Thứ sáu 26/04/2024 09:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thị trường bất động sản hậu Covid-19: Đang điều chỉnh mạnh, gỡ nhiều nút thắt

16:30 | 16/07/2020

(Xây dựng) - Hậu Covid-19, thị trường bất động sản Việt Nam đang có sự điều chỉnh mạnh mẽ, từ cơ chế chính sách đến thị trường cung - cầu… Sự điều chỉnh đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng cần triệt để hơn nữa khi giải quyết các nút thắt.

thi truong bat dong san hau covid 19 dang dieu chinh manh go nhieu nut that
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng trong thời gian tới.

Theo PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Trong 5 mảng thị trường bất động sản liên quan đến các loại hình sử dụng đất khác nhau, đó là: Thị trường bất động sản công nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng; nông nghiệp; nhà ở và thị trường bất động sản tài sản – tài chính thì thị trường bất động sản công nghiệp là mảng bất động sản tốt nhất hiện nay. Dưới tác động của việc triển khai EVFTA, CPTPP, Nhà nước thông qua Luật Đầu tư mới; Luật Doanh nghiệp mới và Luật PPP, cùng với sự dịch chuyển nguồn vốn và doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, Việt Nam trở thành “đích nhắm” của nhiều doanh nghiệp lớn thế giới, tạo điều kiện bất động sản công nghiệp phát triển mạnh mẽ bấp chấp khó khăn kinh tế do đại dịch gây ra.

Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang phục hồi dần, nhất là khía cạnh cầu, bắt đầu từ tháng 6 và phục vụ nhóm khách nội địa. Dù chưa bị ảnh hưởng nặng nề bỏi đại dịch Covid-19 nhưng khía cạnh cung của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nhiều. Các chính sách cho condotel, officetel chưa có đột phá.

Thị trường bất động sản nông nghiệp chưa có cú hích đủ mạnh cả về cơ chế, chính sách, sản phẩm đầu ra hạn chế; Chính sách cho phép doanh nghiệp tiếp cận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các chủ hộ nhỏ chưa được triển khai. Tích sách tích tụ ruộng đất, hạn chế về hạn điền vẫn chưa có biến chuyển. Thị trường bất động sản nông nghiệp vẫn “loay hoay” tìm lối ra.

Thị trường bất động sản nhà ở đang trong quá trình điều chỉnh. Sau một thời gian phát triển, nguồn cung - cầu các phân khúc khác nhau bị “lệch sóng”. Nhà ở trung và cao cấp đang dư thừa (có khoảng 70-100 triệu m2 sàn) nhưng thiếu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Theo tính toán, nhu cầu của người dân đối với phân khúc nhà ở trung và cao cấp (có giá từ 25 triệu trở lên) hiện chiếm 20-30% tùy địa phương, đô thị nhưng lại chiếm 70-80% thị trường. Cả nước hiện có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 168.700 căn hộ đang bị dừng thi công hoặc chậm tiến độ. Các nút thắt về thủ tục pháp lý liên quan đến dự án chưa được tháo gỡ triệt để. Chỉ có đất nền ven đô, nhà giá thấp và nhà ở xã hội là đang được quan tâm. Các cơ chế, chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội giá thấp cũng đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ ban hành. Dự kiến, thời gian tới, điểm lệch cung cầu của thị trường sẽ được tháo gỡ.

Thị trường bất động sản tài sản - tài chính đang hình thành, phát triển. Cùng với việc hình thành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài cũng dịch chuyển vốn, doanh nghiệp tới Việt Nam kéo theo nguồn vốn đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu bất động sản sẽ tăng. Theo ông Chung, thị trường bất động sản Việt Nam đang có cơ hội trưởng thành hơn về cấp độ tài chính hóa, phân mảng thị trường bất động sản tài sản - tài chính có cơ hội phát triển.

Thị trường bất động sản đang điều chỉnh mạnh

Ông Chung nhấn mạnh: Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh cực mạnh, từ chính sách đến cung cầu của thị trường, tài chính, tiền tệ… Cụ thể, chính sách đất đai đang có điều chỉnh, chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2020, tác động tích cực đến thị trường như: Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất; Nghị định 91/2019-NĐ-CP thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP với nhiều điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chính sách miễn, hoãn, giãn về thuế và tiền sử dụng đất, nổi bật là Nghị quyết 84/NQ-CP….

thi truong bat dong san hau covid 19 dang dieu chinh manh go nhieu nut that
Thị trường đang bất động sản điều chỉnh mạnh.

Tuy nhiên theo PGS.TS Trần Kim Chung, cần một số điểm mạnh mẽ hơn như: Các vấn đề về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho condotel, officetel; về hạn điền và tích tụ ruộng đất; chế tài với các dự án chậm triển khai cần mạnh hơn…..

Để điều chỉnh cân đối cung cầu của thị trường, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị trình Chính phủ các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Trong tương lai, nguồn cung hai loại nhà ở này sẽ được đẩy mạnh, phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt nhu cầu của đại đa số người dân.

Nhi Thảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load