Thứ ba 05/11/2024 09:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thái Nguyên: Hậu quả từ việc không lắng nghe ý kiến nhân dân

19:40 | 14/09/2021

(Xây dựng) - Bỏ qua ý kiến của người dân, nhiều dự án tại Thái Nguyên rơi vào tình trạng mắc kẹt trong việc thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt.

thai nguyen hau qua tu viec khong lang nghe y kien nhan dan
Người dân làng Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên đang quyết tâm giữ lại chiếc cổng làng làm “báu vật kỷ niệm”.

Ông Phan Xuân Thích, cư trú tại tổ 16, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên phản ánh: Khoảng 100m2 tuyến đường bê tông ở ngõ 723 đường Lương Ngọc Quyến (tổ 16, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên) quy hoạch diện tích vào đất của dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng (có 7 hộ dân sống ở khu vực này) mà không xin ý kiến của người dân là không đúng quy định, bởi tuyến đường này được người dân hiến đất, bỏ tiền đầu tư đổ bê tông từ năm 1996.

Cụ thể, tuyến đường trên có điểm xuất phát từ đường Lương Ngọc Quyến, điểm cuối là gần hồ Xương Rồng, có chiều dài khoảng 120m, rộng bình quân 4,5m. Trước đây, con đường này chỉ rộng khoảng 1m nhưng sau đó để thuận tiện cho việc đi lại, bà con trong ngõ đã hiến đất, đóng góp tiền mở rộng lên 4,5m.

Tuy nhiên, theo quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị hồ Xương Rồng, một phần tuyến đường thuộc vào đất của dự án (đã được nhà đầu tư phân lô để bán).

Theo bản đồ địa chính của phường Phan Đình Phùng, lâu nay vị trí này vẫn thể hiện là tuyến đường công cộng. Theo quy định hiện hành khi thực hiện quy hoạch, thu hồi đất thì các đơn vị liên quan phải lấy ý kiến của người dân và có đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế việc này các hộ dân có liên quan đều không được biết.

Cũng theo người dân ở đây, lý do mà mọi người đề nghị giữ nguyên hiện trạng bởi thực tế, tuyến đường này đang đấu nối với đường của Khu đô thị hồ Xương Rồng, thuận tiện cho việc đi lại, hội họp hay thể dục, thể thao tại nhà văn hóa của tổ dân phố cũng như khu vực ven hồ.

Trước những kiến nghị trên, UBND phường Phan Đình Phùng và Ban Quản lý dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng đã có một số lần làm việc trên tinh thần tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong thực hiện quy hoạch nhưng các hộ dân không nhất trí.

Tương tự trường hợp trên, sau khi nhường hết đất trồng lúa màu cho các dự án nhà ở, người dân làng Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên đang quyết tâm giữ lại chiếc cổng làng làm “báu vật kỷ niệm”; không bàn giao cho nhà đầu tư dù trước đó quy hoạch đã được cơ quan chức năng địa phương phê duyệt và một con đường khác đã được nhà đầu tư xây dựng. Hệ quả là giữa tuyền phố Châu Âu được quảng bá hiện đại nhất thành phố Thái Nguyên vẫn hiện hữu một cổng làng với con đường bê tông chạy dài vào xóm.

Lý do các hộ dân làng Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm thành phố Thái Nguyên đưa ra là đường vào làng mới xa hơn và không giữ được nét văn hóa hồn cốt của làng Đồng Tâm…

Trong khi đó, câu chuyện về hậu quả từ việc không lắng nghe ý kiến nhân dân đã khiến nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị tại Thái Nguyên rơi vào tình trạng mắc kẹt trong việc thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt. Nhiều tuyến đường không giải phóng được mặt bằng đã trở thành đường cụt như tại dự án Khu dân cư Vinaconex, dự án Khu dân cư số 4, số 5 phường Túc Duyên hay dự án Khu dân cư số 9 phường Gia Sàng… thành phố thái nguyên.

Nhức nhối nhất là câu chuyện Nhà văn hóa liên tổ 23 và 25 (cũ) phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Thái Nguyên) được nhà đầu tư xây dựng mới từ năm 2011 nhưng hàng chục năm nay bị bỏ không, người dân kiên quyết không tiếp nhận nên các buổi họp của chi bộ, tổ dân phố, các đoàn thể phải họp nhờ địa điểm.

thai nguyen hau qua tu viec khong lang nghe y kien nhan dan
Nhà văn hóa được nhà đầu tư xây dựng mới từ năm 2011 nhưng hàng chục năm nay bị bỏ không.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Nhà văn hóa cũ rộng khoảng 130m2 trên tổng khuôn viên 526m2 là nơi sinh hoạt chung của 4 tổ dân phố (12, 23, 24, 25) vốn là trụ sở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đội Cấn. Công trình này sau đó thuộc quy hoạch Dự án đường Bắc Sơn và khu dân cư phường Hoàng Văn Thụ nên phải di chuyển đi nơi khác. Tài sản Nhà văn hóa liên tổ được cơ quan chức năng thống kê, định giá 180 triệu đồng. Số tiền này được chủ đầu tư Dự án đường Bắc Sơn là Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên dùng để xây nhà văn hóa mới cho các tổ 23, 25 (thời điểm năm 2011, tổ 12 và 24 đã có riêng).

Tuy nhiên, toàn bộ quá trình lựa chọn địa điểm, thiết kế và thi công nhà văn hóa mới, cán bộ và người dân 2 tổ 23, 25 không biết, không được tham gia ý kiến và giám sát.

Ngoài ra, nhà văn hóa mới xây dựng diện tích quá hẹp, thiết kế không phù hợp cũng khiến người dân bất bình. Cụ thể là chỉ rộng khoảng 90m2 (bao gồm cả một số hạng mục phụ trợ bên trong) nên sức chứa tối đa không quá 50 chỗ ngồi, trong khi mỗi tổ dân phố thời điểm đó đều đã có trên 120 hộ dân; bục sân khấu chỉ rộng khoảng 10m2, khuôn viên cũng rất chật hẹp (tổng diện tích 180m2) so với quy mô dân số của các tổ. Công trình chỉ có 1 cửa chính, 2 cửa sổ phía trước nên rất bí bách.

Vì thế, từ khi xây dựng xong nhà văn hóa liên tổ 23 và 25 phường Hoàng Văn Thụ (tháng 2/2011), tổ 25 chưa hề tổ chức hoạt động nào tại đây, tổ 23 chỉ sử dụng vài lần rồi 2 tổ thống nhất niêm phong lại và đem trả chìa khóa cho UBND phường, còn nhân dân và tổ dân phố kiên quyết không nhận.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Savills Việt Nam từng nhận định: Phương án đền bù hiệu quả nhất cho người dân không nằm ở việc giá đất được đền bù là cao hay thấp mà nhìn chung, trong những trường hợp có liên quan đến đền bù đất đai trong khu vực cần giải tỏa mặt bằng, cốt lõi của vấn đề là nằm ở sự đồng thuận của người dân.

Qua những vụ việc trên có thể thấy: Nếu nhà đầu tư và chính quyền địa phương công khai, dân chủ hơn trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến người dân trước khi làm và đại diện người dân được giám sát thì sẽ không xảy ra tình trạng đáng tiếc như hiện nay.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load