Chủ nhật 03/11/2024 01:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, sáng tạo trong xây dựng Bệnh viện Dã chiến

09:36 | 23/07/2021

(Xây dựng) – Những ngày qua tại Thành phố Hồ Chí Minh số ca dương tính tăng cao. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống Covid-19. Các vấn đề cốt lõi được đề cập như: Xây dựng Bệnh viện dã chiến, bố trí nơi ở cho người lao động tại các công trường, nhà máy công nghiệp vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất trong mùa dịch...

thanh pho ho chi minh chu dong sang tao trong xay dung benh vien da chien
Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, sáng tạo trong xây dựng Bệnh viện Dã chiến.

Ngày 22/7/2021, Tổ công tác đặc biệt phòng, chống Covid-19 của Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm Tổ trưởng, đã có buổi làm việc trực tuyến đầu tiên với 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc họp tập trung vào các vấn đề về việc triển khai thiết kế, xây dựng Bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung; hoạt động cung ứng các dịch vụ đô thị như cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt, chất thải bệnh viện, an táng…; hoạt động đầu tư xây dựng và biến động thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn; bố trí nơi ở cho người lao động tại các công trường, nhà máy công nghiệp vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất trong mùa dịch...

Theo đó, các tỉnh, thành phố phía Nam đã chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng Bệnh viện dã chiến đảm bảo thu dung bệnh nhân F0 và tính toán tới phương án dự phòng.

Ông Lê Hoà Bình - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện thành phố đã đáp ứng cơ bản về thu dung người nhiễm F0. Ở cấp thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã tận dụng các khu tái định cư, đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiện ích, vệ sinh… để làm Bệnh viện dã chiến với khoảng 55.000 giường bệnh. Ở cấp quận, huyện, địa phương sử dụng các cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm đào tạo… với khoảng 32.000 giường nữa. Như vậy, hiện thành phố có khoảng 87.000 giường bệnh dành cho việc thu dung F0. Thành phố hiện đang có 14 Bệnh viện dã chiến, mỗi bệnh viện có khoảng 30-50 nhân viên y tế. Dự kiến thành phố sẽ xây dựng thêm khoảng 10.000 giường bệnh. Nguồn vốn xây dựng Bệnh viện dã chiến được lấy từ nguồn vốn xã hội hoá.

Ông Bình cho biết, việc triển khai Bệnh viện dã chiến thu dung theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng không gặp khó khăn vướng mắc. Việc cung ứng các dịch vụ hạ tầng đô thị trong khi giãn cách như cấp điện, cấp nước, thu gom nước thải, rác thải… đều được duy trì. Về dịch vụ hoả táng, ngoài hai cơ sở hoả táng ở Bình Chánh và Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh còn có 3 cơ sở hoả táng tư nhân đảm bảo đáp ứng dịch vụ hoả táng cho người nhiễm Covid-19 không may tử vong. Đối với việc duy trì hoạt động xây dựng trên địa bàn, hiện nay, thành phố chỉ ưu tiên những dự án có vốn đầu tư công duy trì hoạt động để đảm bảo tiến độ và phải đáp ứng đủ yêu cầu phòng, chống dịch cho người lao động. Các dự án có vốn đầu tư khác, hay các công trình nhà ở riêng lẻ… nếu đáp ứng đầy đủ phương án 3 tại chỗ, hay một cung đường hai điểm đến, đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động thì công trường mới được phép hoạt động.

Đối với việc xây dựng Bệnh viện dã chiến, ông Đỗ Thành Phương - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: Đồng Nai chưa có chủ trương xây mới các Bệnh viện dã chiến như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng làm đầu mối, sử dụng, cải tạo các trung tâm y tế huyện, các ký túc xá… thành các Bệnh viện dã chiến. Đồng Nai đã thành lập được 6 Bệnh viện dã chiến với quy mô 3.320 giường. Trong thời gian tới tỉnh Đồng Nai dự kiến ít nhất có thêm 2 Bệnh viện dã chiến, quy mô khoảng 2.000 giường, từ việc cải tạo cơ sở cũ. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ có tổng cộng khoảng 5.000 giường phục vụ thu dung F0. Những vấn đề dịch vụ hạ tầng, phương án chống dịch cho công nhân xây dựng cũng được đảm bảo.

Việc duy trì hoạt động xây dựng trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường nếu công trường đáp ứng phương án an toàn phòng dịch theo quy định. Riêng thành phố Biên Hoà, hoạt động xây dựng của các công trình có vốn đầu tư khác, hay nhà ở riêng lẻ và điểm bán vật liệu xây dựng tạm dừng vì tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Hiện toàn tỉnh có 5 dự án đầu tư công phải tạm dừng thi công do vướng các khu phong toả.

Tại các tỉnh thành khác, việc xây dựng Bệnh viện dã chiến và hoạt động ngành Xây dựng vẫn được đảm bảo. Thứ trưởng Lê Quang Hùng đánh giá cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” của các địa phương đang thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời, ông cũng động viên những cách làm chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng Bệnh viện dã chiến tại các địa phương.

Trước ý kiến của các địa phương, đặc biệt là Sở Xây dựng Bình Dương về việc khó khăn trong công tác nghiệm thu công trình do địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vướng trong việc đi lại, Thứ trưởng Hùng đã yêu cầu các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng phải tháo gỡ ngay. Thứ trưởng yêu cầu ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục công tác phía Nam của Bộ Xây dựng làm Văn bản uỷ quyền cho Sở Xây dựng Bình Dương ngay trong chiều 22/7 để Sở chủ động giải quyết vướng mắc trong việc chuyển đổi công năng khu Đại học Việt Đức thành Bệnh viện dã chiến, đáp ứng kịp thời nhu cầu thu dung F0 trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh: “Vấn đề quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng trong phạm vi một tỉnh thì không vướng, vướng chỉ ở chỗ liên quan tới các Bộ ngoài này, vì đang thực hiện giãn cách toàn xã hội. Về chủ trương của Bộ Xây dựng cũng như các Bộ ngành khác là “xây uỷ quyền” để cho các Sở có thể thay mặt Bộ duyệt luôn, không phải chờ đợi. Vào các dự án cụ thể, đề nghị các đơn vị có văn bản uỷ quyền ngay cho các Sở, không chỉ Sở Xây dựng mà cả Sở chuyên ngành, làm luôn, triển khai toàn bộ, cho kịp ngày hôm nay, kể cả tháo gỡ luôn khâu vướng”.

Như vậy, sau khi thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống Covid-19 Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo:

Một là, bổ sung hướng dẫn thiết lập bệnh viện dã chiến theo phân tầng điều trị bệnh nhân.

Hai là, khuyến nghị các địa phương thành lập các tổ ứng trực kỹ thuật để xử lý sự cố điện, nước, cháy nổ tại các khu dân cư, chung cư cao tầng;

Ba là, ủy quyền cho các Sở Xây dựng địa phương thực hiện kiểm tra, nghiệm thu sơ bộ các công trình mới hoàn thành thuộc thẩm quyền nghiệm thu hoàn thành của Bộ Xây dựng để có thể trưng dụng làm bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly tập trung theo yêu cầu của địa phương.

Bốn là, về các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục của các dự án đầu tư, xây dựng mới các Bệnh viện dã chiến trong tình huống cấp bách sử dụng vốn đầu tư công, điều chỉnh hợp đồng xây dựng do giá vật liệu và nhân công tăng làm vượt tổng mức đầu tư… Cục Quản lý hoạt động xây dựng và Cục Kinh tế xây dựng có báo cáo, đề xuất các giải pháp gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, các chủ đầu tư và nhà thầu trong các hoạt động đầu tư xây dựng liên quan.

Bài: Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, sáng tạo trong xây dựng Bệnh viện Dã chiến tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

 Tâm Bút

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load