Thứ sáu 15/11/2024 01:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thái Nguyên: Quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

11:22 | 04/12/2022

(Xây dựng) - Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế: Nếu giải ngân vốn đầu tư công năm sau tăng thêm 1% so với năm trước sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,058%. Mặc dù, Thái Nguyên chưa có con số tính toán cụ thể, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công không nằm ngoài quy luật ấy.

Thái Nguyên: Quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Thi công Dự án đường động lực thành phố Thái Nguyên.

Năm 2022, kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được giao gần 15.000 tỷ đồng (tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2021). Trong đó, vốn kế hoạch năm trước được kéo dài thời hạn thanh toán là trên 189 tỷ đồng, vốn kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao trên 5.800 tỷ đồng; vốn kế hoạch địa phương giao trên 8.800 tỷ đồng.

Để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt nội dung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của HĐND tỉnh, UBND tỉnh về công tác quản lý điều hành ngân sách; chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, kiểm soát chi ngân sách Nhà nước gắn với các luật có liên quan. Tỉnh đã sớm thống nhất danh mục công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thống nhất nguyên tắc và sớm phân bổ vốn; chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục, hồ sơ đầu tư, chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thành khối lượng các hạng mục công trình.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên luôn bám sát tiến độ các công trình, dự án; thực hiện chế độ báo cáo, đánh giá theo tháng. UBND tỉnh liên tục chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng, hồ sơ thanh toán. Số liệu thống kê đến ngày 31/10/2022, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt gần 4.800 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Với kết quả này, Thái Nguyên lọt trong top các tỉnh dẫn đầu về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.

Tính chung các nguồn vốn đầu tư công giải ngân trên địa bàn đến tháng 10/2022 tiến độ đạt 56% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Ước lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết 30/11/2022 là 5.690.500/5.992.283 triệu đồng, đạt 95% so với số kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công mặc dù còn gặp khó khăn nhất định nhưng đã đóng góp trực tiếp vào mục tiêu khôi phục kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên năm 2022 ước đạt 8,25%, vượt kế hoạch đề ra, tăng trên 1,7% so với năm 2021.

Để khắc phục những khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị và các chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư công thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình các dự án, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.

Thái Nguyên: Quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Công trình xây dựng Trụ sở Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và một số cơ quan.

Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn chủ đầu tư, ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.

Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án bồi thường, bảo đảm tiến độ thực hiện; đẩy nhanh việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại địa bàn các huyện, thành phố; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân cao, còn thiếu vốn; rà soát, kiểm tra và xử lý toàn bộ việc cấp giấy phép khai thác mỏ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên liệu, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá để trục lợi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương có kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 đến 30/9/2022 đạt dưới 30%; làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan; nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Với nội dung chỉ đạo trên cho thấy, tỉnh Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư năm 2022. Đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thái Nguyên để con số dự ước đạt hoặc vượt mục tiêu.

Việt Hoan - Đình Lộc

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load