Thứ sáu 29/03/2024 20:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thừa Thiên - Huế: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ nước thải tại nhà máy nước Lộc An

12:06 | 04/01/2020

(Xây dựng) - Liên quan đến thông tin Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế tận dụng khu đất quy hoạch xây dựng Nhà máy nước Lộc An (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) để đầu tư khu trồng dưa lưới công nghệ cao, thải ra lượng nước thải gây ô nhiễm môi trường. Ông Hồ Đắc Sự - Chủ tịch UBND xã Lộc An khẳng định: Chưa phát hiện bất thường nào về môi trường quanh Nhà máy nước Lộc An trong thời gian gần đây và người dân vẫn chưa có kiến nghị gì với địa phương cả.

thua thien hue kiem tra giam sat chat che nuoc thai tai nha may nuoc loc an
Bể lắng phục vụ công tác lắng bùn sau khi xử lý, nước sau khi lắng sẽ tiếp tục được thu lại phục vụ quá trình sản xuất.

Trước thông tin trên, phóng viên đã tiếp cận Nhà máy nước Lộc An (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) bao quanh nhà máy được đầu tư một hệ thống mương nước dẫn dọc, hệ thống ống thu gom nước mưa từ nhà màng sản xuất nông nghiệp chảy ra hệ thống mương nước. Tại khu vực nhà máy, còn có một bể lắng phục vụ công tác lắng bùn sau khi xử lý, nước sau khi lắng sẽ tiếp tục được thu lại phục vụ quá trình sản xuất nước.

Tại khu vực quanh Nhà máy nước Lộc An hiện có khoảng 6 hộ dân đang sinh sống, còn lại đều cách xa nhà máy. Các hộ dân sống cận Nhà máy nước Lộc An cho biết, chưa phát hiện bất thường nào về môi trường phát ra từ nhà máy nước.

Trao đổi với ông Hồ Đắc Sự - Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết: “Khi có thông tin nước thải ra từ khu vực Nhà máy nước Lộc An gây ô nhiễm môi trường, địa phương đã cho kiểm tra nhưng chưa phát hiện bất thường về ô nhiễm môi trường. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, UBND xã vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy. UBND xã sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát liên tục không để ảnh hưởng đến người dân”.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế, phụ trách Nhà máy nước Lộc An cho rằng: “Nguyên vật liệu đầu vào như giá thể, dưỡng chất được bảo quản, lưu giữ tại kho theo quy định. Các dưỡng chất châm cây chỉ vừa đủ cho cây, nếu dư sẽ được các máng thu lại cho vào bồn và tái sử dụng, không thoát ra ngoài. Các phế phẩm đầu ra như giá thể, thân cây dưa được xử lý tái sử dụng hoặc xay làm phân bón. Lượng nước thải ra ngoài môi trường như phản ánh của báo chí gần đây, chủ yếu từ hệ thống thu gom nước mưa của hệ thống nhà màng. Chất lượng các nguồn nước thải được giám sát liên tục, kết quả kiểm tra mới đây của công ty khẳng định chất lượng nước thải vẫn ổn định, không gây ô nhiễm”.

Theo ông Dương Quý Dương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế: “Theo quy hoạch cấp nước tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Nhà máy nước Lộc An có công suất thiết kế ban đầu 8.000m3/ngày đêm sẽ được nâng lên 30.000 m3/ngày đêm vào năm 2020. Năm 2018, Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế đã cải tạo, ứng dụng công nghệ lắng lọc nâng công suất xử lý của nhà máy đạt 12.000m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước sạch cho phạm vi hưởng lợi đến năm 2027. Khi khu vực này có nhu cầu dùng nước tăng đột biến sẽ lắp bể DAF cơ động 3.000m3/ngày đêm để nâng công suất Nhà máy nước Lộc An lên 15.000m3/ngày đêm. Giai đoạn 2025-2030, Công ty cũng đã nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp công suất của Nhà máy nước Lộc An lên 30.000m3/ngày đêm theo quy hoạch cấp nước được phê duyệt”.

thua thien hue kiem tra giam sat chat che nuoc thai tai nha may nuoc loc an
Hệ thống ống thu gom nước mưa từ nhà màng sản xuất nông nghiệp, chảy ra hệ thống mương nước.

Tuy nhiên, khu vực hưởng lợi từ Nhà máy nước Lộc An có tốc độ tăng nhu cầu sử dụng nước chậm hơn so với dự báo nhu cầu sử dụng nước sạch tại quy hoạch cấp nước. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng kịp thời nhu cầu dùng nước trên địa bàn, Công ty tận dụng có hiệu quả phần diện tích chưa sử dụng trồng sản phẩm nông nghiệp sạch.

Dự án đầu tư trồng sản phẩm nông nghiệp sạch thuộc phạm vi Nhà máy nước Lộc An được UBND tỉnh thống nhất chủ trương thực hiện với yêu cầu việc triển khai nghiên cứu, thực hiện dự án phải đảm bảo quy hoạch cấp nước. Khi có nhu cầu triển khai, phát triển các dự án cung cấp nước sạch, chủ đầu tư phải di dời và không được đền bù tài sản trên đất.

Trên cơ sở thống nhất chủ trương của UBND tỉnh, năm 2019, Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế đã đầu tư xây dựng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trên diện tích 2.000m2 tại khu đất của Nhà máy nước Lộc An. Đến nay, diện tích này được mở rộng khoảng 18.000m2. Hệ thống nhà lưới được làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực, móng trụ và nhà được lắp ghép cơ động, có thể tháo di chuyển nhanh.

Ông Dương Quý Dương cho biết, việc tận dụng quỹ đất quy hoạch cho Nhà máy nước Lộc An để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 15-20 lao động và 5-10 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 3,5–4,5 triệu đồng/tháng. Dự án có thời gian hoàn vốn chưa đến 5 năm và các chỉ số tài chính rất tốt: Giá trị hiện tại ròng 8,88 tỷ đồng và tỷ suất hoàn vốn nội bộ 18,66% lớn hơn lãi suất ngân hàng (6,5%). Đây là một phần nguồn vốn để Công ty phục vụ tái đầu tư hệ thống cấp nước và nâng công suất nhà máy về sau.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án khi chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan. Phía công ty đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cần thiết để sớm điều chỉnh quy hoạch cấp nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Công ty rất mong được các cơ quan ban ngành liên quan tạo điều kiện, sớm hoàn tất các thủ tục liên quan, mở ra triển vọng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thanh Ngân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load