Thứ ba 23/04/2024 14:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Nâng cao tiêu chí sử dụng nước sạch trong xây dựng Nông thôn mới

11:47 | 20/12/2022

(Xây dựng) - Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 98% dân số nông thôn (tăng 3% so hiện nay) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Thái Nguyên: Nâng cao tiêu chí sử dụng nước sạch trong xây dựng Nông thôn mới
Nhiều cuộc hội thảo đã được tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhằm tìm giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới.

Ông Trần Nho Hưởng - Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được trên 10 năm với nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí thì tiêu chí số 17 về môi trường là một tiêu chí rất khó đạt chuẩn, nhất là đảm bảo tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch. Vì vậy công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch trong xây dựng Nông thôn mới càng đặt ra yêu cầu cấp thiết cùng với việc hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia.

Hiện, Thái Nguyên có gần 68% số xã đạt tiêu chí số 17 - môi trường và an toàn thực phẩm. Tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 có nhiều đặc điểm, yêu cầu mới. Trong đó, tỷ lệ người dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vùng nông thôn phải đạt trên 93%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được xử lý 100%.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 254 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Trong đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao vận hành 25 công trình, còn lại do UBND các xã, hợp tác xã và doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình đã xuống cấp, không phát huy được hiệu quả.

Với mục tiêu cải thiện và nâng cao đời sống người dân nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định đầu tư Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn với số vốn hơn 108 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa 23 công trình cấp nước, đưa tỷ lệ 98% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Đại diện Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên cho biết: Để nâng cao hiệu quả đầu tư, các cơ quan chức năng của tỉnh đã khảo sát thực tế từng vị trí, công trình, thực trạng sử dụng nước sinh hoạt của người dân để quyết định lập danh mục xây mới 6 công trình, sửa chữa 17 công trình để cấp nước bền vững và ổn định cho gần 11 nghìn hộ dân.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng đặc biệt quan tâm đảm bảo chất lượng nước trước khi cung cấp đến các hộ dân. Đơn vị thường xuyên chỉ đạo phòng chuyên môn thực hiện lấy mẫu nước, tiến hành xét nghiệm, phân tích các chỉ số chất lượng nước định kỳ. Các chỉ số về vi sinh, hóa học được xét nghiệm, phân tích theo quy định, trong đó tập trung vào các chỉ số để đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong xây dựng Nông thôn mới.

Từ các nguồn vốn như: Vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), ngân sách Trung ương và những nguồn vốn khác, trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thiện hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo tiến độ và quy định. Nhiều công trình đã đưa vào vận hành, khai thác ổn định, cung cấp nước hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao như các nhà máy máy cấp nước sinh hoạt ở các địa phương: Tức Tranh (Phú Lương); Sơn Cẩm (thành phố Thái Nguyên); Tiên Phong, Đông Cao (thành phố Phổ Yên)…

Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, trong những năm qua, Thái Nguyên đã tổ chức hoạt động truyền thông và tăng cường năng lực thuộc Dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Theo đó, trên 40 hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý, vận hành công trình cấp nước và hội nghị thông tin giáo dục truyền thông (IEC) về cấp nước, chiến lược cấp nước sạch của tỉnh và Trung ương giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 đã được tổ chức. Các hội nghị tập huấn cũng được tổ chức trực tiếp tại 32 xã, phường, thị trấn hưởng lợi từ dự án, với gần 2 nghìn người tham gia.

Cùng với việc thực hiện Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, tỉnh Thái Nguyên tiến hành rà soát tổng số 250 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó chỉ đạo chính quyền cơ sở khắc phục khó khăn, hạn chế về năng lực quản lý; tạo nguồn thu từ công trình cấp nước ở nông thôn để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo quản công trình và sử dụng nước nhằm phát huy giá trị của công trình đã được đầu tư.

Theo ông Dương Văn Hào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên: Mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu là 98% số người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung các nguồn lực để cho người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load