Thứ ba 05/11/2024 05:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thanh Hóa: Công trình dở dang vì thiếu vốn, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước

17:02 | 13/06/2020

(Xây dựng) - Dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Bút Sơn – Hoàng Trường đi đê hữu sông Lạch Trường, do UBND xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư, có chiều dài hơn 2km, thuộc loại công trình giao thông cấp IV, tổng mức đầu tư 14.977.480.000 đồng, trong đó, chi phí xây dựng 10.803.813.000 đồng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong đầu năm 2019.

thanh hoa cong trinh do dang vi thieu von gay lang phi cho ngan sach nha nuoc
Con đường dở dang chưa biết bao giờ mới được thi công trở lại.

Tháng 8/2018, nhà thầu thi công là Công ty Xây dựng, Giao thông – Thủy lợi dân dụng Thành Vinh đã khởi công xây dựng dự án. Ngày khởi công diễn ra tưng bừng với máy móc thiết bị, nhân công đông đảo trong sự chứng kiến và niềm vui của người dân địa phương, bởi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian xây dựng, nhà thầu đã rút hết máy móc, nhân lực, tạm dừng thi công, trong sự ngỡ ngàng, thất vọng của người dân cùng với con đường dở dang, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước và cả cho doanh nghiệp.

Từ thông tin phản ánh của bạn đọc về dự án giao thông kéo dài và thi công không đảm bảo chất lượng, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Hoằng Đạt và các đơn vị liên quan. Theo trao đổi của ông Lê Khắc Thắng - Chủ tịch xã Hoằng Đạt, sở dĩ dự án thi công dở dang rồi ngừng lại là do thiếu kinh phí. Theo Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật của Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, nguồn kinh phí đầu tư cho dự án gồm vốn ngân sách huyện hỗ trợ, vốn ngân sách xã và nguồn huy động hợp pháp khác. Tuy nhiên, cho đến nay ngay cả nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng 1,7 tỷ đồng, xã cũng đang nợ dân do chưa bán được đất tại khu dân cư mới, vừa được đầu tư xây dựng. Đối với nhà thầu, cho đến trước khi tạm dừng thi công, cũng mới chỉ được thanh toán 2,8 tỷ đồng (từ nguồn huyện hỗ trợ) dù đã hoàn thành khoảng 70% tổng khối lượng công việc.

Trả lời câu hỏi về việc bao giờ công trình được thi công trở lại để hoàn thành và đưa vào hoạt động, ông Chủ tịch xã thở dài cho biết: Chưa thể nói vì không biết đào đâu ra tiền để đầu tư. Hiện, xã chỉ biết trông chờ vào huyện, trong khi huyện thì kinh phí cũng khó khăn và đang có chủ trương xiết chặt chi tiêu tài chính.

Về nội dung công trình thi công có một số hạng mục sai với bản vẽ thiết kế thi công, ông Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Hoằng Hóa cho biết: Trong quá trình thi công, Ban thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nhắc nhở nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng. Hơn nữa dự án đang trong quá trình triển khi thi công, chưa nghiệm thu, bàn giao nên chưa thể nói gì về chất lượng công trình. Về vấn đề kinh phí đầu tư cho dự án, một cán bộ UBND (xin được không nêu tên) cho biết, theo Nghị quyết HĐND huyện về nguồn vốn đầu tư cho dự án này, chỉ nêu ngân sách huyện hỗ trợ (không có con số cụ thể), hơn nữa UBND xã là chủ đầu tư nên dĩ nhiên phải lo phần lớn nguồn kinh phí, huyện chỉ “hỗ trợ” một phần.

Trao đổi với PV, ông Chu Đình Sự - Giám đốc Công ty Xây dựng Giao thông – Thủy lợi dân dụng Thành Vinh khẳng định: Công trình được thi công đảm bảo chất lượng và yêu cầu kỹ thuật. Về thông tin nhà thầu dùng đất bùn, đất ruộng đắp hai bên “khung đường” là có. Nhưng thực tế, lớp đất bùn này (được đào vét trong quá trình thi công) chỉ đang tạm tập kết tại chỗ, khi thi công đến công đoạn rải đá, thảm nhựa sẽ được đưa đến bãi thải.

thanh hoa cong trinh do dang vi thieu von gay lang phi cho ngan sach nha nuoc
Lớp đất ruộng hai bên đường, theo nhà đầu tư chỉ là tập kết tạm trước khi đưa đến điểm đổ thải.

Nói về việc cần điều kiện gì để thi công trở lại. Ông Sự cho biết, cho đến nay Công ty đã hoàn thành được 75% khối lượng công việc, bao gồm toàn bộ chiều dài nền đường và cầu, cống trên tuyến. Phần việc còn lại chỉ là dải lớp đá dăm và thảm nhựa, làm hệ thống mương dẫn nước. Với khối lượng đã hoàn thành, lẽ ra Công ty phải được thanh toán số tiền tương đương là gần 7 tỷ đồng, nhưng mới chỉ được nhận 2,8 tỷ. Tuy nhiên, thông cảm với khó khăn của huyện, xã, ông cam kết chỉ cần được “rót” thêm 2 tỷ đồng, sẽ nỗ lực hoàn thành công trình ngay trong năm 2020 này.

Như vậy, mặc dù nhà thầu đưa ra yêu cầu có thể nói là không “quá cao” để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, như thực tế đã nêu thì không biết bao giờ đường giao thông Bút Sơn – Hoằng Trường đi đê hữu sông Lạch Trường mới được tái khởi động để hoàn thành, đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Lại thêm một bài học trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đối với chính quyền địa phương, trong trường hợp này, rõ ràng UBND xã Hoằng Đạt đã không biết “liệu cơm gắp mắm”, để xảy ra tình trạng công trình thi công kéo dài, dở dang do thiếu vốn, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, thiệt thòi đối với người dân và cả doanh nghiệp. Về phía UBND huyện Hoằng Hóa, theo chúng tôi cũng cần xem xét, có giải pháp tháo gỡ khó khăn chia sẻ thêm đối với địa phương và doanh nghiệp.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load