(Xây dựng) - Do mới đang hoàn thiện, thẩm định và quyết định đầu tư theo quy định, tỉnh Thái Nguyên đề nghị HĐND tỉnh cho phép kéo dài thực hiện Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc đến năm 2027.
Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí 42 tỷ đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia. |
Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên, sử dụng vốn vay Nhật Bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 983/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 với thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.
Dự án gồm 7 tiểu dự án, trong đó 5 tiểu dự án cải tạo, nâng cấp 75,4km đường giao thông tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát triển sản xuất trên địa bàn 19 xã thuộc các huyện Định Hoá, Đông Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ và Phú Lương. 1 tiểu dự án thuỷ lợi xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp cụm hồ thuỷ lợi tại 5 xã thuộc các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hoá và Phú Lương. Và 1 tiểu dự án xây dựng mới công trình cấp nước sinh hoạt tại 7 xã thuộc huyện Định Hoá và Võ Nhai.
Dự án được thực hiện tại 5 huyện của tỉnh Thái Nguyên: Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa và Phú Lương, có tổng mức đầu tư là 921,178 tỷ đồng, tương đương 3.740,5 triệu Yên, tương đương 39,805 triệu USD. Trong đó: Vốn vay của Chính phủ Nhật Bản 2.892,9 triệu Yên (tương đương 30,786 triệu USD, tương đương 712,446 tỷ đồng). Vốn đối ứng 208,732 tỷ đồng (tương đương 9,02 triệu USD, tương đương 847,6 triệu Yên).
Đối với vốn vay ODA: Ngân sách trung ương cấp phát 50%, UBND tỉnh Thái Nguyên vay lại 50%. Đối với vốn đối ứng: UBND tỉnh Thái Nguyên bố trí từ nguồn ngân sách địa phương.
Ngày 18/10/2023, UBND tỉnh có Văn bản số 5271/UBND-CNN&XD, giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên.
Đến ngày 27/10/2023, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn có Tờ trình số 853/TTr-BQL, trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên.
Báo cáo mới đây do ông Đăng Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND UBND tỉnh Thái Nguyên ký cho biết: Đến hết tháng 10/2023, dự án đang hoàn thiện, thẩm định và quyết định đầu tư theo quy định. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện, tuy nhiên đến nay dự án chưa được ký kết Hiệp định để triển khai.
Trên cơ sở thời gian thực hiện dự án tại quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dự án đã bị chậm tiến độ, chậm đàm phán ký kết Hiệp định do chưa thống nhất được cơ chế tổ chức thực hiện với nhà tài trợ, dự kiến chậm khởi công công trình, kế hoạch vốn nước ngoài đã giao không đủ để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên: Việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2022-2025 sang giai đoạn 2024-2027 là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế triển khai dự án và đảm bảo khả năng cân đối vốn theo quy định.
Được biết, mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm, phương thức sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn phù hợp với cơ chế thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu; lồng ghép với các dự án trong cùng lĩnh vực tạo ra sự cộng hưởng, phát triển tổng hợp một cách bền vững, từng bước xóa bỏ cách biệt về phát triển giữa các vùng, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc; góp phần ổn định an ninh, chính trị khu vực dự án và của tỉnh Thái Nguyên.
Dự án sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của các khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó ưu tiên xây dựng các công trình giao thông, công trình thuỷ lợi và công trình cấp nước nông thôn thiết yếu, như: Chủ động cung cấp nước tưới tiêu cho 938ha đất sản xuất nông nghiệp; cấp nước sạch cho 4.290 hộ dân; nâng cấp 75,4km đường giao thông; số người dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án là 155.787 người, trong đó dân tộc thiểu số là 106.712 người (chiếm 68,51%). Cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, cấp nước, du lịch cho phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập, thay đổi tư duy và phương thức sản xuất cho đồng bao dân tộc khu vực 5 huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hoá và Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên…
Thái Nguyên Nhân
Theo