng lao động khi tuyển dụng vào làm việc của doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyển sinh; công tác nâng cao chất lượng đào tạo; giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; Công đoàn cơ sở đổi mới hoạt động, tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường; chăm lo đời sống, thực hiện chế độ chính sách. Chia sẻ thông tin về nhu cầu lao động; công tác tuyển dụng, sử dụng, chế độ đãi ngộ và yêu cầu của đơn vị về chất lượng lao động là học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường; các kiến nghị, góp ý của đơn vị đối với các trường đào tạo trong Ngành.
Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Kiến trúc Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: Hiện nay, do nhiều trường tự chủ về tài chính nên đã chủ động và có rất nhiều chính sách thu hút học sinh sinh viên theo học. Các trường cũng tổ chức đa dạng ngành nghề đào tạo hơn nên cũng gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của nhà trường. Để nâng cao công tác tuyển sinh, đào tạo, trong thời qua, trường tiếp tục đổi mới đào tạo, chuyển đổi chuyên môn giáo viên; mở rộng đào tạo, hợp tác quốc tế; tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế cho sinh viên tiếp cận thực tế; phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương, dự án đưa sinh viên đi học tập thực tế; dạy nghề theo đơn đặt hàng...
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Phát triển nhân lực Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về nhân sự của Vinaconex trong thời gian tới tương đối lớn với gần 1.000 vị trí cần tuyển dụng. Nhìn chung, trong thời gian qua, các trường trong ngành cơ bản đáp ứng về đào tạo chuyên môn cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: học sinh, sinh viên khi ra trường còn yếu về ngoại ngữ nhất là ngoại ngữ chuyên ngành; thời gian học thực hành còn ít so với lý thuyết; thời gian học còn dài và cần linh động hơn”.
Ông Nguyễn Quốc Huy kiến nghị các trường trong thời gian tới cần tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, đón đầu nhu cầu việc làm để đổi mới đào tạo, tổ chức các lớp vừa đúng vừa trúng với nhu cầu việc làm, ngành nghề, các dự án lớn của đất nước trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quý Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ CĐXDVN, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Viglacera nhận định: “Hội thảo là sáng kiến thiết thực, ý nghĩa của CĐXDVN. Đây là dịp để các đơn vị khối trường và các doanh nghiệp trong ngành chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng, cách làm hay. Hội thảo đã bàn luận về các vấn đề rất cấp bách trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường lao động hiện nay, đặc biệt trong ngành Xây dựng. Việc kết nối giữa hoạt động công đoàn, đào tạo và giải quyết việc làm được xem là giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong ngành. Tổng Công ty Viglacera hiện này có trường cao đẳng chuyên dạy nghề phục vụ nội bộ tuy nhiên không thể bao phủ hết các ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng rất lớn nên việc kết nối với các trường đào tạo trong ngành để tuyển dụng là hết sức cần thiết”.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch CĐXDVN Nguyễn Thanh Tùng khẳng định: Hội thảo đã mang đến những thông tin hữu ích, những kinh nghiệm quý báu và những đề xuất cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tạo cầu nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Những kết quả từ hội thảo này sẽ là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển ngành Xây dựng trong thời gian tới, đạt được những thành công mới, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, thông qua Hội thảo, CĐXDVN sẽ tổng hợp, nghiên cứu và có chỉ đạo điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới trong các cấp công đoàn trong ngành.
Chủ tịch CĐXDVN Nguyễn Thanh Tùng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau để hoàn thiện các mô hình đào tạo, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Các cấp công đoàn cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của công đoàn trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; chăm lo đời sống, thực hiện chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động. Bằng việc đổi mới phương thức hoạt động, kết hợp với các chính sách đào tạo sát thực tế sẽ không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng trong tương lai.
Lê Mỹ
Theo