Chủ nhật 02/02/2025 05:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thừa Thiên - Huế: Nguyên nhân khiến Đập Đá bong tróc lớp nhựa bề mặt?

14:59 | 11/11/2017

(Xây dựng) - Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, phương án thi công Đập Đá nối giữa đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung (TP Huế) đã cân nhắc nên thi công bê tông xi măng, hoặc thảm nhựa. Tuy nhiên, phương án thi công thảm nhựa khi mưa lũ nước "ngâm" lâu ngày sẽ gây hư hỏng, nhưng khi phân tích các ưu, nhược điểm các đơn vị chuyên môn đã thống nhất chọn phương án thảm nhựa để tạo thẩm mỹ cho tuyến đường du lịch và mỹ quan đô thị.


Lớp nhựa đã bị bong tróc sau lũ.

Dự án đầu tư cải tạo công trình Đập Đá nối giữa đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung, với tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng, giao Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 207,3m, xây dựng cống ngầm 5 khoang, dài 11,25m; cải tạo sửa chữa và mở rộng mặt đập phía hạ lưu, mở rộng thêm 2,5m để tạo chiều rộng mặt đường qua đập lên 10,5m; xử lý tường kè và nạo vét đất bãi bồi phía thượng lưu đập; gia cố vai phải hạ lưu đập, chỉnh trang lại các đoạn đường nối hai bên đập và một số hạng mục phụ như đường điện, hệ thống chiếu sáng… Mục đích của công trình nhằm chặn dòng sông Như Ý (một nhánh của sông Hương) để ngăn mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các TX Hương Thủy, huyện Phú Vang và làm đường giao thông trên tuyến TP Huế đi Thuận An. Công trình đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng, vận hành phát huy hiệu quả, ổn định và an toàn trong các đợt lũ năm 2015 và 2016.

Đợt lũ từ ngày 5 - 8/11, đã làm Đập Đá bị bong tróc nhiều mảng nhựa ở bề mặt khiến nhiều người lo ngại về chất lượng công trình. Tuy nhiên, theo đại diện Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế Chủ đầu tư dự án cho biết, ngay khi nước rút, chủ đầu tư, đơn vị Tư vấn thiết kế, các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia tiến hành kiểm tra cho thấy, kết cấu chính của công trình vẫn an toàn, không ảnh hưởng đến tính ổn định, kết cấu chịu lực chính của Đập. Riêng phần mặt đường bê tông nhựa xảy ra hiện tượng bị bong tróc tại một số điểm cục bộ, với tổng diện tích khoảng 150m², ước tính thiệt hại khoảng 90 triệu đồng.

Theo chủ đầu tư dự án, đợt lũ từ ngày 5 - 8/11, xấp xỉ với đỉnh lũ lịch sử năm 1999, lưu lượng xả về sông Hương lớn có thời điểm đạt 4.374m³/s. Lưu tốc tràn qua đập lớn khoảng 8m³/s và độ chênh mực nước giữa thượng và hạ lưu đập cao, cột nước cao nhất tràn qua đập H = 2,0 ÷ 2,2m. Kết hợp lực xô ngang ảnh hưởng đến phần bê tông nhựa mặt đường, làm giảm sự kết dính giữa các lớp bê tông nhựa mặt đường cũ và mới, đồng thời khả năng chống chịu trong môi trường nước, nên xảy ra hiện tượng bong tróc một số vị trí.

Đại diện Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế giải thích, dự án triển khai chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và các cơ quan chuyên môn đã nhiều lần họp bàn lấy ý kiến nên sử dụng kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng hoặc bê tông nhựa.

Phương án mặt đường bằng bê tông xi măng sẽ chịu được lực xô ngang. Khả năng chống chịu trong môi trường nước tốt. Tuy nhiên, không êm thuận cho các phương tiện tham gia giao thông, bởi các khe co giãn và bề mặt cứng... Không phù hợp về thẩm mỹ, cảnh quan với khu vực, đặc biệt là kết nối đập với đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung.

Với phương án mặt đường bằng bê tông nhựa sẽ tạo sự êm thuận trong quá trình tham gia giao thông. Tạo thẩm mỹ, cảnh quan khu vực, nhất là kết nối cùng loại mặt đường nhựa ở đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung. Tận dụng được mặt đường cũ, phù hợp với cao trình mặt đập. Giá thành thấp hơn so với bê tông xi măng. Tuy nhiên, khả năng chống chịu trong môi trường nước hạn chế so với bê tông xi măng, đặc biệt khi ngập nước dài ngày.


Chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công thảm lại mặt đường.

Từ những phân tích các ưu, nhược điểm nêu trên, với kết cấu mặt đường cũ của đập bằng bê tông nhựa và đặc điểm công trình cần phải thi công trong thời gian 4 tháng phải đảm bảo hoàn thành vượt lũ, kịp thời phục vụ giao thông đi lại, nên các đơn vị đã thống nhất lựa chọn giải pháp kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa.

Ông Văn Viết Thành - Giám đốc Cty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế, nhà thầu chính cho biết: Mưa lũ vừa qua đã làm Đập Đá bị bong tróc nhiều mảng nhựa ở bề mặt. Hạng mục thảm mặt đường Đập Đá chỉ có trị giá 950 triệu, trong tổng giá trị công trình là 19 tỷ đồng. Nhà thầu Cty CP Quản lý Đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên - Huế thi công gói thảm nhựa. Cuối năm 2015, đơn vị đã tận dụng nền đường cũ, tưới dính bám rồi thảm 2 lớp, lớp đầu 7cm, lớp sau 5cm. Toàn bộ phần mặt đường Đập Đá là 1.200m². Đường thảm nhựa "ngâm" nước lũ rất dễ xảy ra bong tróc, hư hỏng.

 Công trình Đập Đá "ngâm" nước lâu ngày đã xảy ra bong tróc vài điểm cục bộ do tính kết dính không tốt là điều khó tránh khỏi. Đến nay, công trình đã hết thời hạn bảo hành, tuy nhiên đây là công trình trọng điểm của TP và tỉnh, với trách nhiệm, uy tín của các đơn vị, ngay sau khi nước rút đơn vị đã tiến hành khắc phục, sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông đi lại.

Theo chủ đầu tư, giải pháp lâu dài sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị tư vấn, chuyên gia nghiên cứu giải pháp mặt đường phù hợp và đảm bảo trong trường hợp mưa lũ lớn dài ngày.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load