Thứ sáu 26/04/2024 10:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thường Xuân (Thanh Hóa): 53 hộ dân “sống mòn” tại khu định cư trái phép

14:15 | 08/03/2023

(Xây dựng) - Huyện Thường Xuân đã lên kế hoạch thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa (2021-2025) nhằm sắp xếp, tái định cư tập trung cho 53 hộ dân đang phải sống tạm bợ trong khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Cửa Đạt.

Thường Xuân (Thanh Hóa): 53 hộ dân “sống mòn” tại khu định cư trái phép
53 hộ dân đang phải sống tạm bợ trong khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Cửa Đạt, huyện Thường Xuân.

Trên địa bàn huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) hiện có 630 hộ dân sinh sống ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn 8 xã. Trong đó có 121 hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao và 509 hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lỡ đất cần sớm được bố trí tái định cư.

Trong số đó, 53 hộ dân đang cư trú tại thôn Lửa, xã Yên Nhân, nằm trọn trong khu vực thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân. Cuộc sống không điện, không nước sạch, nguy cơ nhiễm các loại dịch bệnh rất cao.

Theo tìm hiểu, năm 2004, huyện Thường Xuân phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án di dân sống ven lòng hồ thủy điện Cửa Đạt. Khi triển khai dự án, các hộ này được cấp kinh phí tìm nơi định cư mới, một số hộ nhận kinh phí đền bù nhưng do quá ít nên không đủ để mua được đất ở mới. Do không có tư liệu sản xuất, sinh kế ổn định nên các hộ nhanh chóng tái nghèo và buộc phải ở lại với khu vực ven hồ thủy điện Cửa Đạt.

Thường Xuân (Thanh Hóa): 53 hộ dân “sống mòn” tại khu định cư trái phép
53 hộ dân đang cư trú tại thôn Lửa, xã Yên Nhân, nằm trọn trong khu vực thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân.

Ông Vi Hồng Phong, thôn Lửa, xã Yên Nhân cho hay: “Cuộc sống khó khăn lắm. Có ai muốn mạo hiểm ở khu vực ngập nước này đâu, chỉ là chúng tôi bây giờ không biết đi đâu để sống. Cả nhà tôi trước được dự án hỗ trợ 60 triệu đồng nhưng không đủ mua nhà mới. Mọi người cứ di chuyển hết chỗ này tới chỗ khác để mưu sinh, giờ thì tụ họp lại tại đây để trồng, bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, thu hái lâm sản sống qua ngày. Chúng tôi mong chính quyền sớm hỗ trợ chúng tôi đến nơi tái định cư mới để ổn định cuộc sống”.

Thông tin về việc này, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân Lê Hoàng Cường cho biết: Quá trình di dân tái định cư có nhiều bất cập, người dân vẫn quen với nếp sống cũ nên chưa thích nghi được nơi ở mới. Những hộ dân này thiếu đất ở và đất sản xuất nên họ cư trú trái phép tại khu đất nằm dọc Quốc lộ 47. Khu đất mà các hộ dân đang sinh sống cứ vào mùa mưa nước lại dâng lên, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa chiêm xuân. Các hộ dân này đã sống ở đây nhiều năm, không có điện, trường học nằm ở khá xa so với trung tâm xã nên bất tiện cho trẻ em đi học.

Thường Xuân (Thanh Hóa): 53 hộ dân “sống mòn” tại khu định cư trái phép
Cuộc sống không điện, không nước sạch, nguy cơ nhiễm các loại dịch bệnh rất cao.

Do ở bất hợp pháp nên tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, khó khăn trong quản lý, xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhưng do đang thiếu quỹ đất nên không thể bố trí được. Một số nơi đủ điều kiện cấp nhưng manh mún, không thể sản xuất được. Để giúp các hộ dân có chỗ ở ổn định, huyện đã lên kế hoạch thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa (2021-2025) nhằm sắp xếp, tái định cư tập trung cho 53 hộ này tại khu Băng Lươm thuộc thôn Lửa, xã Yên Nhân. Đối với hộ ở nhà sàn, nhà không kiên cố hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ, đối với nhà cấp 4, nhà mái bằng được hỗ trợ 75 triệu đồng/hộ... Tuy nhiên, đến nay do thủ tục mất nhiều thời gian nên chưa thể triển khai được.

Được biết, Thường Xuân là huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, độ dốc cao, đất canh tác nông nghiệp ít, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng lớn tới người dân. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ, kích cầu chưa hợp lý, đồng bộ trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp do vậy chưa tạo ra sự đột phá trong thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Công tác xây dựng, rà soát bổ sung quy hoạch, lập dự án đầu tư bố trí dân cư đã được các địa phương trong huyện quan tâm nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn khó khăn do thiếu vốn.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load