(Xây dựng) – Phương án “xử lý cấp bách, khơi thông dòng chảy, khắc phục hiện tượng sạt lở, bảo vệ bờ, bãi sông từ Km88+300 – Km89+300 tuyến sông Mã, đoạn qua xã Cẩm Yên và Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy” nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ bãi sông, đe dọa cuộc sống, thu nhập của người nông dân. Thế nhưng, qua một thời gian dài triển khai, phương án này lại khiến người dân vô cùng bức xúc, cho rằng chính việc “tận thu” hút cát khi thực hiện phương án đã làm tình trạng sạt lở nhanh hơn, nghiêm trọng hơn?
Phương tiện khai thác đang nằm chờ hoạt động trở lại vào đầu tháng 12/2022. |
Chính quyền: Sạt lở là do quy luật tự nhiên?
Được triển khai từ khoảng đầu năm 2020, phương án “xử lý cấp bách, khơi thông dòng chảy, khắc phục hiện tượng sạt lở, bảo vệ bờ, bãi sông từ Km88+300 – Km89+300 tuyến sông Mã, đoạn qua xã Cẩm Yên và Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy” (gọi tắt là phương án cấp bách), do Công ty Cổ phần Thương mại Đức Lộc (Công ty Đức Lộc) làm chủ đầu tư, có chiều dài 624m, rộng 100m, khối lượng nạo vét (đất, cát, sỏi) 152.961m3, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và thực hiện phương án tại Công văn số 1678/UBND-NN ngày 14/2/2020. Do tính chất đặc thù, chỉ thi công trong 6 tháng mùa khô hàng năm, phương án này đang tạm dừng chờ gia hạn để tiếp tục thực hiện vào một ngày gần đây.
Từ phản ánh của dư luận người dân vùng “hưởng lợi” của phương án này, PV Báo điện tử Xây dựng đã vào cuộc xác minh. Qua thực tế ghi nhận tại hiện trường cũng như trao đổi với đại diện bà con nông dân địa phương và tài liệu được cung cấp cho thấy, phương án cấp bách lợi ích mang lại chưa thấy đâu nhưng đang có dấu hiệu “phản tác dụng”, làm trầm trọng thêm tình trạng sạt lở bờ, bãi sông, ảnh hưởng đến đất canh tác và việc vận chuyển, thu hoạch nông sản của người dân địa phương. Ngoài ra, xe chở cát, sỏi “tận thu” chạy xuyên đêm (vào thời gian cao điểm trước kia) còn gây bụi bặm, tiếng ồn, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con.
Một trong các điểm sạt lở tại thôn Kìm, xã Cẩm Ngọc. |
Làm việc với địa phương, PV ghi nhận hai quan điểm gần như không đồng nhất giữa lãnh đạo xã và đại diện người dân về vấn đề này. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc Nguyễn Đăng Quyền, tình trạng sạt lở bờ, bãi sông đã xảy ra từ nhiều năm qua, do lũ lụt, do quy luật “bên lở bên bồi” của sông và hoạt động xả lũ của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn. Chính vì thế, phương án này mới được triển khai để nắn dòng chảy, chống sạt lở?
Vấn nạn sạt lở người dân đã phản ánh qua nhiều cuộc họp, hội nghị tiếp xúc cử tri, đồng thời đề nghị xã đo đạc lại, giảm diện tích đất canh tác bãi sông cho các hộ. Còn về nguyên nhân sạt lở thì chưa thể xác định rõ là do việc nạo vét thực hiện phương án gây ra hay do thiên nhiên. Để chứng minh cho nhận định này, ông Quyền cho biết, tình hình sạt lở bờ sông đã diễn ra từ năm 2010 đến nay, với chiều rộng khoảng 10m, chiều dài khoảng gần 1km suốt dọc đoạn bờ sông chảy qua địa bàn xã.
Người dân bức xúc
Tìm hiểu thực tế tại hiện trường, PV đã được một người dân địa phương giúp đỡ, dùng xe máy chở dọc đoạn sông Mã trong phạm vi dự án. Người này chỉ cho PV những vị trí sạt lở, có điểm sạt lở đều kéo dài hàng trăm mét, có đoạn ăn sâu vào bờ tới tận bãi bồi canh tác, nơi có những thửa ruộng mía cao sản cao lút đầu người. Nói về việc sạt lở, anh nói rằng trước kia cũng có, nhưng không đáng kể. Chỉ từ khi tàu về hút cát tại đây mới trở nên nghiêm trọng và xảy ra ngày càng nhanh, mặc dù bãi mía nhà anh do cách bờ sông hơi xa nên chưa bị sạt xuống sông, nhưng nếu người ta lại tiếp tục hút cát, hiển nhiên gia đình anh sẽ lâm cảnh thất bát vì không còn đất trồng mía. Tuy chưa bị mất đất, nhưng con đường vận chuyển mía, nông sản của gia đình anh và một số hộ khác đã bị “hà bá” nuốt chửng. Do đó việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn vì không còn đường ra vào, vận chuyển sản phẩm cũng như vật tư, nguyên liệu sản xuất.
Đáng chú ý, PV cũng đã ghi nhận phía bờ bên kia của sông Mã (cùng trong phạm vi bảo vệ của phương án cấp bách), đoạn bờ sông thuộc xã Cẩm Yên còn bị tác hại nặng nề hơn do việc hút cát thi công phương án, với những đoạn sạt lở kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào tận những bãi ngô xanh mơn mởn của người dân. Thực tế này cho thấy, không có chuyện dòng sông “bên lở bên bồi” như quy luật của tự nhiên.
Sạt lở đã xâm lấn vào bãi ngô phía bờ bên kia, thuộc xã Cẩm Yên. |
Trao đổi với ông Nguyễn Đăng Tân - Trưởng thôn Kìm (nơi bà con đã phản ánh nhiều về việc sạt lở trong các cuộc họp, hội nghị tiếp xúc cử tri), ông cho biết: “việc sạt lở bờ sông trước kia cũng có, nhưng chỉ diễn ra lẻ tẻ, năm nào lụt lớn, nước tràn ngập bờ bãi thì sạt lở khoảng 2-3m, năm không có lụt thì sạt lở không đáng kể. Về việc tỉnh chấp thuận và cho Công ty Đức Lộc thực hiện dự án này, bà con không dám ý kiến. Nhưng từ khi họ bắt đầu làm đến nay, tình trạng sạt lở đã gia tăng nhanh chóng trên suốt cả chiều dài của dự án, có nhiều đoạn ăn sâu vào bờ đến 30m, vào tận bãi ngô, gây thiệt hại về hoa màu của dân. Mặc dù so với hơn 2 năm trước, thay vì canh tác sát mép sông, ruộng ngô, mía của bà con đã phải lùi sâu vào bên trong nhưng vẫn không thoát cảnh sạt lở. Trước thực trạng này, dân đã tổ chức quay video, chụp ảnh gửi lên cấp trên và đưa ra phản ánh trong các cuộc họp, nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Cũng theo vị trưởng thôn này, lẽ ra, để “khơi thông dòng chảy, bảo vệ bờ, bãi sông, chống sạt lở”, trước khi nạo vét, hút cát, người ta phải thi công bờ kè dọc hai bên bờ sông. Nếu không, việc nạo vét, hút cát làm lòng sâu sâu xuống, tất nhiên sẽ gây sạt lở bờ sông nếu không có bờ kè bảo vệ. Trước câu hỏi của PV về ý kiến của bà con nếu phương án này tiếp tục được thi công vào tháng 12 tới đây, ông Tân nói “Tất nhiên bà con cũng như cá nhân tôi sẽ không bao giờ đồng ý, vì nó liên quan đến tài sản của dân”.
PV trao đổi với một người dân địa phương có ruộng mía tại bãi bồi bị ảnh hưởng do sạt lở. |
Cần xem xét lại việc gia hạn thời gian thực hiện phương án cấp bách
Được biết, ngày 12/4/2022 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Công ty Đức Lộc và văn bản đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 4930/UBND-NN về việc gia hạn thời gian thực hiện phương án xử lý cấp bách khơi thông dòng chảy, khắc phục hiện tượng sạt lở, bảo vệ bờ, bãi sông từ Km88+300 - Km89+300 tuyến sông Mã, đoạn qua xã Cẩm Yên và xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy”. Theo đó, cho phép Công ty Đức Lộc được gia hạn thêm 7 tháng (từ 01/12/2022 đến 30/6/2023) để hoàn thành phương án trên.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì tới đây, phương án “cấp bách” trên sẽ tiếp tục được thi công trở lại với thời gian 7 tháng. Được biết, đây không phải là lần gia hạn đầu tiên cho phương án này. Theo chúng tôi, việc thi công trở lại chắc chắn sẽ gặp sự phản đối của người dân vì ruộng đồng, bờ bãi, môi trường sống của họ tiếp tục bị đe dọa và ảnh hưởng ngày càng nặng nề. Thêm nữa, liệu đây có phải là lần “gia hạn” cuối cùng nếu như lượng cát, sỏi dưới lòng sông, mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp còn chưa được “tận thu” triệt để, bất chấp quyền lợi cũng như môi trường sống của người nông dân sở tại?
Liệu những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân có được xem xét, giải quyết hay lại “rơi vào vô vọng”?
Đào Nguyên
Theo