(Xây dựng) - Với những thành tựu nổi bật trong năm 2024, thành phố Bắc Ninh đang nỗ lực tiếp tục bứt phá, hội nhập và phát triển. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Hiếu về những kinh nghiệm và giải pháp đã giúp thành phố đạt được những kết quả ấn tượng và những dự định cho năm tiếp theo.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo thành phố Bắc Ninh báo cáo trên bản mô phỏng dự án Đền thờ Bác Hồ và Công viên Văn Miếu trước Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ khởi công. |
PV: Thưa ông, được biết năm 2024 là năm bản lề với nhiều khó khăn, thách thức, tạo tiền đề quyết định đến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của thành phố. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những biện pháp chỉ đạo, điều hành đã giúp thành phố đạt được những thành quả nổi bật trong năm qua?
Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh: Năm 2024 là năm có vai trò quan trọng, tạo tiền đề quyết định đến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của thành phố. Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững. Để đạt được những kết quả này, UBND thành phố đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Định kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND thành phố và các Phó Chủ tịch UBND thành phố đã tổ chức trung bình 45-50 cuộc họp, ban hành 10-15 kết luận với 120-150 nội dung để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, thành phố đã đạt được 7 kết quả nổi bật. Thứ nhất, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu với 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 8 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Riêng chỉ tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp không đạt do ảnh hưởng của bão số 3. Về kinh tế, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 44.105 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% giá trị toàn tỉnh, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 194.034 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2023. Đặc biệt, thành phố đã chấm dứt chuỗi 3 năm liên tiếp không hoàn thành mục tiêu thu ngân sách tỉnh giao. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 ước thực hiện 6.226,4 tỷ đồng, vượt 8,4% dự toán, bằng 132,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Thứ hai, chủ động ứng phó và khắc phục hiệu quả hậu quả của cơn bão số 3, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người trên địa bàn. Để làm được điều này, thành phố đã huy động khoảng 6.152 lượt người, 1.639 phương tiện các loại tham gia bảo vệ 3,9km đê bối Đầu Hàn, Quả Cảm, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê chính, từ đó bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Sau bão, thành phố tiếp tục huy động đông đảo người dân tham gia khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, góp phần giữ vững hình ảnh thành phố "sáng - xanh - sạch - đẹp".
Thứ ba, chủ động tham mưu với tỉnh, phối hợp với Ban Chỉ đạo Nghị quyết 25 để triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn. Trong năm 2025, thành phố dự kiến sẽ khởi công 9 công trình quan trọng gồm: Công viên Văn Miếu và các công trình phụ trợ; mở rộng cầu chui Y Na; cầu vượt đường sắt kết nối đường Lê Thái Tổ - đường H; đầu tư xây dựng tuyến đường HI; công trình phụ trợ Chùa Dạm; mở rộng hầm chui khu 5 - Đại Phúc...
Đặc biệt, trong số các dự án trọng điểm này, ngày 13/1 vừa qua, thành phố đã khởi công dự án Đền thờ Bác Hồ và Công viên Văn Miếu. Sự kiện này vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm, các đại biểu Trung ương và lãnh đạo tỉnh tham dự. Đây là vinh dự to lớn của thành phố, đồng thời là nguồn động lực mạnh mẽ để thành phố tiếp tục bứt phá, phát triển trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thành 7 đồ án quy hoạch phân khu đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư lớn như: Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc (268ha), Dự án Khu đô thị Đông Nam (1.500ha)...
Thứ tư, tập trung xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại làng nghề Phong Khê. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố đã kiên quyết xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm, yêu cầu 100% các hộ sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư tại Phong Khê dừng hoạt động. Thành phố đã hoàn thành mục tiêu này sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra. Thứ năm, đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội. Công tác tuyên truyền được đổi mới tích cực cả về nội dung và phương thức, nâng cao hiệu quả. Nổi bật là việc tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố Bắc Ninh, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ sáu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về công tác quốc phòng, quân sự địa phương được chú trọng, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thành phố tiếp tục triển khai xây dựng "Thành phố Bắc Ninh an toàn giao thông" theo đúng tiến độ, với sự đồng thuận cao của nhân dân. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2023. Tỷ lệ điều tra án chung đạt 93%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%.
Thứ bảy, chú trọng thực hiện nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và hoạt động đối ngoại. Minh chứng là Chỉ số cải cách hành chính của thành phố đứng đầu cấp huyện toàn tỉnh. Tỷ lệ đơn thư đề nghị, kiến nghị, phản ánh được giải quyết đạt 90%. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu: Thành phố kiên trì thực hiện song song hai giải pháp: “nhu” và “cương” vừa “vận động, thuyết phục” nhưng cũng sẵn sàng “xử lý nghiêm minh” đối với các trường hợp cố tình vi phạm gây ô nhiễm tại làng nghề Phong Khê. |
PV: Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Phong Khê được cho là một bài toán khó đã kéo dài nhiều năm. Vậy, ông có thể chia sẻ rõ hơn kinh nghiệm và những giải pháp nào đã giúp thành phố giải quyết thành công bài toán này?
Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh: Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, thành phố Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Thành phố đã chủ động rà soát, đánh giá và phân loại các vi phạm hiện hữu trên địa bàn phường Phong Khê theo 7 lĩnh vực: Môi trường, đất đai, đê điều, thuế, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy và trật tự xây dựng. Thực hiện tổ chức 3 hội nghị gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các hộ sản xuất kinh doanh và người dân Phong Khê. Mục tiêu là lắng nghe, giải thích và vận động mọi người chấp hành pháp luật. Mỗi hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 400-500 hộ sản xuất kinh doanh và người dân.
Để giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân Phong Khê và người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi việc dừng sản xuất, thành phố đã chủ động làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh để nhờ sự đồng hành hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tiếp nhận lao động tự do từ làng nghề. Làm việc với các khu, cụm công nghiệp ở các tỉnh khác như: Cụm công nghiệp Quảng Chu - Bắc Kạn, Việt Sơn - Lào Cai... hỗ trợ doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới phù hợp. Đề xuất với UBND tỉnh, báo cáo HĐND tỉnh về chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.
Trong quá trình xử lý ô nhiễm tại Phong Khê, thành phố kiên trì thực hiện song song hai giải pháp: “nhu” và “cương” vừa “vận động, thuyết phục” nhưng cũng sẵn sàng “xử lý nghiêm minh” đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Các tổ, đoàn công tác được thành lập để tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chấp hành quy định, dừng sản xuất, di dời đến địa điểm mới phù hợp. Đối với các cơ sở cố tình vi phạm, không chấp hành, thành phố kiên quyết xử lý nghiêm, bao gồm các biện pháp như cắt điện, niêm phong.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thành phố đã xử lý triệt để 201 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư làng nghề Phong Khê, đạt 100% kế hoạch đề ra và hoàn thành sớm 2 tháng. Đưa Phong Khê trở thành một trong những làng nghề đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công việc di dời sản xuất và xử lý ô nhiễm, từng bước trả lại môi trường trong lành cho người dân. Hiện, thành phố đang tiếp tục xử lý 137 cơ sở còn lại trong các cụm công nghiệp (69 cơ sở ở Cụm công nghiệp Phong Khê I và 68 cơ sở ở Cụm công nghiệp Phong Khê II).
Thành công này là câu trả lời thiết thực nhất cho sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân thành phố Bắc Ninh trong việc giải quyết những vấn đề môi trường gây bức xúc suốt nhiều năm qua, góp phần xây dựng một đô thị “xanh, sạch, đẹp và bền vững”. Nhân dịp này, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan thông tấn báo chí đã đồng hành cùng thành phố, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời, khách quan, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng vào những thành công chung của thành phố trong năm 2024.
PV: Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, đồng thời tỉnh Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2026 sớm hơn 3 năm so với dự kiến. Trong bối cảnh đó, xin ông cho biết thành phố Bắc Ninh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để vừa hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm, vừa đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh?
Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh: Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đà cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn tiếp theo.
Thành phố có nhiều lợi thế của một đô thị trung tâm nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách, quản lý đất đai, đô thị, quản lý xã hội... Vì vậy, cả hệ thống chính trị cần tập trung nỗ lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố tập trung vào ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, về công tác xây dựng Đảng, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Thứ hai, về phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư, triển khai nhiều dự án trọng điểm, vừa chào mừng Đại hội Đảng các cấp, vừa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, sẽ tập trung khởi công các dự án mới gồm Khu nhà ở tái định cư phục vụ dự án Công viên Văn Miếu; hạ tầng kỹ thuật Công viên Văn Miếu; cầu chui Y Na; công trình phụ trợ chùa Dạm; tuyến đường kết nối cầu Vân Hà với đường Giếng Ngọc; hạ tầng kỹ thuật khu đô thị tại nút giao Tây Nam. Hoàn thành các dự án hiện có, gồm trường liên cấp Tiểu học và THCS Trần Quốc Toản; Dự án tái định cư tại phường Hạp Lĩnh; các tuyến đường nối khu công nghiệp phường Nam Sơn; điểm du lịch trải nghiệm hát quan họ (khu Viêm Xá, phường Hòa Long). Đồng thời hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ đủ điều kiện; tiếp tục xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, phường Khắc Niệm.
Thứ ba, về hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I. Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2026. Thành phố Bắc Ninh được xác định là đô thị trung tâm, giữ vai trò quan trọng. Hiện nay, thành phố đã đạt 23/25 tiêu chí đô thị loại I. Đối với hai tiêu chí còn lại là "Đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng cấp đô thị" và "Công trình xanh", thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành trong năm 2025, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
“Văn hiến Bắc Ninh - hội nhập - toả sáng”: thể hiện niềm tin và kỳ vọng về một năm mới thành công, rực rỡ đạt được nhiều thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực, đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. |
PV: Vừa qua, thành phố Bắc Ninh đã khai trương đường hoa xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Văn hiến Bắc Ninh - hội nhập - toả sáng”. Phải chăng, chính quyền thành phố mong muốn gửi gắm một thông điệp, một lời chúc nào đó tới nhân dân trong năm mới?
Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh: Đường hoa Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề "Văn hiến Bắc Ninh - hội nhập - toả sáng" được khai trương vào chiều 25/01 (tức 26 tháng Chạp) với nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, thưởng lãm. Thông qua chủ đề này, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp và lời chúc tốt đẹp nhất tới người dân thành phố Bắc Ninh trong năm mới. Chủ đề này còn là sự khẳng định và tôn vinh bản sắc văn hiến của Bắc Ninh - vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Thành phố sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hiến đặc sắc của quê hương, đồng thời quảng bá rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Thành phố xác định, hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, mang lại nhiều cơ hội phát triển, đưa thành phố Bắc Ninh hội nhập sâu rộng, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Hình ảnh "toả sáng" thể hiện niềm tin và kỳ vọng về một năm mới thành công, rực rỡ, thành phố sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực, đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Chủ đề đường hoa cũng là lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất mà chúng tôi muốn gửi tới toàn thể người dân thành phố Bắc Ninh, một năm mới “An khang thịnh vượng - Vạn sự như ý”!
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!
Nguyên Khánh (thực hiện)
Theo