Thứ sáu 29/03/2024 20:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Sẽ ứng kinh phí để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân vùng sụt lún Trại Cau

10:30 | 29/02/2020

(Xây dựng) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến tại cuộc họp thống nhất giải quyết sụt lún đất, nứt nhà, mất nước tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ ngày 27/2 vừa qua.

thai nguyen se ung kinh phi de dam bao on dinh cuoc song nguoi dan vung sut lun trai cau
Khai thác tại moong tầng sâu núi Quặng.

Như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh: Hiện tượng sụt lún đất ở khu vùng mỏ Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã xảy ra từ năm 2006, đến nay tiếp tục xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương.

Vài năm trở lại đây, tình hình sụt lún đất, mất nước, nứt nhà xảy ra tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều hộ gia đình đã phải bỏ nhà cửa dựng lều, lán tạm để ở.

Thống kê của UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Đến đầu tháng 3/2017 đã có ít nhất 133 hộ bị rạn nứt nhà cửa ở các mức độ khác nhau do ảnh hưởng của sụt lún đất, trong đó thị trấn Trại Cau có 44 hộ, tại xã Cây Thị có 89 hộ.

Ngoài ra, tại khu vực trên, các giếng khoan, giếng đào của các hộ dân đều bị cạn nước khiến người dân không có nước sinh hoạt. Tại các xóm Trại Cau, Hòa Bình và Kim Cương của xã Cây Thị có 117 thửa ruộng với diện tích gần 7,5ha của 44 hộ dân có hiện tượng sụt lún thành hố sâu hoặc nghiêng ruộng, mất nước. Người dân không thể cấy lúa được, phải chuyển sang trồng màu hoặc bỏ ruộng hoang.

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc: Khu vực sụt lún có các hang karsto trong các tầng đá vôi ngầm là nguyên nhân tiềm ẩn. Nguyên nhân trực tiếp là do hoạt động bơm tháo khô mỏ tại moong Thác Lạc 3, mỏ tầng sâu núi Quặng của mỏ sắt Trại Cau, đã tạo ra phễu làm hạ mạnh mức nước xung quanh moong, khiến nước dưới đất vận động mạnh, gây mất cân bằng tĩnh trong các tầng đất phủ, đẩy nhanh sự sụt đất, nứt đất, mất nước.

Theo Thông báo số 309/TB-UBND ngày 1/11/2018 của UBND huyện Đồng Hỷ, việc xác định nguyên nhân sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị được căn cứ trên các kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục hiện tượng sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên”.

Qua nghiên cứu, khảo sát, nguyên nhân chính gây sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng tại đây do moong khai thác tầng sâu núi Quặng - Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên đào xúc đất, nổ mìn phá đá tạo thành bờ moong sâu, dốc và bơm hút nước tháo khô mỏ trong tầng chứa nước khe nứt, hang hốc kast ngầm rất phát triển, quy mô lớn.

Các moong khai thác nhóm 1 (thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên và Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng) gây nứt đất và các công trình xây dựng xung quanh thành bờ moong ở phạm vi nhỏ lẻ, cục bộ tại xóm Hòa Bình, xã Cây Thị. Ngoài ra, kết quả đo rung nền đất do nổ mìn xác định hoạt động nổ mìn đã kích hoạt thêm các tai biến địa chất.

Sau khi có kết luận chính thức về nguyên nhân gây sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, UBND huyện Đồng Hỷ đã yêu cầu 3 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại khu vực này có trách nhiệm bồi thường và hỗ trợ thiệt hại đối với công trình bị ảnh hưởng.

Công ty Cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với các công trình xây dựng bị ảnh hưởng ở phạm vi nhỏ lẻ tập trung ở xóm Hòa Bình, xã Cây Thị. Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với các công trình xây dựng bị ảnh hưởng ở phạm vi nhỏ lẻ, cục bộ do việc khai thác tại mỏ có số hiệu MHB7/7. Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với các công trình xây dựng bị ảnh hưởng của việc khai thác moong tầng sâu núi Quặng... Ngoài ra, đối với thiệt hại về hoa màu, trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nông nghiệp, mất nước sinh hoạt, nước sản xuất thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Huyện Đồng Hỷ đã phối hợp các đơn vị liên quan và Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên bồi thường di chuyển nhà ở, hỗ trợ sản xuất cho nhân dân với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên còn phải chi trả cho việc hỗ trợ sản xuất, bồi thường cho nhân dân khoảng hơn 7 tỷ đồng.

Để ổn định cuộc sống của người dân tại khu vực trên, tại cuộc họp được tổ chức ngày 27/2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến đã chỉ đạo: Trong khi Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên chưa bố trí được kinh phí, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét, tạm ứng kinh phí cho UBND huyện Đồng Hỷ để kịp thời chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng do sụt lún đất, nứt nhà, mất nước tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ; thời gian thực hiện trước ngày 10/3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Nguồn kinh phí ứng trước được hoàn ứng từ Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, yêu cầu trước ngày 30/10/2020.

Cũng tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đánh giá hiệu quả từ hoạt động khai thác tại công trường tầng sâu núi Quặng, đặc biệt là khi khai thác xuống sâu và mức độ ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Nếu không hiệu quả, mức độ ảnh hưởng lớn, yêu cầu dừng khai thác, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục theo quy định trước ngày 5/3/2020.

Trao đổi với phóng viên, ông Mạc Đăng Niên - Giám đốc mỏ sắt Trại Cau - đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết: Sau khi nghiên cứu nhiều yếu tố tác động và để ổn định đời sống nhân dân địa phương, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên thống nhất sẽ dừng khai thác mỏ tầng sâu Núi quặng vào cuối tháng 5/2020.

“Nếu tiếp tục khai thác quặng sắt tại mỏ tầng sâu núi Quặng thì nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng sụt lún, mất nước, nứt, lún công trình xây dựng, nhà ở, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân. Do đó, để tiếp tục khai thác mỏ này, cần có giải pháp hỗ trợ, có chính sách di dời những hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn với kinh phí rất lớn”, ông Mạc Đăng Niên cho biết thêm.

NTV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load