Thứ bảy 20/04/2024 16:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Người dân xã Đông Nam “sống dở chết dở” vì sống chung với rác thải

12:10 | 17/09/2020

(Xây dựng) - Trong mấy năm gần đây, người dân xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, ngày đêm khốn khổ vì phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do rác thải tại khu xử lý rác đặt tại địa bàn xã gây ra.

thanh hoa nguoi dan xa dong nam song do chet do vi song chung voi rac thai
“Núi rác” đã được phủ bạt phần trên sau buổi làm việc với phóng viên.

Đáng lo ngại hơn, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây ngày càng nặng nề, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc bao phủ khắp nơi. Nhất là gặp khi thời tiết thay đổi, mùi rác thải càng trở nên đặc quánh, bao phủ khắp làng trên xóm dưới đến mức quá sức chịu đựng của con người.

Được biết, khu xử lý rác thải Đông Nam là điểm tập kết, xử lý (theo quy trình chôn lấp) toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của thành phố Thanh Hóa và một số vùng lân cận. Sau thời gian thi công, xây dựng, khu xử lý rác thải này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2014, qua vài năm đầu “yên ổn” thì từ khoảng năm 2017 - 2018 trở lại đây, tình hình bắt đầu trở nên “nóng rực” do thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng, mùi hôi thối từ rác thải ngày đêm đầu độc bầu không khí. Cùng với gây ô nhiễm không khí, mỗi khi mưa xuống, nước thải đen sì từ bãi rác lại chảy tràn ra môi trường, ngấm dần xuống đất, gây nguy cơ đầu độc nguồn nước, reo rắc mầm bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.

Không chịu nổi “thảm cảnh” từ rác thải, người dân Đông Nam đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện, thậm chí dùng “biện pháp mạnh” kéo quân ra chặn đường không cho xe vào bãi đổ rác. Về phía UBND xã cũng đã có một số lần tổ chức kiểm tra, giám sát, làm văn bản “cầu cứu” lên trên. Nhưng tình hình không những không thay đổi mà còn ngày càng trầm trọng thêm.

thanh hoa nguoi dan xa dong nam song do chet do vi song chung voi rac thai
Ông Lê Văn Hoàng (phải) Giám đốc và ông Đới Xuân Quyền - Phó Giám đốc Xí nghiệp xử lý rác thải Thanh Hóa làm việc với phóng viên.

Xác minh vụ việc này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đi thực tế tại bãi rác Đông Nam. Tại đây, sau khi trao đổi với ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Xí nghiệp xử lý rác thải Thanh Hóa và Đới Xuân Quyền - Phó Giám đốc Xí nghiệp xử lý rác thải Thanh Hóa. Cùng với ông Hoàng, phóng viên đã trực tiếp thâm nhập vào khu vực chôn lấp rác thải và phần nào thấu hiểu nỗi khổ của những người làm việc tại đây cũng như người dân sở tại.

Mặc dù đã bịt khăn kín mũi, bên ngoài đeo khẩu trang dầy cộm, nhưng ngay từ khi còn ngồi trong xe ôtô kín mít, phóng viên vẫn cảm nhận thấy mùi khó chịu lan tỏa trong xe. Bước chân xuống hiện trường, mùi hôi thối càng nồng nặc khủng khiếp. Lội qua những bãi bùn đất nhão nhoẹt, quan sát từ trên một điểm cao, trước mắt phóng viên là một “núi rác” cao ngất ngưởng, chỉ riêng phần nổi đã tới vài nghìn khối với đủ loại rác thải đang bốc mùi nồng nặc, ruồi muỗi bu đầy.

thanh hoa nguoi dan xa dong nam song do chet do vi song chung voi rac thai
“Núi rác” tại hố chôn lấp số 4 và bể số 1, thu gom nước xử lý nước rỉ rác.

Bên sườn núi rác, có một chiếc máy ủi đang san gạt rác và một công nhân đang phun hóa chất khử mùi rác. Phía dưới, một số người dân địa phương đang cần mẫn bới rác, tìm nhặt những thứ có thể bán lấy tiền. Trên con đường lầy lội đầy bùn nhão, từng chiếc xe chở đầy rác thay nhau tiến vào bãi tập kết để đổ rác và núi rác cao ngất ngưởng cứ ngày một đầy thêm, nằm lộ thiên dưới thời tiết lúc mưa, lúc nắng, ngày cũng như đêm đầu độc bầu không khí.

Trở lại buổi làm việc trước khi đi thực tế. Theo hai lãnh đạo xí nghiệp xử lý rác cho biết, toàn bộ lượng rác thải đưa về đây được tập trung lên bãi, xử lý bằng hóa chất để khử mùi rồi đưa vào hố chôn lấp, xử lý tiếp trước khi lấp đất. Hố chôn lấp được thiết kế, xây dựng theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, bên dưới lót bạt địa kỹ thuật, dưới lớp bạt được trải cát, đá chống thấm. Về nước rỉ rác, trước khi thải ra môi trường đã qua hệ thống xử lý 1 gồm trạm xử lý và 3 hồ xử lý, hồ số 1 thu gom nước thải rác, xử lý bằng phương pháp vi sinh, sau đó qua hồ số 2 xử lý tiếp bằng phương pháp sinh học và “phơi” theo quy trình trong khoảng 15 ngày, đến khi nước trong, đạt tiêu chuẩn mới đưa sang hồ số 3. Lúc này, nước thải hoàn toàn trong sạch, có thể nuôi cá sống bình thường trước khi thải ra môi trường?

Về thực tế ô nhiễm đang diễn ra, ông Hoàng thừa nhận và cho biết, tại đây hiện có 3 hố chôn lấp đã đầy rác và được lấp đất, hố thứ 4 cũng đã quá tải từ lâu, rác chất cao hơn thành hố cả chục m. Nguyên nhân là do lượng rác thải tập kết về quá lớn, trung bình tới 350 tấn/ngày, vì chưa có hố chôn lấp mới nên dù quá tải, xí nghiệp vẫn phải cho đổ rác xuống hố này, bất chấp lượng rác chồng chất cao như núi, tràn cả ra ngoài.

Cũng theo Giám đốc Hoàng, nguyên nhân ô nhiễm là do lượng rác thải quá lớn, xử lý không kịp khi gặp trời mưa không tránh khỏi bốc mùi và nước rỉ rác chảy tràn ra ngoài. Thêm nữa là có thể do quá trình xử lý nước thải, có thể có những mẻ chưa đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường?

Trước thực trạng trên, xí nghiệp đã và đang đề nghị lên trên (Công ty TNHH MTV Môi trường và đô thị Thanh Hóa) để Công ty đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa xem xét, tiến hành các thủ tục cần thiết nhằm sớm cho thi công, xây dựng hố chôn lấp mới. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đề nghị khẩn thiết này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, ông Hoàng cho biết thêm, để hỗ trợ một phần những nỗi khổ mà người dân đang phải gánh chịu, mới đây theo đề nghị của Trưởng thôn Sơn Lương, xí nghiệp đã ủng hộ cho thôn 100 triệu đồng dành cho xây dựng cơ bản. Về yêu cầu hỗ trợ toàn bộ tiền bảo hiểm y tế cho dân hai thôn Sơn Lương và Hạnh Phúc Đoàn (chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm), xí nghiệp đã báo cáo lên Công ty để trình UBND thành phố có hướng giải quyết.

Kết thúc trao đổi, Giám đốc Hoàng tâm sự: “Anh em tôi ở đây cũng khổ sở, điêu đứng lắm. Nhiều đêm nằm không ngủ được, nhất là những lúc trời mưa, cứ lo ngay ngáy sợ có tiếng chuông điện thoại, vì thường bị bà con gọi đến chửi mắng, mạt sát do mùi hôi thối. Chúng tôi mong ngày mong đêm cho nhà máy xử lý rác thải của doanh nghiệp đang đầu tư tại đây hoàn thành, đi vào hoạt động để bàn giao cho thoát tội, dù có mất việc vẫn sướng”.

Ra khỏi khu vực bãi rác, phóng viên đã có cuộc tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Lắm - Trưởng thôn Lương Sơn và làm việc với ông Lê Cao Thắng - Chủ tịch UBND xã Đông Nam. Qua trao đổi, cả hai vị này đều kêu trời vì “có nỗi khổ chung”, đó là đã bị người dân mắng mỏ thậm chí mạt sát không biết bao nhiều lần, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại về “tội” vận động nhân dân đồng ý “đưa” bãi rác về xã.

thanh hoa nguoi dan xa dong nam song do chet do vi song chung voi rac thai
Nhà máy xử lý chất thải rắn đang được thi công xây lắp tại khu vực bãi rác Đông Nam, được kỳ vọng đi vào vận hành sẽ chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trước đó, trong quá trình chuẩn bị tiếp nhận khu xử lý rác thải về xã, chấp hành chỉ đạo của cấp trên, cán bộ xã, thôn đã phải kiên trì tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của tỉnh, của huyện. Để dân tin tưởng, chấp nhận, cán bộ vận động phải đề cao tính khả thi, ưu việt, đảm bảo vệ sinh môi trường của quá trình xử lý rác theo quy trình chôn lấp (bản thân cán bộ cũng tin như thế). Vì vậy, khi thực tế diễn ra không như mong muốn, môi trường ngày càng bị đầu độc, người dân “kêu” mãi không được nên đã “trút giận” lên đầu cán bộ xã, thôn.

Trước tình hình trên, UBND xã đã có một số lần tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, lập biên bản việc xử lý rác thải tại bãi rác, tham gia đoàn có cả đại diện lãnh đạo Xí nghiệp xử lý rác thải Thanh Hóa. Theo kết quả kiểm tra, một trong các biên bản nêu “Hố chôn thứ 3: Đã đóng cửa không đổ rác. Rác cao hơn miệng hố 10m, đã che bạt phủ quanh được 1/2 hố… Về quy trình xử lý chôn lấp rác: Có xử lý hóa chất và che phủ bạt. Nhưng chưa đảm bảo theo quy trình xử lý và cam kết đề ra. Lượng rác cao hơn quy định 10m, tại hố chôn thứ 3 đã đóng cửa nhưng chưa phủ bạt kín và tiến hành phủ đất, vẫn có hiện tượng nước rỉ rác ngấm xuống đất. Đất phủ tại hố chôn thứ 1,2 còn nhiều khe hở không kín bề mặt hố chôn… toàn bộ rãnh thu nước rỉ rác tại tất cả các hố chôn đều không được lót bạt, ngấm trực tiếp xuống lòng đất”. Kết luận “…Hiện tượng phát tán mùi thường xuyên xảy ra gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Một số hạng mục bờ đất ngăn nước rỉ rác thấp và xuống cấp, không đảm bảo ngăn nước rỉ rác tràn ra môi trường khi trời mưa. Việc tập kết rác thải y tế không đúng quy định”.

Cùng với kiểm tra, giám sát, UBND xã cũng đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo, đề nghị lên UBND huyện Đông Sơn, UBND thành phố Thanh Hóa, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Thanh Hóa (đơn vị chủ quản của xí nghiệp xử lý rác thải) về vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn không được giải quyết. Do quá bức xúc, vào ngày 15/8/2020, người dân đã kéo nhau ra chặn đường không cho xe chở rác vào bãi tập kết. Trước tình hình này, xã đã “cấp báo” lên huyện, cử một Phó Chủ tịch cùng các ban, ngành và cả lực lượng Công an về giải quyết. Vụ việc kéo dài từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối, sau 12 tiếng đồng hồ vận động, giải thích, hứa hẹn, cam kết đủ điều, người dân mới đồng ý giải tán, cho xe vào đổ rác.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa khẳng định: “UBND thành phố luôn quan tâm, lo lắng đến cuộc sống người dân khu vực bãi rác. Không bao giờ có chuyện thành phố “bỏ mặc” người dân phải sống trong môi trường ô nhiễm. Đồng thời cho biết, hiện thành phố đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định để sớm tiến hành việc đấu thầu, chọn nhà thầu thi công xây dựng hố chôn rác số 5 tại bãi rác Đông Nam (trị giá khoảng 15 tỷ đồng). Sau khi có kết quả đấu thầu, sẽ yêu cầu nhà thầu khẩn trương thi công, hoàn thành đúng tiến độ để đưa vào sử dụng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Cùng với đó, thành phố cũng đang đôn đốc doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải rắn (theo công nghệ đốt) Đông Nam tổ chức thi công, lắp đặt đúng tiến độ để đưa nhà máy vào vận hành, giải quyết căn bản vấn nạn ô nhiễm môi trường tại bãi rác này (theo Chủ tịch Triều, dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021). Về đề nghị được hỗ trợ bảo hiểm y tế của người dân hai thôn Sơn Lương và Hạnh Phúc Đoàn, UBND thành phố ủng hộ và đang xem xét, tìm hướng giải quyết hỗ trợ dân nhưng phải theo đúng quy định của Nhà nước”.

Như vậy, theo như thông tin của Chủ tịch UBND thành phố, vấn nạn ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải Đông Nam sẽ được tháo gỡ, xử lý từng bước trong thời gian tới và giải quyết triệt để “trong năm 2021”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để xẩy ra tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức báo động như đang hiện nay, có một phần không nhỏ thuộc về trách nhiệm của Xí nghiệp xử rác thải Thanh Hóa. Trong đó, ngoài những vấn đề đã nêu trong biên bản giám sát môi trường do UBND xã lập. Trong quá trình xác minh, tìm hiểu, phóng viên còn tiếp nhận được một số thông tin do người dân phản ánh như: Việc phun hóa chất khử mùi thường bị bỏ qua, chỉ được làm khi có đoàn kiểm tra, giám sát hay khi dân phản ứng quá gay gắt. Lý do vì giá của loại hóa chất này lên tới 1 triệu đồng/lít nên xí nghiệp không dám dùng nhiều? Ngoài ra, còn có hiện tượng người của xí nghiệp bơm trộm nước thải rác chưa qua xử lý ra môi trường vào những đêm trời mưa?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load