Thứ sáu 08/11/2024 03:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Thái Nguyên: Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững

12:24 | 06/09/2024

(Xây dựng) – Phát triển đô thị bền vững luôn là mục tiêu của tất cả các địa phương trong cả nước, nhằm chuyển dịch cơ cấu, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với tỉnh Thái Nguyên, phát triển hạ tầng bền vững gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại đã và đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2030.

Thái Nguyên: Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững
Thành phố Thái Nguyên nhìn từ trên cao.

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là “kim chỉ Nam” trong quy hoạch

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua, kinh tế liên tục phát triển, tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 6,65%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ. Năm 2023, Thái Nguyên với tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 20.196 tỷ đồng, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối thu chi và có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Để duy trì, tiếp nối những kết quả đạt được nêu trên, việc phát triển kết cấu hạ tầng tiếp tục có vai trò hết sức quan trọng. Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 đã xác định: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo bước đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;... đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng”. Đó là những định hướng xuyên suốt trong phát triển kết cấu hạ tầng trong kỳ quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh Thái Nguyên và các sở ban ngành luôn xác định rõ mục tiêu, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng. Nhiều đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được triển khai đã giúp cho tỉnh Thái Nguyên phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thái Nguyên: Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững
Khu đô thị Z131, thành phố Phổ Yên.

Nhằm triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch tỉnh, những năm qua, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, đảm bảo tiêu chí huyện nông thôn mới. Đến hiện tại, đã có 3/6 huyện có quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt (Phú Bình, Định Hóa, Đại Từ), 2 huyện đã thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện (Đồng Hỷ, Phú Lương), huyện Võ Nhai đang lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện. Như vậy 6/6 huyện sẽ hoàn thành quy hoạch vùng huyện trong năm 2025.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay 15/15 đô thị đã có quy hoạch chung được phê duyệt gồm: 3 thành phố, 10 thị trấn và đô thị mới Điền Thụy, Cù Vân, Yên Lãng quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt. Quy hoạch chung đô thị của 3 thành phố đang lập điều chỉnh tổng thể là: Thành phố Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; thành phố Phổ Yên, Sông Công đã phê duyệt xong nhiệm vụ quy hoạch, đang lập đồ án quy hoạch, dự kiến đồ án quy hoạch chung 2 thành phố sẽ được phê duyệt trong năm 2024. Quy hoạch chung các đô thị: Thị trấn Đu, Giang Tiên, huyện Phú Lương; Trại Cau, huyện Đồng Hỷ đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch để phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính.

Thái Nguyên: Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững
Dự án trung tâm thương mại và nhà ở shophouse Sông Công, thành phố Sông Công do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Enterland thuộc Tập đoàn NewstarGroup làm chủ đầu tư, với cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ.

Quy hoạch phân khu đô thị: Thành phố Thái Nguyên đang triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu tại các khu vực (Phúc Hà, Quyết Thắng, Túc Duyên, Đồng Quang, Quang Trung, Tân Thịnh, Thịnh Đán, Chùa Hang...), rà soát điều chỉnh các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt (trung tâm số 2, 5, 6, 7,...). Đến nay, các quy hoạch phân khu được phê duyệt gồm: Phường Trưng Vương, Hoàng Văn Thụ; các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch gồm: Phan Đình Phùng, Đồng Bẩm; dự kiến hoàn thành xong trong năm 2025.

Các đô thị và các xã trong tỉnh đã có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xã được duyệt. Các địa phương đang rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu), điều chỉnh quy hoạch chung xã để phù hợp với quy hoạch tỉnh, đảm bảo đồng bộ các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để thực hiện quản lý phát triển đô thị, nông thôn và thực hiện dự án đầu tư xây dựng hiệu quả, đồng bộ; đồng thời để thực hiện các tiêu chí nâng loại đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 tỉnh Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững
Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên.

Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh hướng đến quy hoạch đô thị bền vững, với mục tiêu chính là đem lại cuộc sống văn minh, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sống về kinh tế và tinh thần. Hiện tại, trong quy hoạch xây dựng, Thái Nguyên thực hiện quy hoạch tĩnh, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các đô thị từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được lập và luôn được điều chỉnh, phục vụ công tác lập quy hoạch chung. Quy hoạch chi tiết luôn bám sát các chương trình phát triển, các dự án làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển đô thị, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo môi trường sống, sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo dựng hình ảnh đô thị Thái Nguyên.

Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, bền vững

Thái Nguyên: Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững
Khu dân cư Tấn Đức JSC, thành phố Phổ Yên với tổng mức đầu tư gần 1000 tỷ đồng hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng về phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Không chỉ chọn lọc khai thác hợp lý các lợi thế trong định hướng phát triển đô thị, mà bên cạnh giải pháp quy hoạch cùng phương thức quản lý phù hợp, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư có hiệu quả. Những năm qua, tỉnh đã trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực về tài chính, uy tín trong và ngoài nước đã và đang tích cực xúc tiến, đầu tư các dự án vào Thái Nguyên như: Dự án khu dân cư Tấn Đức JSC, Dự án Khu đô thị Danko City; Dự án Khu văn hóa thể thao vui chơi giải trí Linh Sơn Hills; Dự án tổ hợp Khu đô thị Thái Hưng Eco City; Dự án TNG Village; Dự án Khu đô thị TMS Bắc Sơn, Dự án Khu đô thị TMS Thịnh Đán; Dự án Khu đô thị Cầu Trúc...

Phát triển đô thị không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức đối với Thái Nguyên, trước hết phải đảm bảo tính bền vững, được thể hiện bởi chất lượng đô thị thông qua các yếu tố về kinh tế – xã hội – môi trường – văn hoá – văn minh đô thị. Điều kiện sống, các dịch vụ, tiện ích đô thị là điểm cộng cho chất lượng đô thị để khẳng định sự bền vững.

Thái Nguyên: Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thành phố Sông Công đạt tiêu chí đô thị loại II.

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, để đáp ứng các yếu tố nói trên, thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện quy hoạch.

Thứ hai, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường quản lý thu chi ngân sách để ưu tiên nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng xã hội;...

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư, đặc biệt đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng điện; hạ tầng nhà ở, đô thị.

Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông liên vùng, các tuyến cao tốc, quốc lộ, các tuyến kết nối với tỉnh giáp ranh; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, quy định pháp luật để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Có thể nói, việc xây dựng có trọng tâm, quy hoạch mục tiêu rõ ràng đã giúp cho hệ thống hạ tầng khung của các đô thị Thái Nguyên được đầu tư đồng bộ, hiện đại, từ đó góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng đô thị thông minh - xanh - sạch - đẹp.

Phát triển đô thị bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là một bài toán cần có sự vào cuộc quyết liệt, triển khai kỹ lưỡng, bước đi bài bản, vững chắc trong quy hoạch, từ đó mới có thể trở thành yếu tố quan trọng giúp tỉnh Thái Nguyên phát huy vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng của tỉnh, vươn lên xứng tầm là trung tâm văn hóa - kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đinh Vũ – Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển không gian đô thị Bắc Giang sau sáp nhập

    (Xây dựng) - Đây là phát biểu của Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn tại buổi làm việc mới đây giữa Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ huyện Yên Dũng liên quan đến việc sáp nhập huyện Yên Dũng về thành phố Bắc Giang và các nội dung khác.

  • Bộ Xây dựng tổ chức “Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024”

    (Xây dựng) - “Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam” được tổ chức thường niên để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, các viện, cơ sở nghiên cứu giáo dục, đào tạo, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức cá nhân quan tâm đến phát triển đô thị.

  • Hà Nội: Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây sẽ diễn ra vào ngày 10/11

    (Xây dựng) - Ngày 10/11 tới đây, tại Sân khấu chính phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ diễn ra Chương trình Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã (1924 - 2024) và 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469 - 2024).

  • Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị nhiều vấn đề về hạ tầng giao thông và đô thị

    (Xây dựng) – Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, ngập úng tại các tuyến đường, hệ thống cống thoát nước chưa hiệu quả và nhiều vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông… là những ý kiến được cử tri tại nhiều địa phương gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương.

  • Bài 3: Để Nghị quyết tiếp tục đi vào cuộc sống

    (Xây dựng) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra. Đối với chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, thành phố Hải Phòng cần có các giải pháp đột phá, với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

  • Ninh Bình: Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm – Nâng tầm đô thị vùng ven biển

    (Xây dựng) – Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có tổng mức đầu tư trên 880 tỷ đồng đang dần tiến về đích. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần nâng tầm đô thị vùng ven biển, cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm ổn định duy trì kinh tế, xã hội đô thị Phát Diệm trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh với điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng trầm trọng cả về tần suất và mức độ.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load