(Xây dựng) - Mặc dù đã đi vào hoạt động khá lâu nhưng những vi phạm của các doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa được chính quyền và ngành chức năng xử lý triệt để, gây bức xúc dư luận.
Trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. |
Trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 01/09/2017, với tổng diện tích mặt bằng là 19.000m2, công suất của hai trạm trộn là 160m3/h, tương đương khoảng 392 tấn/h (2,45 tấn/m3), cùng nhà văn phòng, nhà ăn, nhà kho, sân công nghiệp… tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên.
Mặc dù giấy phép xây dựng, hồ sơ thủ tục đất đai và đánh giá tác động môi trường chưa hoàn thiện, nhưng trạm trộn bê tông đã ngang nhiên hoạt động khiến người dân phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống, sinh hoạt và sản xuất bởi khói bụi, tiếng ồn, nước thải xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước tại địa phương.
Theo báo cáo công tác kiểm tra Dự án Trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 của UBND xã Thịnh Đức: Công ty đã xây dựng tường rào lấn 13,5m ra phần đất hành lang Tỉnh lộ 262 ảnh hưởng đến trật tự giao thông đường bộ; chưa hoàn thành việc chi trả đền bù cho người dân; chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng các công trình không đúng quy hoạch…
Kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cũng cho thấy rõ nhiều sai phạm, như: Đối với diện tích 12.346,5m2 đã bồi thường nhưng chưa có hồ sơ sử dụng đất. Còn lại diện tích 1.291,9m2 thuộc loại đất DGT chưa có hồ sơ sử dụng đất theo quy định.
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, tháng 5/2018, Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 đã đầu tư 02 dây chuyền trạm trộn bê tông tổng công suất 160m3 thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM, nhưng trên thực tế hoạt động đầu tư nêu trên chưa có báo cáo ĐTM được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại Khoản 1, điều 19, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Quá trình sản xuất của các trạm trộn bê tông phát sinh nước thải, bùn thải từ hoạt động rửa xe, rửa cối trộn có độ PH cao. Tuy nhiên, Công ty chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chưa bố trí khu vực lưu giữ bùn thải đảm bảo quy định. Bên cạnh đó còn để nước mưa chảy tràn vào ao chứa nước thải sản xuất, chảy qua bãi chứa bùn thải nêu trên ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, hoạt động của Công ty phát sinh một số chất thải nguy hại như: Giẻ lau dính dầu, bộ lọc dầu thải, hộp mực in thải… Số chất thải này được tập kết tại kho chứa nền bê tông cùng các loại vật tư khác. Công ty chưa có trang thiết bị lưu chứa tạm thời, chưa có dấu hiệu cảnh báo theo quy định.
Trước những vi phạm trên, cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 tạm dừng hoạt động xây dựng, sản xuất tại Dự án Trạm trộn bê tông thương phẩm. Chấm dứt việc lấn chiếm 1.291,9m2 đất loại đất DGT, tờ bản đồ địa chính số 9, xã Thịnh Đức. Nộp 149.593.000 tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Đồng thời, có biện pháp đưa hiện trạng môi trường ở khu vực này về trạng thái an toàn.
Thế nhưng trên thực tế, trạm trộn bê tông thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 vẫn ngang nhiên hoạt động, không thực nghiêm túc các yêu cầu của cơ quan chức năng.
Tình trạng “phớt lờ” nói trên cũng đã và đang diễn ra tương tự với trường hợp Trạm trộn bê tông Hữu Huệ của Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hữu Huệ tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên.
Để đối phó, Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hữu Huệ đã lập một ĐTM gửi cơ quan chức năng, nhưng ngay lập tức, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã có văn bản trả lời: “ĐTM của dự án được lập theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 9/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường… Tuy nhiên, nội dung hồ sơ ĐTM không mô tả đúng thực tế hiện trạng khu vực thực hiện dự án. Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lại hồ sơ ĐTM của dự án” cho Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hữu Huệ ngày 15/1/2018.
6 tháng sau, ngày 7/6/2018, Chi cục Bảo vệ môi trường tiếp tục có văn bản thúc giục Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hữu Huệ hoàn thiện hồ sơ ĐTM của dự án trạm trộn bê tông thương phẩm tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên; đồng thời nêu rõ quan điểm: “Chưa được triển khai dự án khi chưa được phê duyệt ĐTM”.
Cuối năm 2020, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho biết: “ĐTM của bê tông Hữu Huệ đang trình UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt”.
Như vậy, tính từ khi Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hữu Huệ đặt trạm trộn bê tông hoạt động ở xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên đến nay đã hơn 4 năm và toàn bộ thời gian không ngắn này trạm bê tông nói trên đã hoạt động “chui” ngoài vòng pháp luật về môi trường.
Vi phạm nói trên của doanh nghiệp này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên thiết lập. Và theo đại diện của Sở này, Sở “đã trình hồ sơ lên UBND tỉnh Thái Nguyên để xử phạt theo thẩm quyền”, nhưng không hiểu sao hàng năm trời đã trôi qua, quyết định xử phạt vẫn chưa được ban hành, còn trạm trộn bê tông vẫn ngày đêm hoạt động gây bức xúc trong dư luận.
Trạm trộn bê tông Hữu Huệ của Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hữu Huệ tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên. |
Một trường hợp khác tại thị xã Phổ Yên cũng có hành vi “coi thường quy định pháp luật” là Trạm trộn bê tông Tuấn Tùng của Công ty TNHH Tùng Minh Khánh tại phường Bắc Sơn.
Theo phản ánh: Công ty TNHH Tùng Minh Khánh đã ngang nhiên xây dựng Trạm trộn bê tông Tuấn Tùng trên diện tích gần 1ha đất nông nghiệp, hoạt động kinh doanh suốt thời gian dài kiếm lời bất chính, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân tổ dân phố Sơn Trung, phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên vô cùng búc xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện UBND thị xã Phổ Yên cho hay: Sau khi nhận được thông tin, thị xã Phổ Yên đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND phường Bắc Sơn kiểm tra, thu thập hồ sơ tài liệu, đồng thời xác minh làm rõ các nội dung có liên quan đến việc xây dựng trái phép Trạm trộn bê tông Tuấn Tùng. Sau khi xác minh làm rõ sai phạm sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp; đồng thời sẽ có các biện pháp áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thậm chí cưỡng chế hoàn trả mặt bằng theo quy định của pháp luật.
Không biết đó có phải hệ quả từ sự quan liêu của cơ quan chức năng, sự cố tình vi phạm pháp luật của doanh nghiệp hay đã có việc “bắt tay” của cả hai bên mà dự án triển khai đi vào hoạt động đã lâu cũng chỉ có những văn bản nhắc nhở “có cũng như không” nói trên, còn hệ lụy do trạm trộn bê tông không đủ điều kiện vẫn hoạt động thì để người dân và người tiêu dùng hứng chịu?
Báo điện tử Xây dựng một lần nữa đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm, dứt điểm đối với những vi phạm nêu trên, lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo cuộc sống cho người dân được bình an, khỏe mạnh.
Thái Nguyên Nhân
Theo