(Xây dựng) - Ngày 3/2 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ), Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sỹ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố, đồng thời phối hợp với Câu lạc bộ Khối Vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định làm Lễ dâng hương tưởng niệm liệt sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sỹ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh. |
Được sự chấp thuận chủ trương của Thường trực Thành ủy, Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở thống nhất giữa Đảng ủy Quân sự Thành phố và Thành ủy thành phố Thủ Đức, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ khởi công Bia tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh ở phường Long Bình, thành phố Thủ Đức.
Thiếu tướng Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu, lực lượng Biệt động Sài Gòn từ không đến có, từ nhỏ đến lớn mạnh, là đội quân đặc biệt, luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, dũng cảm, táo bạo, mưu trí chiến đấu lập nên những chiến công chói lọi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Phân khu 6, lực lượng Biệt động với lối đánh táo bạo, lập nên những chiến công vang dội. Những trận đánh của Biệt động diễn ra chớp nhoáng, với hiệu suất rất lớn, là nỗi kinh hoàng của đội quân xâm lược và tay sai. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động được chuẩn bị tốt về tinh thần, trang bị, vào trận chiến đấu với khát vọng hòa bình, không có gì quý hơn độc lập tự do…
Việc xây dựng Bia tưởng niệm liệt sỹ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố là tấm lòng, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh; là dịp để tôn tạo, xây dựng các công trình, ghi lại những mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang thành phố. Hoạt động này nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi dưỡng niềm tin, tình cảm để mỗi cán bộ, chiến sỹ thấy được giá trị lịch sử, những chặng đường vẻ vang, vinh dự, tự hào, từ đó ra sức phấn đấu, cống hiến cho lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh toàn diện.
Lễ dâng hương tưởng niệm liệt sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại số nhà 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Tại địa điểm số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ dâng hương tưởng niệm liệt sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được diễn ra trang trọng, chu đáo. Lễ dâng hương được tổ chức thường niên vào ngày Mùng 6 Tết nhằm tri ân và tôn vinh những chiến công, thành tích chiến đấu, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua đây, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, quân đội, lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Với bề dày truyền thống và thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc, Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 16 chữ vàng “Đoàn kết một lòng, mưu trí vô song, dũng cảm tuyệt vời, trung kiên bất khuất”; đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 5 đơn vị và 31 cá nhân.
Biệt động Sài Gòn với lối đánh xuất quỷ nhập thần đã thành công trong những trận đánh trực tiếp vào đầu não của kẻ thù ở nội đô Sài Gòn gây chấn động trên toàn thế giới như: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Khám Chí Hòa, Đài Phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất…
Tại buổi lễ, ông Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lực lượng Biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đặc biệt là trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã chiến đấu anh dũng, nhưng đến nay vẫn còn nhiều người chưa tìm được hài cốt. Vì vậy, việc tổ chức một lễ giỗ chung là một việc làm ý nghĩa và đã được duy trì từ năm 2008.
Gara xe của ông Dương Văn Đức tại địa chỉ số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu) |
Căn nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, Quận 10 trước đây là gara xe phục vụ hậu cần - kỹ thuật cho lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Năm 1950, gara này vốn là tiệm sửa xe của ông Dương Văn Đức. Năm 1963, ông Dương Văn Đức bắt liên lạc với lực lượng Biệt động Sài Gòn thông qua ông Trần Văn Lai (còn gọi là Năm Lai). Từ đó, ông Đức nhận bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô, đổi màu sơn xe, đổi biển số xe và thiết kế thành xe có hai đáy nhằm ngụy trang chứa vũ khí, thư từ, tài liệu, thuốc… phục vụ cho lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Cũng tại căn nhà này, chiến sỹ biệt động Trần Văn Lai, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã thường xuyên gửi 2 chiếc xe ô tô mang số hiệu NCE-345 và EC-6045 cho ông Dương Văn Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để sử dụng phục vụ công tác đưa đón lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn. Hai chiếc xe trên cũng được Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào Dinh Độc Lập trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968...
Minh Khôi
Theo