Thứ bảy 21/12/2024 19:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thái Nguyên: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm

14:34 | 07/09/2024

(Xây dựng) – Với những đột phá về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây, diện mạo của tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được nhanh chóng triển khai, hoàn thiện về hạ tầng. Đó chính là động lực để tỉnh phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Thái Nguyên: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm
Dự án xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc với mức đầu tư gần 4200 tỷ đồng (đoạn ngã tư km13+800 kết nối tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Tuyên Quang và đường 261 Thái Nguyên).

Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, để tạo bước phát triển đột phá, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà tỉnh Thái Nguyên xác định là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị và công nghiệp tại các khu vực phía Nam của tỉnh. Ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, hình thành vùng động lực phía Nam của tỉnh Thái Nguyên.

Ngay từ thời gian đầu, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng về công tác phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Từ đó, công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường; phối hợp với các sở, ngành và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Công tác triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh được ngành sát sao trong chỉ đạo từ khâu thẩm định đến quản lý chất lượng công trình. Công tác xúc tiến đầu tư về lĩnh vực ngành quản lý được quan tâm, tạo cơ hội thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu thực hiện đầu tư.

Tính đến hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu về lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông trong quy hoạch tỉnh. Kết quả, ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tấm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 222/QĐ-TTg. Sở cũng hướng dẫn các địa phương về lĩnh vực quy hoạch hạ tầng giao thông để hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng huyện. Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan để triển khai thực hiện quy hoạch; đôn đốc các chủ đầu tư triển khai và hoàn thiện các dự án theo quy hoạch được duyệt; tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án mới.

Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã triển khai hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 dự án: Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông - Tây khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu); cải tạo, nâng cấp đường ĐT.266 đoạn từ ngã tư Sông Công (giao Quốc lộ 3 cũ) đến ngã tư Điềm Thụy (giao Quốc lộ 37); cải tạo, nâng cấp đường ĐT.261 đoạn từ Km1+00 đến Km20+00 tỉnh Thái Nguyên; nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình (nâng cấp thành đường ĐT.273); nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà, tỉnh Thái Nguyên; dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực - thành phố Thái Nguyên; dự án hầm chui, nút giao khác mức giữa đường Thống Nhất và đường Việt Bắc (thành phố Thái Nguyên); nâng cấp, mở rộng đường gom đoạn từ nút giao Yên Bình đến Khu công nghiệp Yên Bình (Km0+00 - Km2+100).

Các dự án đang tiếp tục triển khai gồm có: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang); nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh); tuyến đường kết nối Quốc lộ 37 và đường tỉnh ĐT.269B tỉnh Thái Nguyên; đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT.261 - ĐT.266 (giai đoạn 1); đường kết nối ĐT.265 (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) đi Bắc Giang; xây dựng cầu An Long và đường kết nối đường tỉnh ĐT.270 với đường tỉnh ĐT.261 huyện Đại Từ; đường Vành đai I (Đoạn Bờ Đậu, Phú Lương - Hóa Thượng, Đồng Hỷ) và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ; tuyến đường kết nối từ đường Bắc Sơn đến khu liên hợp thể thao tỉnh Thái Nguyên; đường nối từ tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đến đường Triệu Quang Phục, thành phố Phổ Yên. Kết quả trên đã cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong tổ chức xây dựng quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông.

Thái Nguyên: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực, nâng cao năng lực kết nối giao thông, củng cố, tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao du lịch. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, hiện rõ tính chất kết nối liên thông, tổng thể và liền mạch, mở ra không gian phát triển mới, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

“Quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển công trình công cộng, tiến độ triển khai các khu tái định cư, thiếu vật liệu san lấp… Tuy nhiên, Sở đã luôn sát sao và nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai thực hiện các dự án. Đôn đốc các chủ đầu tư dự án phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để tận dụng, điều phối các vật liệu đất đắp trong phạm vi của dự án. Đồng thời cũng phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cấp phép thêm các mỏ đất đắp, đá xây dựng, cấp phối đá dăm trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nhu cầu sử dụng của các công trình, dự án” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.

“Vượt nắng, thắng mưa”, tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ

Thái Nguyên: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cùng tổ công tác đi kiểm tra tiến độ tại dự án tuyến đường nối ĐT.261 - ĐT.266 (giai đoạn 1).

Đại diện chủ đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên Bùi Tiến Chính cho biết: Tỉnh Thái Nguyên đang rất quan tâm đến phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng đối với các dự án do Ban được giao làm chủ đầu tư, từ năm 2021 đến nay, đã thi công hoàn thành được 68km đường, bao gồm có 9,71km đường làm mới và 58,29km đường nâng cấp, cải tạo; các công trình, dự án vẫn đang tiếp tục triển khai, đến hết năm 2025 dự kiến sẽ nâng số km đường hoàn thành trong giai đoạn lên thành158,64km đường, bao gồm 79,35km đường làm mới và 79,29km đường nâng cấp, cải tạo.

Trên cơ sở đánh giá sát, đúng tình hình thực tế, phân tích, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động đến tiến độ thực hiện các dự án, Ban Quản lý dự án phát động đợt thi công cao điểm đối với 7 dự án giao thông do ban làm chủ đầu tư, để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thi công.

Thái Nguyên: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm
Cầu vượt Sông Công là dự án xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đề nghị các nhà thầu thi công rà soát khối lượng, xây dựng kế hoạch, tiến độ thi công chi tiết cho 6 tháng cuối năm. Tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phù hợp với tiến độ; có kế hoạch tăng mũi thi công, tăng ca, làm đêm để bù lại tiến độ đã bị chậm. Trong quá trình thi công phải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Các đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát, thường xuyên có mặt 24/24 giờ trên công trường, thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục, bảo đảm việc triển khai thi công trên công trường đúng quy định, đạt chất lượng, tiến độ theo yêu cầu; kịp thời nắm bắt, hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh trên công trường, đề xuất chủ đầu tư phương án, biện pháp xử lý phù hợp.

Các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, giám sát chủ động đăng ký tiến độ thực hiện đối với từng gói thầu cụ thể, ký cam kết huy động tối đa nguồn lực, tập trung hoàn thành các gói thầu theo đúng tiến độ đề ra.

Thái Nguyên: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm
Dự án xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc khởi công ngày 12/5/2022 đang tích cực được triển khai.

Dự án xây dựng tuyến đường liên kết tỉnh là dự án giao thông trọng điểm có vốn đầu tư gần 4200 tỷ đồng. Tiến độ thi công các hạng mục như sau: Nền đường (thi công trên phạm vi 40,09/42,55km) với tỉ lệ đào đất đạt 96,49%; đắp đất K95 đạt 88,32%; đắp đất K98 đạt 77,47%; móng đường cấp phối đá dăm loại II đạt 63,9% (thi công trên phạm vi 27,2/42,55km); cấp phối đá dăm loại I đạt 44,2% (thi công trên phạm vi 19,2/42,55km); mặt đường bê tông nhựa C19 đạt 20,16% (thi công trên phạm vi 9,35/42,55km); thi công 3 cầu lớn đạt 43% khối lượng (trong đó cầu vượt đường sắt đạt 61%, cầu vượt đường Quốc lộ 3 đạt 42%, (cầu vượt Sông Công đạt 42%); hệ thống thoát nước và các hạng mục khác đạt 85% khối lượng (thi công đạt 8/8 vị trí cầu nhỏ, 25/28 vị trí hầm chui, 173/194 vị trí cống thoát nước, 2,5/3 vị trí tường chắn, 4/6 vị trí gia cố mái ta luy và hoàn trả mương thủy lợi, tường chắn có cốt 1/1).

Ông Lê Đức Thiện, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng, Chỉ huy trưởng công trình tại dự án xây dựng tuyến đường liên kết, cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến giờ, thời tiết không thuận lợi gây khó khăn rất lớn trong việc triển khai thi công, do công tác thi công chủ yếu là đào đắp, công trường trải dài, chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết. Mặt bằng đến nay đã cơ bản hoàn thiện, người dân đồng thuận cao, chúng tôi cũng được chính quyền hỗ trợ hết mức trong công tác giải phóng mặt bằng, san lấp và thi công. Dù gặp trở ngại nhưng với mục đích hoàn thành dự án theo kế hoạch, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức không kể nắng mưa, đêm ngày. Hiện tại, các mũi thi công đều sẵn sàng máy móc làm việc chỉ chờ thời tiết ủng hộ”.

Có thể nói, việc sớm hoàn thành và đưa các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào sử dụng, sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dù bối cảnh khó khăn, thách thức còn rất lớn, song, ngành giao thông vận tải sẽ quyết tâm tối đa trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo bức tranh toàn cảnh về giao thông vận tải Thái Nguyên trở nên đồng bộ, từng bước hiện đại và thực hiện thắng lợi mục tiêu chủ yếu Nghị quyết phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đề ra.

Đinh Vũ – Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load