(Xây dựng) – Thái Nguyên luôn xác định ngành công nghiệp đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì thế, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp (KCN) là tiêu chí hàng đầu để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Nhằm hiện thực hóa điều này, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra các định hướng phát triển và tập trung triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Phát triển “xanh” theo hướng bền vững là mục tiêu của chủ đầu tư tại KCN Yên Bình. |
Tập trung quỹ đất để phát triển kinh tế công nghiệp
Theo quy hoạch, Thái Nguyên có hơn 6.000ha đất phục vụ phát triển công nghiệp, trong đó 4.245ha cho các KCN và 2.067ha cho các cụm công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có KCN đã thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 1.624,22ha. Trong đó có 5 KCN đang hoạt động, bao gồm KCN Sông Công I, KCN Sông Công II, KCN Nam Phổ Yên, KCN Yên Bình, KCN Điềm Thụy; 1 KCN đang thực hiện chuẩn bị dự án (KCN Sông Công II - giai đoạn 2, chưa được giao đất, cho thuê đất). Tính chung các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đối với các KCN đã thành lập đạt trên 64,59%.
Trong thời gian tới, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn tại 3 địa phương phía Nam của tỉnh là thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình, gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội với mục tiêu tập trung thu hút các ngành, sản phẩm công nghiệp chế biến có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn... hạn chế các ngành sử dụng nhiều lao động và tác động xấu đến môi trường.
Theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên có 12 KCN với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung (được bổ sung 4 KCN mới với tổng diện tích đất công nghiệp là 1.599ha). Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt, UBND Thái Nguyên đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, trong đó đã tổ chức lập quy hoạch xây dựng và hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng các KCN mới trên địa bàn. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ cho khu công nghiệp như giao thông, cấp điện, cấp nước... Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN trong phương án phát triển hệ thống KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 góp phần hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh, đáp ứng nhu cầu về quỹ đất sạch của các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, khẳng định vai trò là trung tâm vùng, là một trong những cực tăng trưởng hạt quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2023, Ban đã thu hút 49 dự án đầu tư, trong đó có 39 dự án FDI và 10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 227,3 triệu USD và 1.051,5 tỷ đồng. Trong số các dự án FDI cấp mới, nổi bật là: Dự án PVC Huali Việt Nam tại KCN Điềm Thuy (tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD), dự án Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại KCN Yên Bình (tổng vốn đăng ký đầu tư 25 triệu USD), dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng – Sông Công tại KCN Sông Công I (tổng vốn đầu tư 19,250 triệu USD)… Thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 121 dự án, trong đó: 23 lượt điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư, số vốn đầu tư tăng thêm là 191,770 triệu USD và 997 tỷ đồng. Qua đó đưa Thái Nguyên tiếp tục thuộc top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
KCN Yên Bình hiện nay đang là điểm thu hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng phát triển đồng bộ, an ninh đảm bảo. |
Các KCN có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh, góp phần lớn đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại trong thời gian tới. Việc hình thành các KCN là một kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tập trung các doanh nghiệp công nghiệp. Cơ chế quản lý và chính sách của các KCN luôn được ưu đãi hơn so với những nơi khác, do đó, việc phát triển các KCN là cách thức chủ yếu để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, các tập đoàn kinh tế trong định hướng phát triển nhằm vào thị trường rộng lớn ở các nước đang phát triển.
Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các KCN góp phần đồng bộ, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện đô thị hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô để tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh. Đồng thời tạo nên mạng lưới liên kết, giữa các địa phương cũng như quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch khu dân cư mới, các khu trung tâm, dịch vụ, các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân và cư dân trong khu vực lân cận KCN như nhà ở, trường học, bệnh viện, khu giải trí,…
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp – chìa khóa thu hút đầu tư
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên. |
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, tỉnh Thái Nguyên chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư. Trong Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 14/3/2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thể hiện rất rõ chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong đó, Thái Nguyên chú trọng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn để thu hút đầu tư phát triển. Tỉnh cũng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp có vốn đầu tư lớn, nhưng nhu cầu về diện tích đất công nghiệp thấp và sử dụng không nhiều lao động để tiết kiệm nguồn lực trong phát triển công nghiệp. Phát triển khu, cụm công nghiệp là mô hình và giải pháp quan trọng để tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội và công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế trong thu hút và hợp tác đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng KCN Thái Nguyên – Chủ đầu tư KCN Sông Công I. |
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng KCN Thái Nguyên – Chủ đầu tư KCN Sông Công I cho biết: KCN Sông Công 1 là KCN đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1999 đến nay đã là 25 năm. Tuy thời gian đã lâu nhưng phía công ty luôn chú trọng về xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì các hạng mục hạ tầng của KCN. Bởi lẽ, tại đây đa phần là công nghiệp nặng như sản xuất sắt, thép nên mặt bằng chung sẽ nhanh bị ảnh hưởng bởi quá trình thời gian sử dụng. Vì là KCN đầu tiên nên phía công ty không gặp khó khăn gì trong quá trình xây dựng hạ tầng, mà hiện nay chỉ cần chú trọng đảm bảo về công tác duy tu và công tác quản lý. Việc vận hành KCN luôn được đảm bảo sát sao bởi cơ quan quản lý nhà nước cũng như luôn nhận được sự hỗ trợ về cơ chế chính sách phát triển dành cho KCN.
Việc thu hút các doanh nghiệp sản xuất, các tập đoàn kinh tế vào KCN đã tạo ra một khối lượng việc làm lớn, trực tiếp giải quyết vấn đề việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động của tỉnh và các địa phương khu vực lân cận, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Người dân có việc làm, đồng nghĩa với có thu nhập, thị trường được mở rộng, thu hút đầu tư tăng, kích thích sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều nhu cầu về lao động mới của các doanh nghiệp.
Để tiếp tục phát triển ngày càng bền vững các KCN của tỉnh, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã và đang triển khai rà soát quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hạ tầng các KCN, nhất là các KCN mới được thông qua quy hoạch, để các nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án sản xuất tại đây và thu hút thêm nhiều dự án mới trong thời gian tới.
Theo Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các doanh nghiệp trong KCN, Ban luôn đồng hành cùng các doanh nghiêp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.
Định kỳ đầu năm, Ban tổ chức tọa đàm trực tiếp với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN, vừa chúc Tết khích lệ, động viên các doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, vừa nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công tác giải quyết các thủ tục hành chính luôn được lãnh đạo Ban quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban đều được cập nhật, tích hợp, công khai lên trang thông tin điện tử và niêm yết đầy đủ tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Ban. Theo đó, 100% các tổ chức, cá nhân đến thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại Ban Quản lý đều được hướng dẫn cụ thể và giải quyết trước thời gian quy định đối với những hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Hàng năm, Ban đều xây dựng kế hoạch hỗ trợ pháp lý - tuyên truyển phổ biến giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp và người lao động trong các KCN; phối hợp với các Sở ban ngành, Công đoàn thường xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp và người lao động về Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo vệ môi trường...
Hệ thống xử lý nước thải hiện đại được xây dựng đồng bộ tại KCN Yên Bình. |
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Yên Bình cho biết: Để có được KCN phát triển như hiện nay không thể không kể đến sự hỗ trợ của của tỉnh cũng như của Ban Quản lý các KCN, từ khi xin chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, đến quá trình xây dựng hạ tầng, vận hành, doanh nghiệp chúng tôi luôn được tạo mọi điều kiện tối đa. Chúng tôi định hướng, KCN Yên Bình sẽ đem theo tiêu chí “xanh-sạch-hiện đại” vì vậy các ngành nghề đăng ký đều là công nghệ cao. Điểm thu hút lớn nhất tại đây là hạ tầng đồng bộ. Chúng tôi có khu xử lý nước thải công suất 80.000m3/ngày, hiện nay lượng xả mới chỉ dừng ở mức 40.000m3/ngày. Ngoài ra, khu vực này còn đảm bảo an ninh vì gần đồn công an Yên Bình và trạm phòng cháy chữa cháy Yên Bình. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn đề xuất tỉnh sớm hoàn thiện về cơ chế đền bù để người dân đồng thuận và nhanh chóng giải phóng mặt bằng, như vậy giai đoạn 2 của KCN sẽ nhanh chóng được triển khai.
Có thể nói, nắm bắt cơ hội tiềm năng phát triển kinh tế KCN, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai đầu tư đồng bộ về hạ tầng, khắc phục được hạn chế, bất cập về môi trường, gia tăng chuỗi giá trị và tác động lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Điều này đặt ra yêu cầu cho tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa về thể chế, chính sách, điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần tạo niềm tin về môi trường đầu tư để các nhà đầu tư yên tâm đến đầu tư phát triển, nhằm tạo nguồn lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Đinh Vũ – Thảo Phương
Theo