(Xây dựng) – Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người dân ở xã Yên Lương và xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ thất nghiệp dẫn đến kinh tế khó khăn. Để kiếm thêm thu nhập, người dân đã bất chấp pháp luật ăn trộm gỗ rừng.
Tang vật được lực lượng kiểm lâm thu giữ. |
Mới đây, trên địa bàn khu Bồ Xô, xã Yên Lương đã có một số đối tượng thực hiện hành vi ăn trộm tài nguyên. Lợi dụng buổi đêm không có người qua lại, các đối tượng dùng xe máy vận chuyển các khúc gỗ đã được cắt trộm từ trước tập kết dấu trên rừng chờ thời cơ là vận chuyện xuống mang đi tiêu thụ. Với khả năng nghiệp vụ, các đồng chí kiểm lâm Hạt kiểm lâm Thanh Sơn đã tập kích 5 chiếc xe máy chở gỗ, khi thấy kiểm lâm vây bắt các đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi lấy dao bập vào dây buộc gỗ rồi tăng ga liều mình tẩu thoát trong đó 2 chiếc xe đã bị bắt lại. Được biết, 2 đối tượng bị bắt xe là Lê Văn Tuấn (sinh năm 1981) và Lê Văn Siền (sinh năm 1955), cả 2 đều trú tại khu Bồ Xô, xã Yên Lương.
Theo lời khai của 2 đối tượng trên, họ lấy gỗ từ trên rừng phòng hộ của khu (đã được giao cho ông Thiện quản lý) sau đó cắt nhỏ, đem về khu Bồ Xô tập kết. Trên đường vận chuyển xuống khu Hạ Thành, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn bán cho ông H, đến khu Quất Xô, xã Yên Lương thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Họ đều biết hành vi khai thác, tiêu thụ gỗ này là vi phạm pháp luật, tuy nhiên vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình có người ốm nên vẫn “làm liều”.
Ông Nguyễn Tiến Hiếu - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thanh Sơn cho biết: “Việc phá rừng là có, tuy nhiên chỉ ở mức nhỏ lẻ. Để giảm thiểu việc phá rừng, toàn bộ lực lượng kiểm lâm của huyện Thanh Sơn được huy động tối đa vào việc tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, hóa trang phục kích vây bắt các đối khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ lậu.
Do dịch Covid 19, người dân không thể đi làm xa kiếm tiền, trong khi đó đất đai tại đây thì cằn cỗi, ít ruộng nương và không có nghề phụ nên nhiều người đã “làm liều” vào rừng khai thác gỗ khiến lực lượng kiểm lâm vô cùng vất vả trong việc tuyên truyền, tuần tra, phục kích bắt giữ. Khi bắt được các đối tượng, chúng tôi vừa giận lại vừa thương. Thương vì đây đều là người dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn, họ lên rừng khai thác gỗ cũng chỉ để kiếm “đồng ra đồng vào” trang trải cuộc sống gia đình. Giận vì dù đã tuyên truyền nhiều, yêu cầu ký cam kết không được phá rừng, khai thác gỗ nhưng họ vẫn làm”.
Còn theo ông Lê Văn Mai - Bí thư thôn Bồ Xô, xã Yên Lương, trong mùa dịch Covid, tình trạng khai thác gỗ rừng ở địa phương diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn. Những người đi chặt gỗ rừng, vận chuyển đem đi bán đều là người địa phương.
Theo báo cáo hoạt động 9 tháng đầu năm, Hạt kiểm lâm huyện Thanh Sơn đã phát hiện xử lý 18 vụ. Trong đó, 12 vụ vi phạm phá rừng trái phép; 4 vụ vận chuyển mua bán cất giữ lâm sản trái pháp luật; 1 vụ khai thác rừng trái phép và 1 vụ vi phạm thủ tục hành chính.
Tổng tiền phạt thu nộp ngân sách Nhà nước là hơn 111 triệu đồng, tang vật thu giữ là 10,938m3 gỗ tròn (9,972m3 gỗ thông thường, 0,966m3 gỗ quý hiếm nhóm IIA) và 1,70m3 gỗ xẻ.
Phùng Hằng
Theo